Mô hình kinh tế Giá đầu vào tăng nhiều áp lực cho người chăn nuôi

Giá đầu vào tăng nhiều áp lực cho người chăn nuôi

Ngày đăng 02/06/2015

Giá đầu vào tăng nhiều áp lực cho người chăn nuôi

Trong chăn nuôi, chi phí cho thức ăn chiếm tới 70% giá thành nên việc tăng giá thức ăn chăn nuôi do biến động của tỷ giá VNĐ/USD và giá xăng dầu tăng trong khi giá đầu ra giảm sẽ là một áp lực lớn cho người chăn nuôi. Trong ảnh: Cho đàn heo hơn 3.200 con ăn tại trang trại heo của ông Nguyễn Thanh Đính, Láng Lớn, Châu Đức.

Bà Nguyễn Thị Thuần, người đã có hơn 10 năm chăn nuôi heo thịt và heo sinh sản với số lượng lớn tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, tỷ giá đồng dolar Mỹ (USD) tăng thì gánh nặng chi phí lại đổ dồn lên vai người chăn nuôi. “Đợt điều chỉnh giá xăng dầu và tỷ giá USD tăng thêm 1% mới đây, người chăn nuôi cũng đã phải chịu nhiều áp lực vì chi phí”- bà Thuần nói.

Đây cũng là tình trạng chung của các hộ chăn nuôi bởi họ vừa phải chịu tác động bởi giá heo hơi giảm xuống trong khi chi phí đầu vào bắt đầu tăng. Theo bà Phạm Thị Ngọc Nhung, chủ trại heo thịt ở xã Xà Bang (huyện Châu Đức), trong chăn nuôi, chi phí cho thức ăn chiếm tới 70% giá thành.

Do vậy, nếu không tính toán, lựa chọn phương thức hợp lý, khi giá cả có sự biến động, người chăn nuôi thua lỗ là điều đương nhiên. Hiện nay những người chăn nuôi heo bắt đầu hụt hơi bởi giá heo thịt giảm, giá thức ăn và vật tư chăn nuôi đã bắt đầu “rục rịch” tăng, kéo theo giá đầu vào tăng cao so với trước đây. Cụ thể, một số loại thức ăn chăn nuôi như bắp - thành phần chính chế biến thức ăn cho heo đã tăng từ 5.600 đồng lên 5.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá heo hơi hiện còn 44.500 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với trước đây.

“Giá thức ăn tăng do tỷ giá USD và xăng dầu tăng, làm đội giá thành chăn nuôi, trong khi giá heo xuất chuồng thì giảm, thử hỏi người chăn nuôi làm sao không khỏi lo lắng. Đó là chưa kể giá con giống, thuốc thú y cũng phải nhập khẩu tăng lên nữa”- ông Đỗ Văn Tam, một hộ chăn nuôi ở xã Bình Ba (huyện Châu Đức) nói.

Những năm qua, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là vẫn phụ thuộc vào 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu, 100% về con giống, giá thức ăn và thuốc thú y cao. Theo đánh giá của ngành chăn nuôi, sở dĩ giá thành chăn nuôi gà, heo, bò ở Việt Nam thường cao hơn 10 - 15% so với khu vực, 20 - 25% với các nước có nền chăn nuôi phát triển như châu u, Mỹ, Đông u… là do nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn khâu hậu cần phục vụ cho ngành này. Cụ thể là phải nhập khẩu từ con giống, thuốc thú y, thuốc sát trùng, vắc xin cho đến nguyên liệu thức ăn, các chất vi lượng...

Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, thị trường thức ăn chăn nuôi những năm gần đây vốn đã cạnh tranh rất khốc liệt, thêm việc đồng USD tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Mỗi năm Việt Nam phải nhập đến 4,8 tỷ USD các loại nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, trong khi đó, DN phần lớn phải vay tiền đồng Việt Nam để đi nhập khẩu nguyên liệu, thanh toán bằng USD. Khi đồng USD tăng giá, DN sẽ phải tốn thêm một khoản chênh lệch không nhỏ để mua USD, thanh toán đơn hàng nhập khẩu.

Ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam:

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi

Hiện tại, Việt Nam cùng 11 quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trong giai đoạn nước rút đàm phán TTP (đối tác xuyên Thái Bình Dương). Khi tham gia vào sân chơi này, Việt Nam phải chấp nhận quy định mức thuế nhập khẩu thực phẩm chăn nuôi từ 5% về 0%. Và đây chính là mối lo ngại về sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, cùng với việc nới rộng tỷ giá VND/USD và sự biến động của giá xăng dầu, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Nếu không, ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt hại và nguy cơ bỏ chuồng với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài trường vốn và nhiều chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản là điều dễ xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Đính, chủ trại heo Thanh Đính, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức:

Người chăn nuôi giảm lợi nhuận do giá heo hơi giảm

Tại BR-VT thời điểm này, giá heo hơi đang giảm, người nuôi nhỏ lẻ lo hòa vốn đã khó, không nghĩ đến lãi cao như trước đây. Nếu thức ăn, thuốc thú y, xăng dầu (đều phải nhập khẩu) tăng thì những hộ chăn nuôi nhỏ có nguy cơ bỏ chuồng cao. Ở thời điểm này, giá heo hơi bán cho Công ty CP (công ty chế biến thực phẩm thu mua) đã giảm từ 47.500 đồng/kg ở tháng trước xuống còn 46.000 đồng/kg. Riêng giá heo hơi ở thị trường tự do (bán cho thương lái, các lò giết mỗ) hiện ở mức 44.000 - 44.500 đồng/kg. Thực tế, người chăn nuôi không có cách gì xoay xở trước sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào, trong khi họ phải chấp nhận giá bán ra do thị trường quyết định, mà giá này thì luôn trồi sụt và thường ở mức thấp.

Với đàn heo hơn 3.200 con (gồm cả heo giống), chúng tôi có đầu ra ổn định và chủ động thức ăn, thuốc thú y, con giống, phương tiện vận chuyển thức ăn nên đang có lãi, nhưng mức lãi cũng đã giảm đáng kể. Cụ thể, hiện trang trại đang có lãi chỉ khoảng 700.000 đồng/con heo khoảng 90kg.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bông, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức:

Nhiều gánh nặng cho người chăn nuôi

Chúng tôi có đàn heo thịt hơn 1.000 con và 300 heo nái và hàng chục nghìn gia cầm nuôi lấy thịt và trứng. Lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ hàng ngày rất lớn và phần lớn là phải mua thức ăn nhập khẩu từ nước ngoài. Chúng tôi hết sức lo ngại bởi khi tỷ giá VNĐ/USD được nới thêm 1% thì giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng lên. Chi phí chăn nuôi tăng trong khi giá đầu ra giảm sẽ là gánh nặng cho người chăn nuôi.


Vui buồn mùa lấy mật Vui buồn mùa lấy mật Nuôi gia súc ở vùng hạn Ninh Thuận Nuôi gia súc ở vùng hạn Ninh Thuận