Giá lợn hơi hôm nay 21/5/2021 tiếp tục xu hướng giảm
Giá lợn hơi hôm nay 21/5, tại miền Bắc giảm nhẹ, trong khi 2 miền Trung - Nam ổn định so với hôm qua. Hiện giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 64.000 - 69.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc tương đối ổn định, chỉ có duy nhất tỉnh Phú Thọ giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 66.000 đồng/kg; các địa phương như Tuyên Quang, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Ninh Bình giá ổn định ở mức 68.000 đồng/kg; tại tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang 66.000 - 67.000 đồng/kg; tại tỉnh Lào Cai giá thấp nhất toàn miền 64.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động 64.000 - 68.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên
Tại tỉnh Nghệ An giá lợn hơi hôm nay được thu mua với mức cao nhất toàn miền 69.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận 68.000 đồng/kg; tại Thanh Hóa, Bình Thuận 67.000 đồng/kg; tại tỉnh Bình Định 65.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động 65.000 - 69.000 đồng/kg.
Tại miền Nam
Tương tự tại miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi tại miền Nam cũng không thay đổi so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai, Long An giá lợn hơi ở mức 69.000 đồng/kg; tại tỉnh Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, An Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Vũng Tàu 68.000 đồng/kg; tại tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu 67.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn vẫn cao
Hiện nay, giá lợn hơi giảm sâu do lượng thịt lợn nhập vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều người chăn nuôi bán tháo đàn lợn trước diễn biến khó lường của dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình dịch Covid-19, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể nhà trường nghỉ khiến lượng tiêu thụ thịt lợn giảm nhiều. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh, siêu thị hiện nay, giá thịt lợn bán lẻ vẫn ở mức cao chứ không giảm như giá lợn hơi. Khảo sát tại chợ Nam Đồng (Đống Đa, HN) ngày 19/5, sườn non 180.000 đồng/kg, thịt ba rọi ở mức 155.000-160.000 đồng/kg, thịt đùi 110.000-120.000 đồng/kg…Tại chợ Văn Chương, giá sườn non 165.000 đồng/kg, ba rọi 130.000 đồng/kg, đùi 120.000 đồng/kg…Tại một số chợ khác, sườn non 170.000 đồng/kg, ba rọi 140.000 đồng/kg, đùi 100.000 đồng/kg…So với cách đây khoảng 1 tháng, giá thịt bán lẻ ngoài chợ đang cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 7 đợt liên tiếp do giá nguyên liệu tăng chóng mặt. Ngay cả Trung Quốc, do giá ngô tăng quá cao đã phải tăng mua sắn lát từ Việt Nam để thay đổi thành phần thức ăn cho lợn, gia cầm.
Được biết, từ cuối năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp đã có đến 7 lần tăng giá thức ăn chăn nuôi, hầu như tháng nào cũng có một đợt tăng giá, hồi đầu tháng 5, các doanh nghiệp lại tiếp tục có đợt điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, ngày 10/5, Công ty Vina Miền Bắc chính thức tăng giá đối với tất cả các sản phẩm của thương hiệu VINA, mức tăng giá thức ăn chăn nuôi cao nhất là 3.000 đồng/kg (đối với sản phẩm 100S loại đặc biệt). Các loại thức ăn chăn nuôi khác của Công ty Vina miền Bắc đều có mức tăng giá khoảng 300 đồng/kg.
Trong khi đó, Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN cho biết, họ buộc phải tăng giá bán đối với sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm, do nguyên liệu ngày càng tăng cao. Theo đó, giá các loại thức ăn đậm đặc cho lợn và gà của công ty này tăng 400 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho lợn con tăng 400 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho lợn nái và lợn thịt tăng 350 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN áp dụng kể từ ngày 7/5/2021.
Ngày 5/5/2021, Công ty TNHH Cargill Việt Nam thông báo đến khách hàng thủy sản miền Nam và miền Bắc việc tăng giá 250 - 500 đồng/kg đối với thức ăn cho cá tra; cá thát lát, ếch, cá chép…
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong bối cảnh giá lợn hơi, giá gia cầm đều giảm sẽ gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi các doanh nghiệp cũng phải đau đầu cân đối. Hiện, giá thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65 - 70% giá thành sản xuất nên việc giá liên tiếp phi mã tới 7 lần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi.
Theo nhận định của ngành chức năng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu cho cho chăn nuôi như bắp, bã đậu, đậu tương... tăng tới 15-40%. Theo Bloomberg, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và tăng đột biến từ đầu năm 2021, bình quân 30-35%. Đây chính là lý do khiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trên thế giới bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 đến nay.
Tại Việt Nam, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm nay tăng gần 6,7% so với cùng kỳ 2020, tác động tới giá thành mặt hàng này trong nước.
Không chỉ tại Việt Nam, người chăn nuôi Trung Quốc cũng đang gặp nhiều trở ngại do giá thức ăn chăn nuôi tăng, đến nỗi ngày 21/4, Trung Quốc phải ban hành hướng dẫn khuyến nghị (không bắt buộc) giảm ngô và bã đậu tương trong thức ăn cho lợn và gia cầm. Nguyên nhân là do giá ngô của Trung Quốc đã tăng hơn 30% trong năm gần đây, nhất là sau khi sản lượng và kho dự trữ nhà nước sụt giảm. Trung Quốc tiêu thụ khoảng 175 triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi mỗi năm, nước này cũng nhập khẩu gần 100 triệu tấn đậu tương để nghiền thành bã đậu cho động vật.
Tuy nhiên, do giá ngô tăng quá cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, Trung Quốc đã tăng tốc nhập khẩu sắn lát từ Việt Nam, Thái Lan để thay đổi thành phần phối trộn thức ăn chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ