Mô hình kinh tế Gạo Việt Nam làm nhanh kẻo lỡ

Gạo Việt Nam làm nhanh kẻo lỡ

Ngày đăng 14/10/2015

Gạo Việt Nam làm nhanh kẻo lỡ

Gạo là một trong ba mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu gạo lại đang giảm mạnh.

Ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đối diện với vô số thách thức từ nhiều năm nay.

Trên đà tụt giảm

Năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của nước ta còn đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Thái Lan, nhưng lại sụt giảm mạnh về giá.

Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu năm đạt 7,72 triệu tấn, với kim ngạch 3,45 tỷ USD, tuy tăng 9,3% về lượng nhưng lại thấp hơn 70 triệu USD so với 2011.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2013, Ấn Độ đã qua mặt Việt Nam để trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ hai trên thế giới.

Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm 2015, xuất khẩu gạo liên tục giảm.

Theo đó, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt 3,72 triệu tấn với giá trị 1,59 tỷ USD; giảm 3,1% về lượng và 8,3% về giá trị.

Kết thúc tháng 8, xuất khẩu gạo đạt giá trị 1,76 tỷ USD, giảm 13,1% và khối lượng đạt 4,09 triệu tấn, giảm 8,6%.

Tình trạng xuất khẩu gạo Việt Nam sụt giảm trong vài năm trở lại đây có nguyên nhân từ sự cạnh tranh của nhiều quốc gia xuất khẩu gạo mới nổi khác, đáng chú ý là Myanmar và Campuchia.

Xét về thâm niên, Việt Nam đã xuất khẩu gạo suốt 26 năm, trong khi Campuchia chỉ mới bắt đầu xuất khẩu gạo năm 2008 và từ đó, xuất khẩu gạo của họ tăng lên rõ rệt.

Cụ thể năm 2009, sản lượng gạo xuất khẩu của đất nước chùa tháp chỉ đạt 12.613 tấn; đến năm 2010 họ đã vượt lên 55.301 tấn và 7 tháng đầu năm 2015, sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia đã đạt 312.300 tấn trong mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo cho cả năm.

Giá xuất khẩu bình quân FOB của gạo Việt Nam loại Jasmine 5% tấm chỉ ở mức dưới 450 USD/tấn

Điều đáng nói, tuy sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia không thể sánh với Việt Nam, nhưng giá trị mang về lại khá cao.

Giá niêm yết trên website Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF), gạo Jasmine cao cấp 5% tấm của Campuchia có giá FOB khoảng 850 USD/tấn, loại thường 5% tấm có giá 820 USD/tấn

. Trong khi, giá xuất khẩu bình quân FOB của gạo Jasmine 5% Việt Nam chỉ ở mức dưới 450 USD/tấn.

Đáng ngại hơn, xét về thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong năm 2014, gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường châu Á chiếm gần 77%.

Trong khi đó từ năm 2013, gạo Campuchia xuất khẩu sang 66 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính thuộc khối EU và Mỹ, theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Campuchia.

Gần đây, các khách hàng truyền thống của Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến gạo Campuchia, ví dụ như Philippines.

Phải học từ “người mới”

Trước thực trạng gạo Việt Nam xuất nhiều, nhưng giá trị thấp, tháng 5/2015, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó có nhấn mạnh đến việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và phấn đấu 20 - 30% gạo xuất khẩu phải mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Đồng thời, ưu tiên chọn ba giống đặc sản vùng đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia…

Liên quan đến vấn đề nâng cao giá trị và tạo dựng hình ảnh cho gạo xuất khẩu, GS.TS Võ Tòng Xuân đã chia sẻ một số điểm trong quy trình phát triển ngành gạo Campuchia.

Theo đó, dưới sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC, thuộc WB) đã theo sát quy trình xây dựng ngành gạo của Campuchia, từ khâu chọn lựa giống, sản xuất, cho đến việc xây dựng thương hiệu.

Về vấn đề giống, WB nhờ Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Australia hỗ trợ Campuchia tuyển chọn tất cả các giống lúa ở quốc gia này.

Trên cơ sở đó, họ chọn ra hai giống chủ lực để đi vào sản xuất, đồng thời tập huấn cho nông dân trồng đúng theo kỹ thuật Global Gap.

Sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia đã đạt 312.300 tấn trong mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo cho cả năm

Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam có thể bắt đầu từ đâu? GS.TS Võ Tòng Xuân gợi ý:

Việt Nam có thể bắt đầu như Campuchia, trong số 30 - 40 giống lúa hiện nay, chúng ta chỉ cần khôi phục và chọn ra ba giống tiêu biểu.

Theo ông Xuân, diện tích trồng lúa manh mún không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu mà mấu chốt là gạo giá trị phải bắt nguồn từ giống tốt, sau đó mới đến chọn vùng trồng, huy động nông dân có thể vài nghìn người trong một vùng.

Họ sẽ trồng đồng nhất một giống và đồng nhất về mặt kỹ thuật.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải chọn ra một đội ngũ doanh nghiệp chuyên thu mua và chế biến lúa gạo. Ở đây, có sự liên kết chặt chẽ giữa ba yếu tố: giống - tổ chức được nông dân - tổ chức được doanh nghiệp.

Đặc biệt, vai trò cầm trịch của các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng, không thể “thả” các bên liên quan làm tự phát.

Vẫn theo quan điểm của GS.TS Võ Tòng Xuân, Bộ NN&PTN sẽ đảm đương vấn đề về giống lúa, kỹ thuật, Bộ Công Thương phải tập huấn cho doanh nghiệp để họ biết kỹ năng quản lý cũng như cách tiếp cận thương trường nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Về phía doanh nghiệp, tự thân họ cũng phải chủ động trong việc quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động tham gia triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng…

Ngoài ra, những doanh nghiệp được chọn lựa để tham gia chương trình này phải được tạo điều kiện về mặt tài chính

. Họ phải được vay ưu đãi để tổ chức sản xuất, đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại để sản xuất sản phẩm đúng quy trình và tiêu chuẩn.

“Nếu chúng ta làm theo cách này thì tôi tin là chỉ trong vòng ba năm, chúng ta có thể định hình được thương hiệu gạo Việt Nam”, GS.TS Võ Tòng Xuân bày tỏ.


Đường Hoàng Anh Gia Lai làm tại Lào có thể hưởng thuế 0% khi về nước Đường Hoàng Anh Gia Lai làm tại Lào…  Đường đi cho hạt gạo Đường đi cho hạt gạo