Mô hình kinh tế Ghép chồi - phương pháp cứu cánh cho vườn điều

Ghép chồi - phương pháp cứu cánh cho vườn điều

Ngày đăng 02/05/2015

Ghép chồi - phương pháp cứu cánh cho vườn điều

Hội thảo đã tổng kết thực tiễn và nêu ra những đánh giá khách quan về phương pháp ghép chồi. Các chuyên gia ngành điều nhận định, đây là một trong những phương pháp “cứu cánh” cho vườn điều, góp phần phát triển ngành điều Việt Nam bền vững.

Dự hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Phạm Văn Tòng, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam Nguyễn Đức Thanh và đại diện lãnh đạo các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu... Lợi nhuận kinh tế tăng cao từ điều ghép

Thành phần đoàn khảo sát, đánh giá mô hình phương pháp ghép chồi cho cây điều của 3 hộ Hoàng Trọng Thủy, Hoàng Văn Tần, Hoàng Văn Thanh ở xã Long Hà, là nhóm chuyên gia của Hiệp hội điều Việt Nam. Nhóm chuyên gia đã sử dụng các phương pháp điều tra nông thôn và phương pháp tiếp cận đa chiều (khảo sát trực tiếp vườn điều, theo dõi, phân tích quá trình ghép và sinh trưởng của chồi...).

Nhóm đã khảo sát 1.007 cây điều được ghép chồi từ năm 2001 đến 2013, trong đó 192 cây ghép từ năm 2001 với 960 chồi ghép, 115 cây bắt đầu ghép từ năm 2007 với 575 chồi ghép, 700 cây ghép từ năm 2013 với 3.500 chồi ghép.

Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn, chuyên gia Hiệp hội điều Việt Nam cho biết: Kết quả khảo sát mô hình tại 3 hộ nêu trên chỉ có 1 cành (chồi) ghép bị chết trên tổng số 5.035 chồi do vỏ của cành điều được chọn làm gốc ghép bị bong tróc đã tách (chồi) ghép không còn bám được vào cành dẫn đến khô lá và chết.

Qua khảo sát cành điều đã ghép từ năm 2001 đến tháng 4-2015 cho thấy, cây sinh trưởng phát triển tốt, lớp vỏ vết ghép đã hoàn toàn phủ kín giữ chồi và cành ghép. Chồi ghép đã có đường kính từ 10-15cm, khỏe mạnh, thay thế hoàn toàn cành của cây điều cũ. Tháng 4-2015, số cành điều này đã cho nhiều hoa và trái, hạt to hơn hẳn so với cành điều cũ còn tồn tại trên cây điều gốc ghép. Ước bình quân chi phí (công ghép, vật liệu, vật tư nông nghiệp, công chăm sóc) một cây điều ghép là 45.500 đồng, trong đó chồi lấy từ cây được chọn tại vườn của chủ hộ.

Kết quả cho thấy, trước khi cải tạo, vườn điều cho năng suất bình quân dưới 1 tấn/ha, lợi nhuận dưới 13 triệu đồng; sau khi ghép chồi, vườn điều cho năng suất bình quân hơn 3 tấn/ha, lợi nhuận trên 60 triệu đồng.

Như vậy, hiệu quả kinh tế của vườn điều ghép cao gấp 4,6 lần so với vườn điều thường. Bên cạnh đó, phương pháp ghép chồi cho cây điều còn mang lại nhiều lợi ích, như: Nếu tái canh cần đến 3 năm, cây điều mới cho sản phẩm, trong khi thời gian diễn ra ghép cải tạo vườn điều, cây vẫn cho thu hoạch từ cành điều cũ; cành (chồi) ghép chỉ cần thời gian sau 18 tháng đã ra hoa, kết trái (bằng ½ so với trồng tái canh).

Những khuyến cáo cho phương pháp ghép chồi

Từ kết quả khảo sát, nhóm chuyên gia Hiệp hội điều Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo cho phương pháp ghép chồi trên cây điều, như: Nên áp dụng đối với các địa phương thuộc vùng trọng điểm trồng điều (Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng) và áp dụng kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng hạt điều. Vườn điều phải thuộc vùng quy hoạch phát triển điều hoặc nằm trong đối tượng quy hoạch sử dụng đất trồng cây lâu năm.

Đất có độ dốc dưới 150, tầng đất dày tối thiểu 30-50cm, vườn điều đã trồng từ 10 năm trở lên, giống thực sinh. Thời vụ ghép tốt nhất vào mùa khô, thời gian ghép từ 6 đến 10 giờ sáng, không ghép khi trời nắng to. Chồi ghép tốt nhất lấy từ cây điều đầu dòng được tuyển chọn kỹ, được cơ quan chức năng công nhận; hoặc có thể vận dụng linh hoạt bằng cách chọn cây điều lấy chồi ghép có đặc điểm vượt trội trong vườn điều của nông dân. Mô hình phương pháp ghép chồi cho cây điều do 3 hộ Hoàng Trọng Thủy, Hoàng Văn Thanh, Hoàng Văn Tần sáng tạo từ thực tiễn, được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) ban hành Quyết định số 8717/QĐ-SHTT, ngày 6-2-2015 chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký sáng chế.

Theo khuyến cáo của tổ chức hệ thống canh tác châu Á và tổ chức FAO, nên nhân rộng mô hình bằng phương pháp tiếp cận mới “Nông dân dạy nông dân” với sự hỗ trợ của hệ thống chính trị về chủ trương, tổ chức thực hiện và các chính sách hỗ trợ thiết thực, đồng hành là Hiệp hội điều Việt Nam, hội điều địa phương với tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Như Hiến, đại diện Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nói: Có nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng điều, trong đó ghép chồi là một trong những biện pháp chủ yếu hiện nay, vì vậy sắp tới sẽ được phổ biến rộng rãi. Với kết quả khảo sát hơn 5.000 cành (chồi) ghép nhưng chỉ có một cành (chồi) ghép bị chết, cho thấy tỷ lệ sống của cành ghép rất cao. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia nên bổ sung năm nào, cây điều ghép sẽ cho năng suất ổn định; năng suất cao hơn nhưng phải đánh giá hạt điều có đều hay không. Cục trồng trọt rất ủng hộ phương pháp ghép chồi, bởi đây là giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch hiệp hội điều Việt Nam cho biết: Bình Phước mở rộng 30 mô hình điều ghép, trong đó có 3 hộ nông dân đã ghép thành công trên cây điều. Đây là mô hình đột phá về cải tạo vườn điều của nông dân. Muốn ghép thành công thì phải tuyển chọn giống tốt, thay đổi cách tư duy, cách làm của nông dân và áp dụng kỹ thuật đúng quy trình.

Cũng theo ông Thanh, qua hội thảo, Hiệp hội điều tiếp thu các ý kiến, rút kinh nghiệm để tổ chức hoạt động khuyến nông trên cây điều giai đoạn 2 đạt hiệu quả cao nhất.

Được biết, dự án nhân rộng mô hình ghép cải tạo vườn điều năng suất, chất lượng thấp thành vườn điều năng suất, chất lượng cao thực hiện trên địa bàn 5 tỉnh trồng điều (Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng), với quy mô 80 ha, thực hiện từ 1-5-2015 đến 30-4-2016.


Cân nhắc nhân rộng mô hình trồng chùm ngây Cân nhắc nhân rộng mô hình trồng chùm… Nông dân Trần Văn Tánh làm giàu nhờ tái cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa Nông dân Trần Văn Tánh làm giàu nhờ…