Thống kê nông sản Giá lúa gạo hôm nay 9/8: Gạo nguyên liệu tiếp tục tăng

Giá lúa gạo hôm nay 9/8: Gạo nguyên liệu tiếp tục tăng

Tác giả Thu Nga, ngày đăng 10/08/2021

Giá lúa gạo hôm nay 9/8: Gạo nguyên liệu tiếp tục tăng

Giá gạo nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay (9/8) tiếp tục tăng.

Giá gạo NL IR 504 tăng lên 7.200- 7.300 đồng/kg; gạo TP IR 504 7.900- 8.000 đồng/kg. Giá tấm 7.100 đồng/kg và cám vàng 7.400-7.500 đồng/kg.

Tại thị trường An Giang hôm nay, giá nếp vỏ tươi giảm 200 đồng/kg xuống 4.100- 4.300 đồng/kg; giá lúa đài thơm 8 tăng 100 đồng/kg lên 5.900- 6.100 đồng/kg; giá lúa OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên 5.000- 5.200 đồng/kg; giá lúa OM 18 tăng 100 đồng/kg lên 5.800- 6.000 đồng/kg.

Các loại lúa, gạo khác chung ổn định. Giá lúa OM 6976 5.100-5.200 đồng/kg. Lúa Nhật 7.500-7.600 đồng/kg. Gạo sóc Thái 17.000 đồng/kg. Gạo nàng nhen 20.000 đồng/kg. Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg. Gạo Nhật 17.000 đồng/kg.

Gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL

Ngày 7/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải tham dự hội nghị và phát biểu ý kiến.

Giá lúa gạo tại ĐBSCL nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500-600 đồng/kg. Theo Bộ Công Thương, giá lúa gạo tại ĐBSCL trong tuần từ 2/8 đến ngày 6/8 ổn định vào đầu tuần; giữa tuần giá lúa giảm từ 50-300 đồng kg sau đó cuối tuần tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động trong khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900-1.300 đồng/kg. Giá lúa OM9577 và OM9582 trong khoảng 5.600-5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg…

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở các địa phương còn rất nhiều, nhất là lúa vụ Hè Thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600.000 ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy. Dự báo thời điểm thu hoạch lúa hè thu và thu đông sớm sẽ tập trung trong các tháng 8, 9 và 10, tuy nhiên khó khăn hiện nay là giá lúa giảm. Ước tính sản lượng thu mua lúa hè thu sụt giảm từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ” do tỷ lệ tiêm vacine còn hạn chế; nhiều các cơ sở sấy và xay sát lúa cũng phải dừng hoạt động do không đáp ứng việc test nhanh COVID-19. Ngoài ra, lượng hàng còn tồn kho trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến tổ chức ký kết mới các hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nêu một thực tế, một phần doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới. Tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng, gặp nhiều khó khăn.

Là đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam lâu năm, ông Tùng nhìn nhận việc giá lúa gạo và nông sản nói chung giảm sâu không phải do quan hệ cung - cầu mà là do vấn đề ở khâu cung ứng. Ông Tùng nhấn mạnh: “Khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được”.

Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, thời gian qua dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tỉnh này hiện cũng đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy cũng áp dụng sản xuất “3 tại chỗ” nhưng doanh nghiệp xay xát lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ còn hoạt động 49/239 doanh nghiệp.

“Thuốc giải” vẫn là vaccine

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đại diện ngành công thương cho biết nhu cầu tiêu thụ lúa gạo thị trường quốc tế nói chung vẫn đang khá cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên khó khăn từ logistics khiến xuất khẩu cũng đang dần chậm lại.

Thực tế hiện nay tại Việt Nam, nhiều tỉnh áp dụng giãn cách rất chặt nên việc lưu thông ngay nội địa cũng phức tạp hơn. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng lúc này thương lái đóng vai trò rất quan trọng vì phải đi gom, thu mua lúa. Nhưng, hiện đội ngũ này gặp khó khăn trong lưu thông hàng hoá, vận tải khi đi thu mua từ tỉnh này với tỉnh khác.

Thứ trưởng Hải nêu quan điểm, các địa phương phải có biện pháp lâu dài chứ không thể chỉ tính giãn cách 15-20 ngày hay 1 tháng.

Riêng về vấn đề logistics nói chung, đặc biệt là ách tắc hàng hoá tại cảng Cát Lái (TPHCM), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải "đề nghị địa phương, doanh nghiệp thu mua lúa gạo lưu ý, nếu dồn tất cả hàng hoá lên cảng Cát Lái thì không có chỗ, không đủ nguồn lực. Thay vì đưa hàng lên cảng, lên TPHCM mới đóng container thì tại sao không làm trước đi, để giảm tải nguồn nhân lực, giảm tải địa điểm, diện tích đóng container. Đây cũng là cách tháo gỡ tích cực, hiệu quả cho cảng Cát Lái”.

Đồng quan điểm với ngành công thương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: “Đảm bảo sản xuất lương thực thực phẩm là lâu dài, vì vậy phải ưu tiên vấn đề này, bởi dịch bệnh có thể kéo dài. Đề nghị các địa phương quan tâm tiêm phòng cho lực lượng sản xuất trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở chế biến…”

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sản xuất lúa gạo vụ hè thu, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn liên quan”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết ngành nông nghiệp đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng như: Tài xế, ghe, salan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các Công ty xuất khẩu phải giao dịch chứng từ ở nhiều nơi là cảng, hải quan, văn phòng cấp C/O, kiểm dịch…


Giá tiêu hôm nay 09/8 tăng mạnh lên mức cao nhất 77.500 đồng/kg Giá tiêu hôm nay 09/8 tăng mạnh lên… Giá tiêu hôm nay 07/8: Các nước sản xuất tiêu lớn tăng sản lượng gây áp lực lên giá Giá tiêu hôm nay 07/8: Các nước sản…