Gạo thơm và IR 50404 vẫn giữ giá
3 nước trông vào Philippines
Theo số liệu của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, giá gạo xuất khẩu châu Á diễn biến giảm trong tuần qua do nhu cầu tiêu thụ yếu từ khách hàng châu Phi và nguồn cung đang tăng, bất chấp kế hoạch của Philippines về nhu cầu nhập khẩu mới trong quý này.
Philippines đang có kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo từ Việt Nam, Thái Lan hoặc Campuchia, giao hàng ngay trong quý III/2016.
Bất chấp động thái đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong thời điểm hiện tại (loại chế biến từ lúa hè thu) giảm xuống còn 355 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), so với 360-365 USD/tấn tuần trước, trong khi gạo 25% tấm (loại gạo Philippines thường tìm mua) không đổi ở mức 335-340 USD/tấn.
Khách hàng ở châu Phi đang chờ đợi cuộc đấu thầu bán gạo tiếp theo của Thái Lan để có thể mua gạo với giá rẻ hơn.
Tuần trước, Thái Lan đã bán 347.500 tấn gạo từ kho dự trữ tại 2 cuộc đấu thầu trong tháng 7.2016, chỉ đạt 9% trong số 3,81 triệu tấn gạo chào bán.
Gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tuần qua giảm xuống 415-423 USD/tấn so với 415 – 427 USD/tấn tuần trước.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố, trong tháng 7 xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đạt 270.563 tấn, trị giá FOB đạt trên 120 triệu USD, giảm 318.760 tấn về lượng và giảm trên 116 triệu USD về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Lũy kế xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 2,928 triệu tấn với trị giá FOB đạt 1,266 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan tin tưởng rằng Thái Lan sẽ duy trì vị trí này đến cuối năm 2016 với mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn.
Vị trí thứ 2, 3, 4 lần lượt là Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan với lượng xuất khẩu lần lượt là 4,76 triệu tấn (tăng 12%), 2,66 triệu tấn (giảm 2,1%) và 2,44 triệu tấn (tăng 7,5%).
Lúa thơm vẫn được giá
Tuy xuất khẩu gạo sụt giảm, nhưng giá lúa trong nước vẫn duy trì được ở mức cao, nhất là với dòng gạo thơm.
Theo khảo sát, lúa tươi OM 5451 tại ruộng hiện vẫn có giá 5.000 - 5.100 đồng/kg; OM 4900 vẫn ở mức 5.150 - 5.200 đồng/kg; còn IR 50404 là 4.500 đồng/kg.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa tươi IR 50404 ổn định ở mức 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 2514, OM 1490 ở mức 4.600 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR 50404 giữ ở mức 4.300 đồng/kg; lúa khô ở mức 5.000 đồng/kg…
Theo ông Phạm Thanh Thọ - Phó Giám đốc ngành lương thực của Tập đoàn Lộc Trời, giá lúa dòng gạo thơm vẫn giữ được ở mức cao do vẫn đi được hợp đồng nhỏ lẻ qua thị trường Trung Quốc, một số đi Ghana và Bờ Biển Ngà.
Còn lúa IR 50404 vẫn giữ giá vì doanh nghiệp vẫn muốn thu mua để chờ đợi hợp đồng tập trung Chính phủ nên khi có nhu cầu thu mua thì giá lúa ngoài đồng vẫn cao.
“Mặt khác, Trung Quốc đã thỏa thuận với Campuchia là bắt đầu từ năm 2017 sẽ nhập khẩu chính ngạch 200.000 tấn gạo từ Campuchia.
Như vậy, các doanh nghiệp Campuchia cũng có sự chuẩn bị giữ hàng lại, cho nên lượng lúa từ Campuchia về Việt Nam trong năm nay và dự kiến sang năm 2017 sẽ giảm đi (ước mỗi năm khoảng 1 triệu tấn vào Việt Nam), cũng làm giá lúa nội địa vẫn giữ ở mức ổn định”- ông Thọ nhận định.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 48 tại Viêng Chăn (Lào), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc gặp ông Ramon Lopez - Bộ trưởng Công Thương Philippines.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường Philippines đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam và đề nghị Philippines phối hợp xem xét ký Nghị định thư gia hạn Bản thỏa thuận thương mại gạo năm 2010 (hết hạn 31.12.2016) cho giai đoạn 2017 - 2020.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ