Gặp lão nông xuất ngoại dạy cách trồng bưởi không hạt
Là nông dân thứ thiệt, ông Lê Văn Hoa (ngụ Sơn Định, Chợ Lách, Bến Tre) miệt mày sáng tạo ra cách trồng bưởi da xanh không hạt đạt hiệu quả cao. Nhờ kinh nghiệm này ông được mời sang Indonesia nói chuyện với nông dân, chuyên gia về cách trồng bưởi không hạt.
Ông Hai Hoa bên vườn bưởi da xanh sai quả của mình
Học hết lớp 6 làm “chuyên gia” trồng bưởi
Ông Lê Văn Hoa (Hai Hoa, SN 1947) cũng như bao nông dân khác ở vùng đất trù phú Chợ Lách chọn kế sinh nhai là làm vườn. Cuộc đời ông cũng “ba chìm, bảy nổi” hết cây này đến cây khác nhưng vẫn không khá.
Năm 1998, ông sang tận xã Mỹ Thành An (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) tham quan mô hình trồng cây bưởi da xanh ruột hồng hiệu quả kinh tế cao và là đặc sản mới xuất hiện ở địa phương. Ông quyết định mua giống về để cải tạo 0,5 ha vườn sầu riêng sang bưởi da xanh và cây bưởi gắn với chặt với ông từ đó đến nay.
Vừa trồng bưởi vừa nghiên cứu, ông tìm cách cho cây bưởi ra hoa theo ý muốn để rải vụ, bán được giá cao rồi đến làm lồng bao hoa để quả không bị hạt…
Ông Hai Hoa kể lại: “Tôi được may mắn đi tham quan vườn bưởi từ Nam tới Bắc thấy nhiều giống bưởi đặc sản sau 5 năm cho trái là bắt đầu phát bệnh, chậm phát triển. Khi nghiên cứu mới biết lâu nay nông dân vẫn trồng theo kiểu truyền thống là đào hố rồi đổ phân hữu cơ vào nên sau mấy năm ăn sâu xuống đất gây thối rễ. Đến khi ra hoa, tôi tình cờ thấy con ong đậu lên hoa hút mật nên nghĩ rằng con ong sẽ bị thụ phấn chéo cam, chanh có hạt sẽ tạo ra trái bưởi có hạt, ăn không ngon”.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông khắc phục hạn chế việc thụ phấn chéo bằng cách làm lồng, có lưới bao quanh hoa để ong, bướm không bám vào được. Vừa làm, vừa thí nghiệm sau mấy năm quả bưởi da xanh không hạt, chất lượng cao nên bán được giá.
Bưởi da xanh trong vườn luôn được bao bọc để tránh bị côn trùng xâm hại
Từ khi có kỹ thuật mới, căn nhà của ông Hai Hoa không lúc nào vắng người vì nông dân ở khắp nơi tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Ông tận tình chỉ dẫn từ cách lên mô, tuốt bỏ lá để ra hoa theo ý muốn và sử dụng lồng, lưới để bao hoa, quả bưởi…
Nhiều người kêu ông đi đăng ký độc quyền sáng chế nhưng ông nhất quyết từ chối và coi việc phổ biến kỹ thuật của mình cho càng nhiều nông dân càng tốt. Ông suy nghĩ đơn giản như một nông dân thứ thiệt: “Khi chết đi tài sản, tiền bạc cũng không đem theo được. Tui có cách gì hay thì hướng dẫn cũng như học hỏi lại những cái hay, cái mới của nông dân khác chứ giữ lại làm của riêng cũng chẳng ích lợi gì”.
Mỗi năm gia đình ông Hai Hoa thu nhập hơn 400 triệu đồng từ 5 công trồng bưởi da xanh
Từ năm 2007, ông được các nhà vườn lớn ở các tỉnh miền Đông Nam bộ mời đến hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng sản xuất hàng hóa. Ở các tỉnh Miền Tây ông đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm rồi chia sẻ với những nông dân trông bưởi, quýt, cam…để sau cho hiệu quả nhất. Từ đó, ông trở thành “chuyên gia” hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác bưởi da xanh lúc nào không hay dù chỉ mới học hết lớp 6.
Xuất ngoại nói chuyện trồng bưởi không hạt
Đến thăm nhà, ông Hai Hoa đang tất bật ngoài vườn thu hoạch bưởi da xanh bán cho thương lái. Cả vườn bưởi 0,5 ha quả sum xuê, những quả nhỏ được bọc quanh lớp lưới để không bị côn trùng châm.
Nói chuyện lần xuất ngoại, ông vui vẻ cho biết: “Đầu năm 2014, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp diễn ra tại Indonesia, tôi được mời tham gia buổi nói chuyện với nông dân, chuyên gia đất nước họ. Chủ đề hôm đó tôi thuyết trình là: “Con đường thành công để xây dựng thương hiệu trái cây mang tầm quốc gia”. Tôi nói cả buổi về kỹ thuật trồng bưởi da xanh sao cho năng suất cao, chất lượng tốt nhất... mà mình đã đúc kết sau nhiều năm trồng bưởi”.
Theo ông Hai Hoa, do mình là nông dân thứ thiệt chỉ mới học hết lớp 6, hoàn toàn “mù tịt” về tiến Anh nên trước khi sang bên đó phải “xin” một cán bộ của Viện cây ăn quả Miền nam theo để làm phiên dịch.
Nhờ kỹ thuật mới, vườn bưởi da xanh của ông Hai Hoa đạt năng suất, chất lượng cao
Sau cuộc hội thảo, ông được mời trao đổi với các chuyên gia, giản viên của một trường đại học bên đó thêm 1 buổi nữa cũng về đề tài trồng bưởi.
Ông Hai Hoa kể lại: “Lúc đó chương trình mình lưu lại nước bạn 3 ngày sau khi nói chuyện sẽ tham quan các nơi. Tuy nhiên sau đó họ nhiệt tình mời sang trường đại học nói chuyện mình tham gia luôn. Trước khi đi tưởng đâu nói chuyện với sinh viên ngành nông nghiệp nào ngờ toàn là cán bộ, giảng viên của trường đại học nên rất bất ngờ”.
Lão nông Hai Hoa hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi cho một nông dân đến từ Vĩnh Long
Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời, lão nông Hai Hoa nổi tiếng khắp cả nước khi liên tục được mời dự hội thảo, nói chuyện về trồng bưởi. Hiện tại tháng nào ông cũng có mấy chuyến “chạy xô” khắp trong Nam, ngoài Bắc để trực tiếp hướng dẫn nông dân trồng bưởi.
Cuộc nói chuyện với ông thường xuyên bị giáng đoạn bởi những cuộc điện thoại liên tục nhờ tư vấn về cách trồng, chăm sóc bưởi da xanh. Vừa thảnh thơi được một chút lại có nông dân từ tỉnh Vĩnh Long chạy xe gắn máy sang tận nhà để tham quan mô hình, hỏi cách trồng bưởi của “chuyên gia” Hai Hoa. Ông tận tình hướng dẫn từng người rồi đem ra mấy trang giấy A4 ông viết về kỹ thuật trồng bưởi da xanh từ lúc làm đất cho đến chăm sóc, thu hoạch.
Lão nông Hai Hoa tâm sự: “Tôi học hành không được bao nhiêu nên nghĩ gì viết nấy, diễn giải thật nhiều làm sao cho nông dân ai đọc cũng hiểu hết. Những kinh nghiệm của tôi dày công nghiên cứu, đúc kết chỉ mong cho càng nhiều nông dân biết, hiểu được để cùng làm giàu là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ