Thống kê nông sản Giá cà phê tuần 21 (24/5 – 29/5): Tiếp tục tăng mạnh vượt mốc 34.000 đồng/kg

Giá cà phê tuần 21 (24/5 – 29/5): Tiếp tục tăng mạnh vượt mốc 34.000 đồng/kg

Tác giả Phạm Hòa, ngày đăng 31/05/2021

Giá cà phê tuần 21 (24/5 – 29/5): Tiếp tục tăng mạnh vượt mốc 34.000 đồng/kg

Giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên kết thúc tuần 21 (24/5 – 29/5) chốt tại 33.600 – 34.500 đồng/kg, tăng tới 1.800 đồng so với mức giá của tuần 20. Giá tăng tuần thứ hai liên tiếp với mức tăng cực mạnh, đưa giá cà phê nội địa vượt mốc 34.000 đồng/kg.

Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, với 5% hạt đen & vỡ) được chào giá cộng 55 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần. Hoạt động giao dịch cũng chậm vì nguồn cung khan hiếm, mặc dù thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 20201/22 sẽ đạt 30,8 triệu bao do điều kiện thời tiết tốt và hệ thống tưới tiêu được cải thiện đã thúc đẩy năng suất.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 được dự đoán giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước, xuống 720.000 tấn, tương đương 12 triệu bao (loại 60kg), theo Tổng cục Thống kê (GSO).

Doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong giai đoạn này có thể sẽ giảm 5% xuống 1,3 tỷ USD. Trong đó, riêng tháng 5/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 135.000 tấn, thu về 248 triệu USD.

Tại Châu Á, hoạt động giao dịch cà phê ở Indonesia khá trầm lắng. Giá cà phê robusta Sumtran của Indonesia không thay đổi do nhu cầu giảm. Mức cộng giá cà phê Indonesia kỳ hạn giao tháng 7 và 8 hiện vào khoảng 110 – 120 USD/tấn.

Giá cả ổn định vì các hoạt động giao dịch chưa tăng lên sau kỳ nghỉ lễ Eid. Các thương nhân cho biết, tuần qua nước này đã nhập khẩu 2.900 tấn cà phê.

Trong tuần, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2021 có thời điểm tăng lên mức cao nhất 4,5 năm (163,15 Uscent/lb) do lo ngại về nguồn cung hạn hẹp khi người trồng cà phê ở Brazil vỡ nợ vì không đủ hàng trả cho các hợp đồng đã bán và do việc xuất khẩu ở Colombia bị chậm trễ.

Hoạt động kinh doanh cà phê ở Colombia vẫn gặp khó do những cuộc biểu tình chống Chính phủ gây ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa.

Thu hoạch cà phê ở Brazil đã chậm lại so với tốc độ của những năm trước, theo công ty tư vấn Safras & Mercado. Tính đến thời điểm 25/5/2021, những người trồng cà phê ở Brazil đã thu hoạch 17% sản lượng, thấp hơn so với mức 19% trong cùng thời điểm năm 2020, và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 20%.

Nhà phân tích Gil Barabach của Safras cho biết, nhiều nông dân đã quyết định hoãn thu hoạch cà phê do hầu hết cà phê không đủ chín để thu hoạch. Điều này có thể liên quan đến thời tiết thất thường mà Brazil đã trải qua. Lượng mưa đã ít hơn bình thường trong giai đoạn phát triển cây cà phê của Brazil kể từ vụ thu hoạch năm ngoái.

Safras ước tính, năm 2021, sản lượng cà phê của Brazil đạt 56,5 triệu bao (loại 60kg). Tính đến nay, Brazil đã thu hoạch được 9,3 triệu bao cà phê vụ mới.

Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, người trồng cà phê Brazil đang cố gắng đàm phán lại các hợp đồng mua bán mà họ đã thỏa thuận từ trước đối với các nhà xuất khẩu và các thương lái với mức giá cao hơn, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ ngành này rơi vào tình trạng vỡ nợ.

So với 6 tháng đầu niên vụ 2019/20, xuất khẩu cà phê từ Mexico và Trung Mỹ giảm 12,2% xuống còn 6,06 triệu bao do các nước trong khu vực vẫn chưa phục hồi sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão Lota và Eta. Đáng chú ý, các chuyến hàng từ Honduras, nhà sản xuất lớn nhất khu vực giảm 20,9% xuống 2,19 triệu bao; trong khi từ Nicaragua giảm 12,7% xuống 1,05 triệu bao. Xuất khẩu của Guatemala giảm 15,9% xuống 1,05 triệu bao. Tổng xuất khẩu của Costa Rica và El Salvador cũng giảm lần lượt 7,2% và 28,2%.


Giá tiêu hôm nay 31/5 chững lại sau nhiều phiên tăng liên tiếp Giá tiêu hôm nay 31/5 chững lại sau… Giá ngũ cốc thế giới hôm nay 29/05/2021: Ngô giảm giá sau một tuần đầy biến động Giá ngũ cốc thế giới hôm nay 29/05/2021:…