Giá lợn hơi ngày 5/9/2020: Ba miền đi ngang sau nhiều ngày giảm liên tiếp
Giá lợn hơi ngày 5/9/2020 chững lại sau 4 ngày giảm liên tiếp. Hiện giá lợn hơi cả nước dao động trong khoảng từ 74.000 - 80.000 đồng/kg. Sức mua của dân giảm do ảnh hưởng của Covid-19 trong khi nguồn cung tăng khiến giá thịt lợn giảm mạnh.
Tại miền Bắc: Giá đi ngang so với hôm qua, dao động trong khoảng 74.000 - 77.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định giá lợn hơi đang ở mức cao nhất toàn miền 77.000 đồng/kg. Các địa phương như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang giá lợn hơi hôm nay dao động từ 75.000 - 76.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai giá lợn hơi hôm nay đang ở mức thấp nhất cả nước 74.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên: Tương tự miền Bắc, giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên cũng đi ngang so với hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng giá lợn hôm nay được thu mua với mức 80.000 đồng/kg. Tại tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận giá lợn hơi hôm nay ở mức thấp hơn từ 77.000 - 79.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Thanh hóa, Nghệ An giá lợn hôm nay được thu mua với mức 75.000 đồng/kg.
Tại miền Nam: Giá lợn hơi không thay đổi so với hôm qua, dao động trong khoảng từ 75.000 - 80.000 đồng/kg..
Cụ thể, tại tỉnh Bình Phước, Trà Vinh giá lợn hơi hôm nay ở mức cao 80.000 đồng/kg. Các địa phương như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Vũng Tàu giá lợn được thu mua với mức 78.000 - 79.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bạc Liêu giá lợn hôm nay đang ở mức thấp nhất toàn miền 75.000 đồng/kg.
Cuối tháng 8, giá lợn hơi trung bình cả nước dao động trong khoảng 78.000-83.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cuối tháng 7. Trong những ngày đầu tháng 9, giá mặt hàng này thậm chí xuống 74.000 đồng/kg tại một số tỉnh. Bộ Công Thương nhìn nhận việc giảm giá này do dịch Covid-19 tái bùng phát ảnh hưởng đến sức mua, trong khi nguồn cung tăng so với các tháng trước. Cùng với nguồn cung lợn từ nhập khẩu, các công ty chăn nuôi có thị phần lớn trong nước cũng tăng tái đàn.
Thực tế, chăn nuôi lợn đang dần khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng việc tái đàn còn chậm do giá lợn giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh. Việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn.
Theo Rabobank, nhập khẩu lợn sống và thịt lợn của Việt Nam trong năm 2020 dự báo tăng 60% so với năm 2019. Trong khi đó, sản lượng thịt lợn được điều chỉnh giảm 8-11%, xuống còn 2,15-2,2 triệu tấn. Với lượng lợn nái được giữ lại, lợn giống nhập khẩu và đàn lợn ông bà tăng, sản lượng lợn sống có thể sẽ phục hồi tốt hơn từ quý IV/2020.
Tính đến hết tháng 7, có 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Liên bang Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với lợn giống, có 27 doanh nghiệp đăng ký kiểm dịch nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng 292.590 con.
Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 3/9/2020, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết tổng đàn lợn cả nước tại thời điểm 31/7 đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Dự kiến đến cuối quý III, đầu quý IV/2020, cung cầu thịt lợn sẽ gặp nhau, giá lợn hơi sẽ đưa về mức hợp lý, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng, đồng thời vẫn giúp người chăn nuôi có lãi”, ông Trọng nói.
Trong khi đó, đại diện Cục Thú y cho biết từ ngày 1/1 đến 31/8, cả nước xảy ra 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi, bao gồm 531 ổ dịch từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. Tổng số lợn tiêu hủy là 43.150 con, tổng trọng lượng khoảng 2.157 tấn.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý thời gian tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là rất lớn do tổng đàn đang phát triển nhanh, thời tiết diễn biến phức tạp. “Các địa phương phải tăng cường công tác vệ sinh thú y, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học để ứng phó với dịch bệnh với phương châm phòng là chính, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả, bảo vệ thành quả ngành chăn nuôi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng chống dịch. Đồng thời vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để bảo đảm cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ