Gắn vận động dân số với làm kinh tế, khuyến nông
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều và ông Lê Cảnh Nhạc- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cùng chủ trì hội nghị.
Nâng cao nhận thức
Báo cáo tổng kết do ông Lê Anh Dũng- Trưởng ban Xã hội-Dân số, Gia đình (T.Ư Hội NDVN) nêu rõ, từ năm 2012 đến nay, trên cơ sở hệ thống tổ chức của mỗi ngành, T.Ư Hội NDVN và Tổng cục DS-KHHGĐ đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động phối hợp hiệu quả ở lĩnh vực DS-KHHGĐ, mất cân bằng giới tính, phòng chống bạo lực gia đình…
Hai nội dung được 2 ngành tập trung phối hợp đạt hiệu quả rõ nét là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, nông dân trong sinh đẻ có kế hoạch, bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình; xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) về DS-KHHGĐ…
Nam nông dân là đối tượng chủ yếu trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của các cấp Hội ND... Bà Dương Thị Hằng- Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội chia sẻ: “Kể từ khi Hội chuyển trọng tâm tuyên truyền sang đối tượng chính là nam nông dân thì tạo được kết quả rõ nét.
Mức sinh, tỷ suất sinh, cặp vợ chồng sinh con thứ 3 có xu hướng giảm; công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh tăng.
Những năm qua, các cấp Hội ND thành phố đã xây dựng được 723 mô hình, CLB nam nông dân với công tác DS-KHHGĐ, trong đó có 75% mô hình, CLB không sinh con thứ 3…”.
Để khắc phục khó khăn về kinh phí, Hội ND nhiều tỉnh, thành phố đã hướng các mô hình, CLB DS-KHHGĐ vào những nội dung sinh hoạt lồng ghép, gắn với các chương trình, dự án, nguồn lực của Hội.
“Sở dĩ thành viên các CLB sinh hoạt sôi nổi là bởi Hội gắn nội dung DS-KHHGĐ với các chủ đề làm kinh tế, khuyến nông, hỗ trợ, giúp nhau cây, con giống, ngày công lao động…”- bà Ngô Thị Minh Hà- Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng chia sẻ.
Còn nhiều thách thức
" Trong những năm tới, ngành chức năng cần cơ cấu lại kinh phí cho các lĩnh vực DS-KHHGĐ, trong đó bố trí tăng cho lĩnh vực tuyên truyền, vận động, tập trung đầu tư cho các loại hình hiệu quả như CLB nam nông dân…”. Bà Ngô Minh Hà - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng
Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu còn nêu bật những thách thức của thực trạng DS-KHHGĐ ở khu vực nông thôn.
Bà Dương Thị Hằng- Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh con thứ 3 đang có xu hướng tăng ở vùng nông thôn, ngoại thành của thủ đô.
Còn bà Hồ Kim Hằng- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình bày tỏ: “Tỷ suất sinh có giảm, nhưng vấn đề nổi lên là mất cân bằng giới tính tăng và chất lượng dân số chưa được cải thiện rõ…”.
Đồng tình với bà Hằng, nhiều đại biểu đều cho rằng, thách thức lớn đối với Hội ND và ngành DS-KHHGĐ trong những năm tới chính là góp phần giải quyết khó khăn về quy mô dân số, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số thấp… Để làm được điều này, ngành DS-KHHGĐ và Hội ND các cấp cần đổi mới phương thức, nội dung, đối tượng tuyên truyền, vận động, trong đó tập trung nhiều hơn đến đối tượng nam nông dân.
Bà Ngô Minh Hà - Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hải Phòng kiến nghị: “Trong những năm tới, ngành chức năng cần cơ cấu lại kinh phí cho các lĩnh vực DS-KHHGĐ, trong đó bố trí tăng cho lĩnh vực tuyên truyền, vận động, tập trung đầu tư cho các loại hình hiệu quả như CLB nam nông dân…”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều ghi nhận, biểu dương Hội ND các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện chương trình phối hợp với ngành DS-KHHGĐ.
Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều đề nghị, trong những năm tới, 2 ngành cần tăng cường xây dựng các chương trình, dự án, mô hình cụ thể để thông qua đó tuyên truyền, vận động hội viên, ND thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGĐ…
“Hội NDVN đã thực hiện chương trình phối hợp với Tổng cục DS-KHHGĐ một cách có trách nhiệm, vô tư và hiệu quả.
Tổng cục DS-KHHGĐ mong muốn, trong những năm tới, Hội NDVN tiếp tục phối hợp hiệu quả, cùng với các cấp, ngành giải quyết những vấn đề nóng ở nông thôn, trong đó có vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số; bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…
Ông Nguyễn Cảnh Nhạc -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế)
“Đề nghị ngành DS-KHHGĐ và Hội NDVN hỗ trợ kinh phí, tài liệu mở các lớp tập huấn, hội thi, hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông cho Ban chủ nhiệm các CLB nam nông dân, nâng cao nhận thức, vai trò của các nam nông dân-chủ hộ gia đình trong công tác kế hoạch hóa; hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình các CLB nam nông dân với công tác DS-KHHGĐ…
Ông Lù Văn Sỹ-Chủ nhiệm CLB nam nông dân phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái)
“Bên cạnh những hội viên, ND đã và đang làm tốt, đối tượng tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trong thời gian tới cần tập trung hướng đến nhóm đối tượng nguy cơ cao về sinh con thứ 3, cố sinh được con trai…
Hình thức tuyên truyền cần đổi mới phù hợp với tâm lý, đời sống của hội viên, nông dân, trong đó tăng tuyên truyền dưới hình thức hội thi, giao lưu văn nghệ sân khấu hóa…”
Bà Dương Thị Hằng-Phó Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ