Giá Cá Tra Xuống Không Lên, Vì Sao?
Trong quá khứ, giá cá tra nguyên liệu cũng nhiều lần lên đỉnh rồi lao dốc nhưng chu kỳ chỉ kéo dài vài ba tháng, tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, quy luật ấy đã hoàn toàn thay đổi khi giá nguyên liệu ngày một giảm sâu.
Giá cá tra giảm mạnh do nông dân mất quyền “mặc cả” trong các vụ mua bán. Trong ảnh là công nhân Công ty cổ phần Gò Đáng - Tiền Giang (GODACO) đang chế biến cá tra xuất khẩu - Ảnh: Trung Chánh
Nông dân mất quyền “mặc cả”
Lý giải của một số nhà chuyên môn và doanh nghiệp xuất khẩu cho biết có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, đó là do sự thay đổi cơ cấu sản xuất nguyên liệu từ trong nước và sự cạnh tranh phá giá giữa các doanh nghiệp khi xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cho biết: “Do người dân mất quyền đàm phán trong các hợp đồng mua - bán giữa họ với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra”.
Theo ông, chẳng hạn, trước đây nhu cầu nhập khẩu của các nước cần 1 triệu tấn cá nguyên liệu từ Việt Nam nhưng sản lượng tự doanh nghiệp nuôi chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu, 60% còn lại từ nông dân. Nghĩa là để đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu của các nước (cần 1 triệu tấn nguyên liệu), bắt buộc doanh nghiệp phải mua thêm cá của dân, lúc đó nông dân nắm quyền chủ động trong đàm phán mua - bán, giá cá có lợi cho dân.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, cơ cấu sản xuất nguyên liệu có sự thay đổi, lượng cá tự doanh nghiệp nuôi tăng lên (ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, cho biết sản lượng cá do doanh nghiệp tự nuôi hiện chiếm đến 70% tổng sản lượng cá sản xuất ra mỗi năm), trong khi đó, sản lượng cá nông dân nuôi ngày càng giảm (lỗ lã liên tục tiếp diễn), tức nông dân mất quyền đám phán trong các hợp đồng mua - bán, giá nguyên liệu sụt giảm, gây bất lợi cho họ.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng -Tiền Giang (GODACO) cho biết: “Tôi đồng tình với ý kiến của anh Kịch nhưng chưa đủ”.
Theo ông Đạo, một khi doanh nghiệp tự ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào rồi thì họ không cần mua thêm cá bên ngoài nữa (cá của dân nuôi). “Tuy nhiên, tôi nghĩ có thêm một nguyên nhân nữa là hiện nay có một số doanh nghiệp gặp khó khăn về lãi suất ngân hàng, cho nên, giá nào họ cũng muốn bán để quay vòng vốn hoặc hạ chất lượng sản phẩm xuống để bán giá thấp, giành thị trường, điều này cũng làm giá nguyên liệu không có chiều hướng tăng lên suốt thời gian qua”, ông Đạo cho biết.
Lối đi hẹp với người nuôi
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho người nông dân, có không ít nhà chuyên môn khuyến khích nông dân nuôi cá tra nên mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi các đối tượng khác hoặc chỉ nuôi khi có địa chỉ tiêu thụ sản phẩm trước.
Chủ tịch VN Pangasius, ông Nguyễn Việt Thắng, khuyến cáo nông dân chỉ nuôi cá tra khi có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nhà máy chế biến xuất khẩu. Theo ông Thắng, sắp tới VN Pangasius sẽ đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc cho nông dân nuôi cá tra được vay vốn ưu đãi đối với những trường hợp có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Trong khi đó, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, cho biết tỉnh đang khuyến khích nông dân bỏ cá tra chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác như: cá rô phi, cá lóc, cá tai tượng, cá điêu hồng… Lý do để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long đưa ra khuyến khích như trên do nuôi những loại thủy sản này ít tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn chủ yếu từ thiên nhiên, giá bán và tiêu thụ khá ổn định. Thực tế, chỉ trong quí 1-2013, toàn tỉnh đã có khoảng 28,5/323 héc ta diện tích ao nuôi cá tra được chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác.
Ông Đạo của GODACO, cho biết bây giờ phải “gom” lại, sắp xếp lại, hỗ trợ vốn… để hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra được bài bản hơn, như vậy mới mong vực dậy lại ngành công nghiệp nuôi và chế biến cá tra. Ông nói: “Trước giờ VASEP là “chủ xị” của doanh nghiệp trong việc sắp xếp lại hoạt động xuất khẩu cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ nhưng kết quả đạt được chưa như mong đợi”.
Thực tế, thời gian qua, có nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho ngành công nghiệp nuôi và chế biến cá tra như gói hỗ trợ 9.000 tỉ đồng hoặc cho doanh nghiệp vay ngoại tệ với lãi suất thấp thay vì tiền đồng cũng như các đề xuất ban hành giá sàn xuất khẩu… tuy nhiên, ngành cá tra vẫn cứ rơi vào khủng hoảng, số hộ nông dân phá sản ngày một gia tăng.
Có lẽ vì thế mà ông Trương Đình Hòe của VASEP cho biết: “Bây giờ tôi cũng không biết phải bình luận như thế nào nữa”. Trong khi đó, một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở ĐBSCL (yêu cầu không nêu tên) nói: “Hãy để tự thân nó (ngành cá tra) và thị trường quyết định thôi, càng “cứu” càng làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn. Riêng đối với nông dân nuôi cá tra, tôi thấy “mối lương duyên” của họ với con cá tra ngày một hẹp dần…”. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong vài năm gần đây, dù ngành chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng tốt.
Cụ thể, nếu như năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ, thì sang năm 2011 vượt lên trên 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,5% so với năm 2010. Bước sang năm 2012 - theo nhiều doanh nghiệp là năm đặc biệt khó khăn đối với cá tra Việt Nam - nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng đạt 1,74 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,4% so với năm 2011 nhưng tăng trên 20% so với năm 2010.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ