Giá trị kinh tế của cây khoai môn Lục Yên
“Khi đi nhớ vợ thương con
Khi về nhớ củ khoai môn trên rừng"
Đó là câu ca đã được rất nhiều các du khách khi đến với vùng đất Lục Yên lúc ra về vẫn thường hay nhắc tới, bởi nhớ vị bùi, béo, dẻo, bở và hương thơm đặc trưng của đặc sản khoai môn nơi đây.
Tương truyền, giống khoai môn được trồng ở Lục Yên vốn có xuất xứ lâu đời từ Trung Quốc song qua thời gian dài canh tác trên đất nương, rừng, dưới tác động từ các yếu tố tự nhiên, thời tiết của địa phương mà củ khoai môn được trồng ở nơi đây đã có những hương vị đặc biệt, khiến ai ăn một lần thì sẽ nhớ mãi. ở Lục Yên, khoai môn còn có tên gọi khác là khoai tím, khoai mán hay khoai sọ núi là bởi lẽ, khi cắt ngang thớ củ khoai trên nền bột trắng mịn thường có các chấm nhỏ màu tím và giống khoai này lại hầu hết được bà con các dân tộc thiểu số Dao, Tày, Xá trồng nhiều trên các nương, đồi và những hố đất trên núi đá nên từ lâu đã có tên gọi như vậy.
Theo lời kể của ông Lý A Vang - một lão nông người Dao có nhiều năm gắn bó với nghề trồng khoai môn ở xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên thì trước đây vào những năm đói kém trong lịch sử, khoai môn cũng đã từng là nguồn lương thực cứu đói cho rất nhiều hộ dân ở các xã Khai Trung, Khánh Hoà, Phan Thanh, Minh Chuẩn của huyện Lục Yên. Vì thế đến nay, tuy đời sống của người dân đã khá hơn rất nhiều, song trong văn hoá ẩm thực của người Lục Yên, khoai môn vẫn có một vị trí rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Khoai môn có thể được chế biến thành nhiều món hấp dẫn trong các dịp lễ, tết, hội hè, như: chè khoai môn, bánh khoai môn, khoai môn chiên giòn...còn thường ngày dân dã thì đơn giản, khoai chỉ cần luộc, xôi hay nấu canh cũng đã rất ngon.
Khác với những giống khoai môn ở dưới miền xuôi chỉ ưa trồng trên các loại đất tốt như: đất ruộng, đất bãi giàu mùn, tơi xốp... khoai môn Lục Yên lại không hề kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh và có thể trồng xen với các loại cây khác nên bà con nơi đây thường trồng rất nhiều trên các nương, đồi. Điều này không chỉ có tác dụng bảo vệ, chống xói mòn cho đất mà còn giúp người nông dân tận dụng được đất đai, giành đất màu để trồng các loại cây rau màu khác.
Với đặc điểm là giống khoai có thời gian sinh trưởng khá dài (từ 8-12 tháng) nên khoai môn trồng ở Lục Yên chỉ có duy nhất một vụ trong năm. Bắt đầu trồng vào lúc lập xuân (độ sau tết âm lịch) và thu hoạch vào đầu đông khi lá khoai đã vàng héo. Giống khoai môn ở Lục Yên thường chỉ có duy nhất một củ, nặng chừng 600 - 700g, cũng có khi nặng đến 2kg.
Khoai môn nói chung có hàm lượng tinh bột cao, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, so với các giống khoai môn ở nhiều vùng quê khác như: Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hoà Bình, Lai Châu... thì khoai môn ở Lục Yên (Yên Bái) vẫn được đánh giá có độ bở, vị bùi và hương vị đặc trưng hơn cả. Tiếng lành đồn xa, đến nay, giống khoai quý này của Lục Yên đã không chỉ được người dân trong tỉnh biết đến mà còn lan rộng ra rất nhiều tỉnh bạn.
Chị Nguyễn Thị Mai, một tiểu thương ở Hà Nội nói: “Đã vài năm nay rồi, đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng thời gian từ tháng 8, 9 trở đi đến cuối năm, tuần nào tôi cũng lên Lục Yên thu mua khoai một lần về đổ buôn cho các chợ đầu mối và một số nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội.
Ở dưới đó khoai môn cũng không thiếu, nhưng những người sành ăn và đã từng được thưởng thức thứ khoai mang hương vị núi rừng của quê hương Yên Bái thì ai cũng thích”. Hiện tại, cây khoai môn ở huyện Lục Yên đã và đang trở thành cây trồng có thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Lục Yên. “Trung bình với năng suất từ 12-14 tạ/ha và giá bán từ 8-10 nghìn/kg, mỗi một ha khoai môn cũng cho người nông dân thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng, so với các loại cây trồng khác như ngô và sắn thì hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần”, chị Lý Kim Thoa, người trồng khoai môn lâu năm tại xã Phan Thanh (huyện Lục Yên) khẳng định.
Tuy hiệu quả kinh tế của cây khoai môn Lục Yên rất cao nhưng hiện nay loại cây này mới chỉ được trồng chủ yếu theo kinh nghiệm, diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên giá trị về hàng hóa chưa cao. Trước những yêu cầu trước mắt và lâu dài theo chủ trương của tỉnh và huyện Lục Yên muốn phát triển cây khoai môn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm lớn có tính cạnh tranh cao trên thị trường, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đề xuất với UBND tỉnh và Bộ Khoa học & Công nghệ thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển khoai môn tại tỉnh Yên Bái theo hướng sản xuất hàng hóa”.
Đến nay, sau hai năm triển khai dự án, huyện Lục Yên đã xây dựng được các mô hình sản xuất giống và thâm canh khoai môn cho năng suất, chất lượng cao với diện tích gần 20 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Minh Chuẩn, Phan Thanh và Khánh Hòa.
Mong rằng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, cây khoai môn sẽ không chỉ góp phần làm giàu thêm cho vùng đất ngọc Lục Yên mà còn trở thành một trong những hình ảnh quảng bá cho con người và quê hương Yên Bái.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ