Gần 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do hạn, mặn
Cụ thể, diện tích trồng lúa bị thiệt hại trực tiếp hiện lên tới gần 140.000 ha. Các tỉnh có diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất do hạn hán và xâm ngập mặn là Cà Mau với gần 50.000 ha. Tiếp đó là Kiên Giang với trên 34.000 ha, Bến Tre là trên 13.000 ha, Bạc Liêu và Trà Vinh là trên 11.000 ha.
Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện đã ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống dân sinh của 9/13 tỉnh ở khu vực này.
Hiện các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán và xâm ngập mặn.
Cũng theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại do hạn hán và xâm ngập mặn tại khu vực ĐBSCL ước tính khoảng 215 tỉ đồng.
Đẩy mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh
Trước tình hình hán hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng này, những ngày qua, các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh.
Sáng 5/3, hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) bắt đầu xả nước để đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn. Đây là đợt xả nước lần thứ 5 và đợt xả nước có thời gian dài nhất là sáu ngày (144 giờ), kể từ đầu năm 2016. Mục đích của việc xả nước lần này là để phục vụ cho việc đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn.
Để khắc phục tình trạng nước máy nhiễm mặn, Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre đang mở rộng, nâng công suất Trạm bơm Cái Cỏ, đồng thời đắp đập tạm ngăn mặn trên rạch Bến Rớ, đều thuộc địa bàn xã Quới Thành (huyện Châu Thành), nhằm tạo ra nguồn nước ngọt thô ổn định để xử lý và cung cấp nước ngọt cho người dân. Dự kiến, cả hai công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 15/3.
Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương theo dõi độ mặn trên khắp các vùng bị ảnh hưởng để kịp thời khuyến cáo bà con nông dân lấy nước, trữ nước cứu lúa, hạn chế thiệt hại. Đồng thời tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương; lắp đặt, vận hành trạm bơm dã chiến; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; khuyến cáo nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước, không xuống giống ở những khu vực không có nguồn nước tiếp ngọt…
Hai tháng qua, hơn 68.990 người ở vùng nông thôn tỉnh Trà Vinh phải chịu cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt gay gắt. Tỉnh đã dành nguồn kinh phí để hỗ trợ cho dân mua phương tiện chứa nước và hóa chất xử lý nước (PAC). Về lâu dài, tỉnh Trà Vinh đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí hơn 325 tỉ đồng để thực hiện các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho dân các vùng nông thôn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn hằng năm.
Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp ứng phó và khắc phục hậu quả của hạn hán. Hiện, tỉnh đã triển khai 78 dự án thủy lợi; trong đó có 23 dự án do cấp tỉnh làm chủ đầu tư, 55 dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các dự án thủy lợi trong tỉnh được bố trí gần 350 tỉ đồng.
Tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ hỗ trợ 31,5 tỉ đồng triển khai thực hiện các phương án chống hạn và khôi phục sản xuất ở những vùng bị thiệt hại nặng. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện các phương án chống hạn trên cơ sở phát huy nội lực; đồng thời vận động nông dân dồn sức chống hạn để cứu các loại cây trồng trên những chân ruộng của mình.
Thực hiện mô hình tưới ngập khô xen kẽ và ứng phó với tình trạng khô hạn, tỉnh Bạc Liêu tổ chức 16 điểm trình diễn trên diện tích 650 ha với 600 hộ nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, năng suất lúa đạt hơn 7 tấn/ha vụ thu đông, tăng hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng lúa ngoài mô hình, lợi nhuận tăng thêm 6,2 triệu đồng/ha.
Trước tình trạng nước mặn xâm nhập sâu hạ lưu các con sông ở huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), Chi nhánh thủy lợi huyện Hậu Lộc đã chủ động bơm nước ngọt từ các trạm bơm Châu Lộc, Đại Lộc, đẩy nước về các trạm bơm nội đồng. Hiện, chi nhánh vận hành 25 trạm bơm, cung ứng đủ nước tưới cho hơn 7.000 ha lúa vụ chiêm xuân trong huyện.
43.000 ha rừng báo cháy, Cà Mau lập gần trăm chòi canh lửa
Hơn 43.000 ha rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) đang có cấp báo cháy tăng theo từng ngày, cơ quan chức năng cùng người dân phải căng mắt canh giữ rừng.
Đến ngày 6/3, có hơn 2.500 ha rừng báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm và hơn 2.000 ha báo cháy cấp nguy hiểm.
Ban Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ điều động 7 tổ máy với lực lượng chuyên nghiệp vào "điểm nóng" cháy rừng. Hơn 77 chòi canh lửa được dựng lên khắp rừng U Minh Hạ. Trên 500 hộ dân sống dưới tán rừng cũng được huy động, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cũng vừa tăng cường thêm 4 tổ máy bơm vào làm nhiệm vụ canh lửa rừng tràm U Minh Hạ. Các máy bơm có công suất lớn, có đầy đủ trang thiết bị chữa cháy, sẵn sàng làm nhiệm vụ tại nơi được phân công và hỗ trợ các đơn vị chủ rừng lân cận, hoạt động từ nay đến hết mùa khô 2016.
Nhằm bảo vệ an toàn rừng tràm U Minh Hạ trước tình hình khô hạn gay gắt như hiện nay, tỉnh Cà Mau tạm dừng tổ chức vào rừng lấy mật ong, săn bắt và các hình thức khác. Đồng thời không tiếp nhận người ngoài vào rừng khi chưa có sự đồng ý của cán bộ kiểm lâm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ