Tin nông nghiệp Giá gạo xuất khẩu tăng do... ảo tưởng!

Giá gạo xuất khẩu tăng do... ảo tưởng!

Tác giả Thuận Hải, ngày đăng 29/04/2016

Giá gạo xuất khẩu tăng do... ảo tưởng!

Chào giá 350USD/tấn mà vẫn thua

Nhận định về việc giá gạo trong nước tăng cao 3 tháng đầu năm, ông Lâm Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) nhận định, nguyên nhân do tâm lý đón đầu, cho rằng sau hạn mặn, giá lúa gạo xuất khẩu sẽ còn tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đổ xô mua gạo, có cả những doanh nghiệp ngoài ngành cũng đầu tư mặt hàng gạo, chờ ngày giá tăng.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ sau tết 2016 đến nay, chưa có thương nhân nào ký mới được hợp đồng xuất khẩu gạo thông dụng 5% tấm với giá trên mức 370USD/tấn. Thậm chí, nhiều hợp đồng đón đầu vụ đông xuân 2016 ký hồi cuối năm 2015 cũng chỉ ở mức 340 – 345USD/tấn (gạo 5% tấm).

“Bài toán khó là hiện nay dù cuối vụ, giá có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp thì khó khăn trong việc ký mới hợp đồng xuất khẩu, gạo Việt đã giảm sức cạnh tranh đáng kể trên thị trường thế giới”.

Ông Lâm Anh Tuấn

Ông Tuấn cho rằng, thời điểm hiện tại, hợp đồng xuất khẩu gạo thông dụng giá tốt nhất của Việt Nam cũng chỉ được 369USD/tấn, ký với một đối tác lớn mua gạo Việt Nam rất thường xuyên. Tuy nhiên, sau hợp đồng đó, họ cũng dừng lại không ký thêm nữa. Trước đó, hợp đồng 1 triệu tấn với Indonesia ký hồi cuối năm 2015 cũng chỉ đạt  355USD/tấn.

Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo Việt Nam xuất khẩu giao dịch trên thị trường chỉ tăng mạnh từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 1.2016, với mức giao dịch 375USD/tấn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn khiến nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu thực hiện các hợp đồng tập trung thời điểm 3 tháng đầu năm tăng mạnh.

Tuy nhiên, giá gạo trong nước tăng cao đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng mới. Kết quả là giá gạo Việt Nam xuất khẩu sau đó đã giảm dần và dao động 355-360 USD/tấn, do nguồn cung dồi dào khi ĐBSCL chính thức thu hoạch vụ đông xuân. Hiện tại, giá gạo Việt Nam giao dịch tiếp tục có chiều hướng giảm do nhu cầu mới chưa rõ nét và nhìn chung phụ thuộc giá lúa gạo trong nước.

Giá tăng do “ảo tưởng”

Giải thích việc giá gạo trong nước tăng mạnh ba tháng đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng, đã có sự “ảo tưởng” về sự tăng trưởng của giá gạo, cho rằng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực toàn thế giới, là đòn bẩy khiến giá gạo tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào thu mua gạo.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay, việc ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung chủ yếu ở gạo thơm, gạo cao cấp và nếp. Ngược lại, việc xuất khẩu gạo thông dụng rất khó khăn do phải cạnh tranh về giá với nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Ông Lâm Anh Tuấn cho hay, công ty ông và nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa ký thêm được hợp đồng xuất khẩu gạo thông dụng nào với giá trên 370USD/tấn.

Ông Tuấn cũng thừa nhận rằng, sau một thời gian kỳ vọng tăng giá, nhiều nơi đổ xô thu mua gạo đẩy giá lên nhưng tới nay, mặc dù cuối vụ, nguồn cung hạn chế nhưng giá gạo nguyên liệu trong nước lại giảm. “Đây là điểm ngược với thực tế nhiều năm qua. Thông thường cuối vụ giá sẽ tăng nhưng năm nay, cuối vụ, bà con hết lúa bán nhưng giá thu mua vẫn đang trên đà giảm. Doanh nghiệp thì không ký thêm được hợp đồng giá cao” - ông Tuấn nói.

Đại diện một doanh nghiệp cung cấp gạo nguyên liệu cho xuất khẩu tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) cũng cho rằng, rất khó để Việt Nam đẩy giá gạo lên mức cao hơn 370USD/tấn. Vì trên thực tế, khách hàng truyền thống của gạo Việt hiện đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, các khách hàng chính như Indonesia, Philippines, Malaysia... đều chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm do đã ký hợp đồng mua số lượng lớn hồi trước tết. Ngoài ra, các đối tác như Malaysia, châu Phi… đều chê giá gạo Việt Nam cao nên đã chuyển sang các nguồn cung gạo giá rẻ của Pakistan và gạo cũ của Thái Lan.


Nuôi gà khép kín, mỗi lứa bỏ túi 20 triệu đồng Nuôi gà khép kín, mỗi lứa bỏ túi… Mở đường cho trái cây vào Australia Mở đường cho trái cây vào Australia