Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã gây không ít thiệt hại cho người chăn nuôi và cùng với đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá cả các loại thức ăn gia súc, gia cầm liên tục tăng.
Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi lại không tăng, thậm chí giảm sút, khiến người chăn nuôi rất khó duy trì đàn vật nuôi.
Ở thời điểm hiện tại, giá lợn hơi chỉ còn từ 66.000 - 67.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 12.000 đồng so với tháng trước. Theo các hộ chăn nuôi lợn, đây là mức giá thấp khiến người chăn nuôi lo lắng. Đó là chưa kể, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao trên diện rộng.
Trái ngược với giá lợn hơi, giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng cao. Tính từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 đợt từ 250.000 đồng lên 320.000 đồng/bao (loại 25 kg). Gần như tháng nào cũng có một đợt tăng giá. Nhiều trang trại, nông hộ chỉ dám chăn nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn trong thời gian này.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tỏa, ngụ ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức cho biết, hiện nay ông đang nuôi 100 con lợn, từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm. Trước thời điểm 30/4, giá lợn đang ở mức từ 70.000 - 74.000 đồng/kg thì nay còn từ 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Với mức giá hiện tại, gia đình ông Tỏa chỉ nuôi cầm chừng để duy trì đàn, nếu trong những ngày tiếp theo giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng ông tính toán sẽ phải giảm 50% đàn nuôi đang có, vì không còn vốn để có thể duy trì nổi số đàn nuôi.
Theo tính toán của ông Tỏa, nếu như trước đây giá lợn hơi ở mức từ 78.000 - 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi có sẵn nguồn lợn giống sẽ lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng/con. Còn với giá bán lợn hơi ở mức từ 66.000 - 67.000 đồng/kg thì người nuôi không có sẵn nguồn lợn giống cầm chắc sẽ lỗ.
Bởi theo ông, chi phí trung bình lứa lợn từ 4 - 5 tháng, đạt trọng lượng 1 tạ sẽ bao gồm các chi phí: tiền giống, thuốc và thức ăn chưa tính công chăm sóc, điện, nước,... đã từ 6,3 - 6,5 triệu đồng, trong khi giá bán ra chỉ được từ 6,6 - 6,7 triệu đồng/con/tạ.
Không chỉ những hộ dân chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà các hộ chăn nuôi gà ở cũng đang đứng ngồi không yên, nhiều hộ đã và đang tính đến phương án giảm đàn để duy trì nghề chăn nuôi.
Hơn 10 năm nuôi gà, chưa có thời điểm nào, ông Nguyễn Minh Lý, ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ nhận thấy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay. Mức giá hiện là 100.000 đồng/bao, tăng trên 30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Minh Lý cho biết, với giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục như hiện nay, ông đang tính toán đến việc sẽ giảm đến hơn 50% đàn gà. Vì, khả năng càng nuôi nguy cơ càng lỗ rất lớn.
Hiện nay, một năm gia đình ông nuôi 3 lứa gà theo hình thức gối vụ, trung bình khoảng 7.500 con và ông Lý sẽ tốn khoảng 66 tấn cám. Với giá cám hiện nay là 310.000 đồng/bao, gia đình ông tốn hơn 800 triệu đồng tiền mua thức ăn, cộng với tiền giống khoảng 112 triệu đồng, tiền thuốc men, công chăm sóc.
Sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Lý chỉ còn lãi khoảng hơn 200 triệu đồng/năm. Còn khi giá thức ăn chăn nuôi chưa tăng gia đình ông lãi trên 400 triệu đồng/năm.
Mặc dù, hiện nay đầu ra của trang trại gà của gia đình ông Lý khá ổn định, nhưng với tình hình của dịch COVID-19 như hiện nay cũng khiến ông Lý rất lo lắng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tỉnh đang có trên 410.000 con lợn và gần 6 triệu con gia cầm. Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn thường chiếm 80% giá thành sản phẩm.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, tác động đến chi phí chăn nuôi và lợi nhuận của người chăn nuôi, nhất là khi dịch bệnh trên vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 càng phức tạp và kéo dài hơn.
Người chăn nuôi không yên tâm và cũng không đủ điều kiện tái đàn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cho thị trường tại Bà Rịa-Vũng Tàu là rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ