Gà Rẻ Hơn Rau, Thật Không?
Trước thông tin giá gà thương phẩm hiện giảm xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg, trao đổi với PV Báo SGGP chiều 22-5, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, sự thật là giá gà đang rẻ như… rau nhưng chỉ đúng với loại gà công nghiệp trắng, còn các loại khác chỉ giảm nhẹ.
Chợ gia cầm ế ẩm
Theo khảo sát của PV Báo SGGP, từ sau khi có thông tin dịch bệnh cúm gia cầm H5N1, H7N9 liên tục tấn công, sức mua thực phẩm, thịt gia cầm tại các chợ trong cả nước đã “chùng” hẳn xuống.
Tại Hà Nội, rất nhiều quầy bán gà, vịt làm sẵn đều vắng người mua. Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ quầy gia cầm ở chợ đầu mối Dịch Vọng, cho biết: “Hiện nay chỉ bán túc tắc, lượng khách giảm hơn một nửa, có ngày chỉ có hơn chục khách”. Tại Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), nhiều sạp bán vịt quay, gia cầm mổ sẵn phải đóng cửa khoảng hơn 1 tháng nay. Rất nhiều nơi cảnh mua bán gia cầm đều đang ảm đạm. Về phía người tiêu dùng, chị Trần Thị Bích Thủy, ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng như nhiều người tiêu dùng khác, cho biết: “Từ khi có thông tin dịch cúm A/H7N9 xuất hiện ở Trung Quốc, gia đình tôi không còn dám mua thịt gà nữa. Khi ra chợ, khó mà phân biệt được đâu là gà nuôi trong nước, đâu là gà nhập lậu từ Trung Quốc”.
Do sức mua tại chợ quá “đuối” suốt nhiều tháng qua nên giá bán tại các trang trại cũng bị thương lái “dìm” xuống mức thảm hại. Anh Vũ Thế Đoàn, chủ một trang trại gà quy mô ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, hiện anh vẫn còn tồn hơn 3.000 con gà công nghiệp (trắng) đã đến kỳ mà chưa thể xuất chuồng vì giá chỉ có 18.000 đồng/kg, thậm chí bán rẻ hơn cũng khó vì người tiêu dùng đang thờ ơ với gà. Hiện nay, anh nuôi gia công cho một công ty nước ngoài, song do giá rớt quá sâu, công ty đã đề nghị các gia đình, chủ trại tự lo tìm nơi tiêu thụ.
Khảo sát tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín - Hà Nội), một trong những đầu mối lớn cung cấp gia cầm cho cả nước, do giá quá rẻ nên lượng hàng về mỗi đêm đã giảm khoảng 40% - 50% so với trước, nhưng vẫn không kéo được giá cả lên.
Không chỉ miền Bắc mà cả ở miền Nam, nơi tập trung khá nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại nuôi gà công nghiệp, giá các sản phẩm gia cầm cũng đang rớt thảm hại từ đầu năm đến nay. Do giá cả liên tục “lao dốc” nên các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang chịu thua lỗ khoảng 30 - 60 tỷ đồng/tháng. Một số công ty đã tuyên bố giảm 50% sản lượng nuôi. Nếu các công ty lớn bỏ cuộc thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động chăn nuôi của 1.500 chuồng trại ở khu vực Đông Nam bộ.
Hỗ trợ người chăn nuôi
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, xác nhận đúng là giá gà công nghiệp (gà trắng) đang giảm rất mạnh. Hiện giá xuất chuồng của gà trắng giảm xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg, tính ra cứ mỗi cân, người nuôi đang chịu lỗ từ 15.000 - 20.000 đồng. Và theo nhiều người thì với giá bán như hiện nay, tính ra giá thịt gà còn rẻ hơn cả các loại rau củ cùng bày ngoài chợ. Nhưng theo ông Trọng, chỉ có gà trắng mới giảm sâu như thế, còn các loại gà màu như Tam Hoàng, Lương Phượng (còn gọi gà đỏ) thì giá bán hiện chỉ giảm khoảng 10% - 20%. Hiện tại, giá gà màu mà các chủ trại bán tại chuồng là 28.000 - 30.000 đồng/kg (khoảng 2 tháng trước là 36.000 - 38.000 đồng/kg) và khoảng 1-2 tuần nay ổn định ở mức giá đó.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cũng cho biết, thật ra lâu nay, chăn nuôi loại gà trắng ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Công ty CP, Công ty Japha, Công ty Investco… Trong đó, phần lớn gà nuôi là để lấy trứng, chỉ một phần bán thịt thương phẩm. Song việc giá gà công nghiệp giảm như hiện nay cũng ảnh hưởng tới nhiều chủ trại của Việt Nam, bởi phần lớn các công ty lớn như CP, Japha, Investco… đều đặt nông dân nuôi theo kiểu gia công. So với miền Bắc thì miền Nam là nơi có tỷ lệ trang trại nuôi gà trắng nhiều hơn.
Mặc dù chia sẻ nỗi khó khăn với các doanh nghiệp và chủ trại, song Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Đức Trọng cũng khẳng định, giá gà trắng bán tại chuồng “bèo” như vậy, nhưng tại các chợ, giá bán cho người tiêu dùng vẫn đang ở mức khá cao, phổ biến là trên 30.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nơi vẫn bán 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Theo ông Trọng, có nhiều nguyên nhân cùng làm giá gia cầm, thịt heo, cá giảm liên tục và kéo dài như hiện nay. Hiện, đang bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu thực phẩm trong cả nước giảm mạnh so với các mùa còn lại, trong khi năm nay sức mua kém hơn các năm trước do kinh tế khó khăn, trong khi nguồn cung vẫn tăng mạnh. Từ nhiều tháng qua, gia cầm lậu liên tục tràn vào nội địa, giá bán rất rẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch bệnh như cúm A/H5N1, đặc biệt là sau khi có thông tin dịch cúm A/H7N9 đe dọa, nên phần lớn người tiêu dùng không dám mua thịt gia cầm.
Theo ông Trọng, hiện nay dịch cúm A/H5N1 đã được kiểm soát, dịch cúm A/H7N9 vẫn đang được kiểm soát chặt, vì vậy người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt gia cầm. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra để cứu người chăn nuôi là phải quy hoạch, điều tiết lại chăn nuôi. Trước mắt, Cục Chăn nuôi sẽ đề nghị ngân hàng hỗ trợ về lãi suất cho vay theo hướng giảm lãi suất, đồng thời giãn nợ, khoanh nợ để các chủ trại, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, duy trì đàn gia cầm, sớm ổn định giá cả thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ