Gặp kỹ sư chân đất giành giải Nhân tài Đất Việt
Chỉ mới học đến lớp 5 nhưng nông dân Vũ Văn Dung (Ninh Bình) có hàng loạt sáng chế hữu ích. Ban đầu, ông chỉ nghĩ làm ra các sản phẩm để giúp người nông dân. “Kỹ sư chân đất” cũng không ngờ sản phẩm của ông đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt danh giá.
Những chiếc máy có "1 không 2" ông Dung sáng chế từ động cơ xe máy cũ.
“Kỹ sư chân đất” không ngừng sáng tạo
Trở về cuộc sống đời thường sau khi được vinh danh nhận giải thưởng Khuyến tài trong lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2017, ông Vũ Văn Dung (xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình) lại tất bật với công việc của mình.
Gặp chúng tôi, ông khoe: “Mình vừa được mời vào trong Thanh Hóa thăm cánh đồng mía bạt ngàn của bà con nông dân nơi đây, thăm nhà máy đường Lam Sơn… Được mọi người tin tưởng, tôi đã ký hợp đồng nhận sáng chế cho bà con chiếc máy đa năng để phục vụ sản xuất, giúp việc trồng mía, rứa gai bớt vất vả”.
Vừa pha trà mời khách, ông Dung kể tiếp: “Trong lễ trao giải Nhân tài Đất Việt vừa qua, thấy tôi trên tivi, lên nhận giải với chiếc máy cày đa năng, sau đó mấy hôm bà con nông dân ở Thanh Hóa ra nhà chơi, tham quan xưởng sản xuất, xem mô hình chiếc máy cày cũng như nhiều loại máy khác tôi sáng chế. Mọi người ưng lắm, sau đó mời tôi vào Thanh Hóa chơi, thăm việc đồng áng”.
Ông Dung sinh ra trong gia đình thuần nông, ngày nhỏ mới chỉ học đến lớp 5. Lớn lên, thời trai trẻ ông cũng bôn ba nhiều nơi, học và làm nhiều nghề mưu sinh. Nhưng không có nghề nào mà ông ưng như nghề sửa xe máy để rồi nó vận vào thân đến tận ngày hôm nay.
Khi được hỏi về duyên nợ của với những “công trình sáng chế” mà ông đạt giải cao, lão nông gần 60 tuổi phân bua: “Có gì mà công trình sáng chế, mấy cái máy tôi làm chủ yếu phục vụ bà con nông dân. Nông dân cần gì tôi làm nấy, bà con dùng hữu ích, thích thú, bớt cực nhọc là tôi vui rồi”.
Ông Dung bên chiếc máy cày đa năng do mình sáng chế ra đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Vốn làm nghề sửa chữa xe máy, cơ khí, tính cẩn thận, lại đam mê nghề nên chiếc xe nào qua tay ông Dung “chữa bệnh” mọi người đi rất yên tâm, lại được bảo hành đến nơi đến chốn. Cái hay của người thợ này, nhiều loại xe không có đồ để thay thế, nhưng ông lại mày mò chế ra đồ chẳng khác là mấy so với những kết cấu của nhà sản xuất.
Trong lần thấy vợ cũng như bà con nông dân vất vả kéo lúa từ dưới ruộng lên bờ, ông Dung nảy ý định làm ra chiếc máy kéo lúa bằng chính động cơ xe máy cũ. Chiếc máy làm xong ông đưa ra thử nghiệm cứ kéo vù vù nhiều tạ lúa khiến nhiều người thán phục.
Từ lần làm ra chiếc máy kéo lúa, ông Dung tiếp tục mày mò sáng chế ra nhiều loại máy khác từ động cơ xe máy cũ như: Máy phát điện, máy bơm nước, máy tời… sau này là chiếc máy cày đa chức năng. Lúc đầu khi làm chiếc máy cày đa chức năng, ai cũng nghĩ ông Dung không thể làm được, có ra sản phẩm cũng không dùng được.
Ấy vậy mà, ông cứ làm ra chiếc máy nào, chưa xong tay đã có người đến đặt mua bởi, máy ông làm ra có nhiều chức năng trên một chiếc máy như: cày, bừa, phay, tời, bơm nước. Máy dùng ít nhiên liệu, giá thành rẻ, tính ưu Việt cao nên được ưa chuộng. Đến nay, ông bán cả chục chiếc máy này cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.
Nhiều năm qua, bà con nông dân cần gì ông Dung mày mò sáng chế phục vụ để sản xuất nông nghiệp bớt cực nhọc.
Nhờ có những công trình sáng chế trên mà bà con nông dân địa phương đặt cho ông Dung cái tên gọi là “kỹ sư chân đất”. Bởi ông chẳng được học hành đến nơi đến chốn, không được đào tạo qua trường lớp nhưng lại làm ra những chiếc máy xứng tầm với kỹ sư cũng như các nhà khoa học.
Nông dân cần gì… làm nấy
Chiếc máy cày đa chức năng của ông Dung không chỉ được nhiều người thán phục, mà mới đây ông đã đạt giải thưởng Khuyến tài – Nhân tài Đất Việt Nam 2017.
Ông chia sẻ: “Tôi có nghĩ làm ra máy để dự giải này, giải nọ đâu. Chỉ nghĩ làm sao làm ra chiếc máy thành công để bà con nông dân dùng bớt khổ. Được nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt tôi rất bất ngờ, thật vui mừng khi chiếc máy của mình được các nhà khoa học đánh giá cao. Đây là sự khích lệ, động viên lớn, làm cho tôi có nhiều động lực hơn nữa để cố gắng sáng chế ra nhiều chiếc máy hữu ích hơn nữa phục vụ bà con nông dân”.
"Kỹ sư chân đất" Vũ Văn Dung (thứ 3 từ phải qua) vinh dự được nhận giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt năm 2017.
Trở về câu chuyện “đơn đặt hàng” mà ông Dung mới nhận với bà con nông dân Thanh Hóa, ông bảo: “Tôi đi nhiều nơi, nhiều địa hình nhưng thấy bà con trồng mía ở Thanh Hóa đúng là làm nông còn khổ thật, tất cả các công đoạn đều thủ công hết. Nhiều loại máy đưa về nhưng không hợp địa hình nên việc trồng chăm sóc rất khó khăn, bà con bán được cây mía cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.
Từ chuyến đi thực tế, thấu hiểu được mong muốn của người dân trồng mía nguyên liệu ở Thanh Hóa, ông Dung đã quyết tâm và hứa với người dân nơi đây sẽ làm ra chiếc máy đa chức năng, không chỉ cày luống, phay đất mà sẽ đào được rãnh, bón phân, phay gốc rứa…
“Tôi đã hứa với bà con ở Thanh Hóa và hạ quyết tâm sẽ làm bằng được chiếc máy theo đơn đặt hàng. Hiện tôi đã lên được ý tưởng và đang thực hành công đoạn vẽ thiết kế cho chiếc máy này. Ban đầu nghĩ nó sẽ khó với mình, nhưng giờ thì mọi chuyện đều thông suốt rồi. Không xong máy tôi không trở lại Thanh Hóa”, ông Dung khoe.
Ông Dung mày mò suy nghĩ để làm ra chiếc máy đa chức năng cho nông dân Thanh Hóa dựa trên chiếc máy cày đa năng vốn có do ông từng chế tạo thành công.
Không chỉ với nông dân trồng mía ở Thanh Hóa mà nông dân chính quê hương ông Dung nhiều người hiện đang dùng nhiều sản phẩm do ông sáng chế ra. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất phải kể đến một nông dân trồng cam ở Hòa Bình. Nghe tin ông Dung, anh nông dân này đã bắt xe đến tận nhà và đặt chiếc máy bơm nước mà anh đã đi nhiều nơi tìm mua không có, cũng không ai làm được theo ý kiến của anh.
“Anh này đến nhà tôi rồi tâm sự, gia đình trồng nhiều diện tích cam, mỗi lần tưới nước cho cam rất vất vả vì bơm nước từ dưới suối lên đồi rất khó khăn, nước yếu nên rất tốn thời gian, mất công sức, địa hình phức tạp. Nghe anh kể và đặt hàng chiếc bơm nước áp lực cao, chuyển được nhiều địa hình… tôi nhận lời làm ngay. Anh này ở lại gia đình tôi hai ngày, sau đó nhận chiếc bơm ra về”, ông Dung nhớ lại.
Nhấp chén trà nóng, lão nông kể tiếp: “Một tuần sau, anh này lái ô tô quay trở lại nhà tôi. Ban đầu thấy anh đến tôi lo lo vì sợ chiếc bơm mình làm ra có vấn đề gì không tốt. Ai ngờ, vừa xuống xe anh ấy mặt tươi cười, hớn hở chạy đến ríu rít cảm ơn vì chiếc bơm tôi làm cho quá tuyệt vời, thỏa mãn ước nguyện mong chờ bấy lâu nay. Anh này mời tôi lên quê xem chiếc bơm hoạt động, tôi cũng khá bất ngờ với sản phẩm mình làm ra, thành công ngoài mong đợi”.
Động cơ xe máy cũ ông Dung mua về tận dụng để sáng chế ra các loại máy hữu ích giúp bà con nông dân.
Tâm sự về quãng thời gian tới, “kỹ sư chân đất” Vũ Văn Dung nói: “Trước mắt tôi sẽ cố gắng hoàn thiện chiếc máy cho bà con nông dân Thanh Hóa. Tôi sẽ gác hết mọi việc để làm bằng được chiếc máy này. Những năm tới sẽ cố gắng nghĩ và sáng chế ra một số công trình nữa để phục vụ bà con nông dân trước khi đến tuổi “nghỉ hưu”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ