Thống kê chăn nuôi Giá lợn hơi tuần đến 19/7/2020 vẫn ở mức cao

Giá lợn hơi tuần đến 19/7/2020 vẫn ở mức cao

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 20/07/2020

Giá lợn hơi tuần đến 19/7/2020 vẫn ở mức cao

Giá lợn hơi trong tuần vẫn duy trì ở mức cao. Trước nhiều khó khăn dịch bệnh và rủi ro thị trường, bộ NN-PTNT sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể nhập khẩu lợn về giết mổ.

Tại miền Bắc giá trên 90.000 đồng/kg

Trong tuần này, giá lợn hơi miền Bắc nhỉnh hơn so với tuần trước 1.000 - 2000 đồng/kg. Thay vì ngấp nghé dưới ngưỡng 90.000 đồng/kg thì đến cuối tuần hầu hết các địa phương đều đã vượt mốc này; riêng Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình giá không đổi sau một tuần lợn hơi miền Bắc có nhiều điều chỉnh. Giá lợn hơi hôm nay tại miền bắc dao động trong khoảng 88.000 - 93.000 đồng/kg.

Trong tuần này, có thêm ổ dịch tả lợn châu Phi mới ở khu vực phía Nam, cụ thể là Bạc Liêu. Trong khi đó, dịch bệnh ở khu vực phía Bắc vẫn chưa được kiểm soát và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Việc này không chỉ đe dọa đàn lợn trong nước mà còn khiến người chăn nuôi thêm e dè với việc tái đàn. Con giống khan hàng, giá cao thì không thể yên tâm tái đàn. Bên cạnh đó, giá lợn hơi từ Thái Lan tăng vọt, cộng thêm chi phí kiểm dịch, chờ kết quả kiểm dịch, nuôi cách li trước khi giết mổ... đã đội lên khá cao khiến chính các nhà nhập khẩu lợn sống từ Thái không còn mặn mà nữa.

Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm, Bộ NN-PTNT cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được lợn sống về giết mổ ngay từ các nước lân cận để giảm ngay áp lực cho nguồn cung.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giảm

Trong tuần này, lợn hơi miền Trung Tây Nguyên mất đỉnh 93.000 đồng/kg, hiện tại Bình Thuận đang là địa phương có mức giá cao nhất khu vực 90.000 đồng/kg.

Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng không có thay đổi so với tuần trước; các địa phương còn lại điều chỉnh giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên được thương lái thu mua trong khoảng 81.000 - 90.000 đồng/kg.

Tại Miền Nam giá ổn định

So với tuần trước, lợn hơi miền Nam hầu như đứng yên, riêng mức giá thấp nhất khu vực được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/kg thành 85.000 đồng/kg. Một số địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, riêng Kiên Giang tăng 4.000 đồng và giao dịch tại mốc 90.000 đồng/kg ngang bằng với Trà Vinh.

Tổng đàn lợn đã khôi phục 79% so với thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi

Theo thông tin từ Vietnambiz, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tính đến tháng 6, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 24,9 triệu con, tương đương 79,5% so với tháng 12/2018 (thời điểm trước dịch). Trong đó, lượng lợn của 15 doanh nghiệp lớn đạt trên 4,1 triệu con, tăng so với 1/1/2019 là 66,3%, tăng so với 1/1/2020 là 30,1%. Bệnh dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.

Một số địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng chậm công bố hết dịch. Mặt khác, không ít địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương. Một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.

Do các tháng 5-9/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020.

Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn, như vậy dự kiến đến cuối quí 3, đầu quí 4/2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn.

Năm 2020 sản lượng thịt xuất chuồng quí 1/2020 đạt hơn 811 nghìn tấn; dự kiến quí 2/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn; quí 3/2020 đạt hơn 1 triệu tấn; quí 4/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quí năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi) là khoảng 920 nghìn tấn, như vậy đến cuối quí 3, đầu quí 4 sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn. Ngoài ra, để góp phần cung ứng đủ nguồn cung thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được lợn thịt về giết mổ ngay và nuôi thịt từ các nước lân cận để giảm ngay áp lực cho nguồn cung. Tuy nhiên, việc nhập thịt lợn cần đảm bảo lợi ích cho người sản xuất, người cung ứng và người tiêu dùng.

Ông Trọng cho biết thêm vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, đàn nái cụ kị, ông bà của 15 doanh nghiệp tăng 27,81%; đàn nái bố mẹ tăng 6,56%.

Khả năng sản xuất lợn nuôi thương phẩm của 15 doanh nghiệp khoảng 4 triệu con/quý, thay thế khoảng 2,5-3 triệu con/quý, đến Quý 3 các doanh nghiệp mới có con giống bán ra ngoài.

Năm 2015 và 2016 là 2 năm có số lượng lợn giống cụ kị và ông bà nhập khẩu 17,6 nghìn con, theo chu kỳ sản xuất đến năm 2019-2021 là cần thay thế hết số lượng đàn giống nhập khẩu này.

Đầu năm 2020 đã nhập khẩu 5.016 con lợn cụ kị và ông bà và đăng ký kế hoạch nhập khẩu tiếp 10 nghìn con lợn cụ kị và ông bà.

Với số lượng lợn giống nhập khẩu và số lượng tự sản xuất trong nước sẽ chủ động được số lượng giống thay thế theo chu kỳ sản xuất, như vậy sẽ đáp ứng được lợn giống cho sản xuất từ năm 2021-2024.


Thị trường nguyên liệu - Giá ngô giảm Thị trường nguyên liệu - Giá ngô giảm Thị trường nguyên liệu - Giá lúa mì tăng tuần thứ 3 liên tiếp Thị trường nguyên liệu - Giá lúa mì…