Tin nông nghiệp Giá trị của cây cà tím gốc ghép

Giá trị của cây cà tím gốc ghép

Tác giả Phương Lan, ngày đăng 10/12/2018

Giá trị của cây cà tím gốc ghép

Những năm gần đây, nông dân gặp nhiều khó khăn khi trồng cây họ cà vì bệnh héo tươi gây hại. Xuất phát từ thực tế trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang đã xây dựng mô hình khảo nghiệm cây cà tím gốc ghép, có sức kháng bệnh và cho năng suất cao. Tại huyện Thoại Sơn, mô hình được trồng khảo nghiệm trên diện tích 1.000m2 tại nhà anh Lý Văn Hải (ngụ xã Vĩnh Trạch).

Bà con tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ anh Hải

ThS Trần Ngọc Phương Anh (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang) cho biết, bệnh héo tươi do vi khuẩn tấn công làm chết cây hàng loạt, nặng nhất trong giai đoạn ra hoa và đậu trái non. Vi khuẩn gây bệnh này thường lưu tồn trong đất, ngoài ra còn có thể lan truyền mầm bệnh qua nước, các vết xay xát.

Để hạn chế bệnh héo tươi nên sử dụng cây giống có tính kháng bệnh. Qua kết quả khảo nghiệm cho thấy, giai đoạn từ khi trồng đến giai đoạn 40 ngày sau khi trồng, ruộng cà tím không xuất hiện bệnh héo tươi. Đến giai đoạn 60-70 ngày sau khi trồng, tỷ lệ bệnh héo tươi khoảng 6%. Nguyên nhân do các cây họ cà rất mẫn cảm với bệnh héo tươi. Từ đó thấy rằng, cây cà tím gốc ghép có khả năng kháng bệnh héo tươi vi khuẩn trên 94%.

Mục tiêu của việc trồng khảo nghiệm cây cà tím gốc ghép nhằm đánh giá khả năng kháng bệnh, khả năng thích nghi và đánh giá hiệu quả kinh tế. Từ đó giới thiệu và khuyến cáo nhân rộng mô hình, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các sản phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm canh tác cùng bà con, anh Hải rất nhiệt tình: “Khi chuẩn bị cây con, cần gieo trên khay xốp với giá thể mụn xơ dừa, khoảng 30 - 35 ngày cây cao 17 - 20cm. Quá trình chuẩn bị đất cần được cuốc, xới, lên liếp đôi và xử lý vôi bột, bón lót. Khi trồng hàng đôi, các cây cách nhau 0,7cm, với mật độ 2.000 - 3.000 cây/1.000m2. Sau khi trồng cố định, việc ngắt bỏ chồi của gốc ghép là rất quan trọng để không ảnh hưởng đến ngọn ghép (cây sử dụng phương pháp ghép ngọn), vì phần lớn lá mầm của cây ghép đều ra chồi nách 1 lần ở nách lá mầm.

Nếu phát hiện gốc ghép ra chồi nách, tiến hành cắt bỏ ngay. Bên cạnh đó, số lần tưới và lượng nước tưới tùy theo ẩm độ và thời tiết. Khi cành lá phát triển, lượng nước tăng lên, đặc biệt lúc cây ra hoa và đậu trái phải duy trì độ ẩm khoảng 50%”.

Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giai đoạn 40 ngày sau khi trồng, ruộng cà tím gốc ghép còn xuất hiện bệnh khảm vàng xoăn lá với tỷ lệ khoảng 2,4% và tăng dần theo thời gian sinh trưởng của cây đến giai đoạn 70 ngày sau khi trồng. Nguyên nhân do cây bị nhiễm virus khảm vàng xoăn lá - tác nhân truyền bệnh do bọ trĩ, rầy phấn trắng và rầy xanh. Vì thế, giai đoạn đầu nên phun ngừa thường xuyên các loại côn trùng gây hại và nhổ bỏ các cây bệnh khỏi ruộng để hạn chế bệnh lây từ cây này sang cây khác.

Theo Th.S Phương Anh, bệnh khảm không chỉ ảnh hưởng đến thân, lá và tốc độ sinh trưởng mà còn làm trái bị quăn queo, hình dạng xấu và nhỏ. Bệnh khảm có thể ngừa bằng cách phun thuốc để phòng các loại côn trùng truyền bệnh. Do cây ghép cần có thời gian phục hồi vết ghép nên thời gian sinh trưởng chậm hơn cây trồng trực tiếp 1- 2 tuần. Tuy nhiên, cây cà tím gốc ghép, có sức sống mạnh hơn, có khả năng chịu hạn, chịu ngập tạm thời tốt nên sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Sau thời gian trồng khảo nghiệm tại nhà anh Hải, bà con xung quanh đều trầm trồ khi thấy trái cà tím tròn có trọng lượng khoảng 300gr/trái, mỗi cây khoảng 6 trái, với tổng trọng lượng gần 1,8kg. Như vậy, giống cà tím gốc ghép cho năng suất 4,85 tấn/1.000m2, trong đó năng suất thương phẩm là 3,9 tấn/1.000m2; tỷ lệ cây kháng bệnh héo tươi vi khuẩn là 94%, kháng bệnh khảm trên 96%, lợi nhuận mô hình đạt 18,1 triệu đồng/1.000m2/ vụ.

ThS Phương Anh nhận định, giống cây này khi trồng mùa nghịch có khả năng kháng bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế. Thời điểm trồng nghịch vụ từ tháng 7 - 9 (âm lịch). Tuy nhiên, trong buổi trình diễn, báo cáo mô hình tại nhà anh Hải, bà con nông dân quan tâm nhất vẫn là đầu ra của sản phẩm. Bởi, lợi nhuận cao và việc trồng ồ ạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng “dội hàng”, “được mùa - mất giá”. Chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ bà con nông dân trong việc tìm đầu ra để mọi người yên tâm sản xuất.


Cày ải ngăn ngừa sâu bệnh Cày ải ngăn ngừa sâu bệnh Tuy An: Nhân rộng mô hình sản xuất bắp ủ chua Tuy An: Nhân rộng mô hình sản xuất…