Gia Lai khan hiếm nguồn thức ăn gia súc
Chưa năm nào chị Đặng Thị Thu (thôn Tú Thủy 1, xã Tú An, thị xã An Khê) lại thấy thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Chị bảo: “Trước đây, vùng này cũng có hạn nhưng chỉ chết lúa, chứ chết sạch hết cây cỏ cho trâu bò ăn ngay từ dạo trước Tết thì đúng là chỉ có năm nay mới thấy”. Dù nhà có 2 sào cỏ voi nhưng cách đây vài tháng, chị đã chủ động trữ lượng rơm cắt từ 2 sào ruộng, rồi đi xin thêm rơm của người ta về đánh đống để cho 3 con bò lai ăn dần. Vậy mà bây giờ thức ăn cho đàn bò vẫn thiếu. “Cỏ voi trồng không lớn nổi vì hạn. Kéo máy bơm tưới đâu được dăm lần thì ao bàu cũng rút nước hết trơn. Bây giờ hơn 1 sào cỏ voi đã chết ráo trọi rồi. Không biết mấy bữa nữa lấy gì cho bò ăn?” - chị Thu than thở.
Ông Võ Thanh Tâm (thôn Tú Thủy 1, xã Tú An) cũng đang chật vật vì phải xoay xở nguồn thức ăn cho đàn bò 6 con. “Trước bò thả quanh đồng, mùa khan hiếm thức ăn thì phải lùa bò đi xa hay cho ăn rơm, ngọn mía là đủ. Nay đến rơm cũng hết, cỏ voi cũng chết đành phải đi mua bột mì, cám gạo về pha cho bò ăn cầm chừng” - ông Tâm chia sẻ. Thông thường, ngọn mía cũng là một trong những nguồn thức ăn phổ biến của trâu bò trong mùa hạn. Thế nhưng năm nay, thời tiết khô hạn khiến cho mía trên đồng chỉ còn một lượng ít phần ngọn tươi, nguồn thức ăn này cũng bị suy giảm nhiều. “Người ta tới vùng này tìm mua ngọn mía về cho trâu bò ăn với giá 500 đồng/kg nhưng có nhà nào bán đâu vì để cho đàn trâu bò nhà mình ăn còn không đủ” - ông Tâm nói.
Trước tình trạng khan hiếm nguồn thức ăn tự nhiên, người dân đã phải xoay xở bằng cách tìm các nguồn thức ăn khác cho đàn trâu bò. “Nhà tui phải mua bột mì với giá 7 ngàn đồng/kg và cám gạo về hòa với nước, cho thêm muối để đàn bò uống. Mỗi ngày 3 con bò nhà tôi ăn hết 7kg bột mì, 4kg cám gạo, chưa kể muối nữa. Giá cám gạo, bột mì cũng không rẻ nên tôi chỉ dám cho chúng uống cầm chừng vậy thôi, không dám cho ăn no. Đàn bò giờ gầy khô mà chi phí nuôi chúng tốn kém quá” - chị Thu cho biết thêm. Với hộ nhà ông Tâm, mỗi ngày riêng tiền ăn cho đàn bò 6 con cũng tiêu tốn không ít. “Nhà tôi còn có bê mới sinh nên chưa ăn được rơm hay ngọn mía, tôi phải đi mua cám tổng hợp về cho nó ăn. Tình cảnh này cứ tiếp tục thì chăn nuôi trâu bò lỗ nặng rồi vì chi phí cao quá”-ông Tâm lắc đầu ngán ngẩm.
Với những hộ chăn nuôi người dân tộc thiểu số thì việc kiếm nguồn thức ăn cho đàn trâu bò càng khó khăn hơn do bà con không có điều kiện để mua cám gạo hay bột mì về cho bò uống thay rơm cỏ. Trước tình trạng cỏ khô héo như hiện nay, bà Đinh Thị Khai (làng Krech, xã Đông, huyện Kbang) và con cháu trong nhà phải chật vật lắm mới xoay xở được nguồn thức ăn cho 6 con bò. “Phải chia ra, người lùa bò lên đồi cho bò kiếm ăn được chừng nào hay chừng ấy, người phải đi xin rơm, ngọn mía về cho nó ăn thêm. Bây giờ bán bò người ta trả rẻ lắm, tiếc không dám bán. Mà bán thì ít nữa lấy gì mà làm ăn? Cứ gắng nuôi, bò gầy, bò đói cũng đành chịu thôi vì năm nay trời hạn mà” - bà Khai nói.
Khô hạn đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và sinh hoạt của hàng ngàn người dân khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, trong đó có các hộ chăn nuôi trâu bò. Với đàn gia súc lên đến hàng chục ngàn con, người chăn nuôi ở các huyện phía Đông tỉnh đang rất cần có sự định hướng, giúp đỡ từ phía ngành chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn thức ăn chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ