Mô hình kinh tế Giải Bài Toán Cây Trồng Để Thoát Nghèo

Giải Bài Toán Cây Trồng Để Thoát Nghèo

Ngày đăng 28/06/2013

Giải Bài Toán Cây Trồng Để Thoát Nghèo

Với diện tích trên 95.000ha, phần lớn là đồi núi nên tỉnh ta có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhiều loại cây trồng được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng rồi vẫn không duy trì được lâu dài và chưa thể khẳng định là loại cây chủ lực cho người dân thoát nghèo.

Ngoài những khó khăn về trình độ nhận thức, nguồn vốn hỗ trợ thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm đối với các loại cây trồng đang là bài toán khó giải.

Trồng theo phong trào

Trồng cây gì vừa khai thác được tiềm năng đất vừa cho thu nhập để thoát nghèo không chỉ là bài toán khó giải với ngành nông nghiệp mà cả với chính quyền địa phương cũng như chính người dân. Nhiều loại cây trồng mới đã, đang và sẽ được tiếp tục trồng thử nghiệm ở nhiều địa phương. Bà con cũng theo đó mà trồng như một phong trào.

Để chọn loại cây trồng phù hợp, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã triển khai nhiều mô hình thử nghiệm, đưa nhiều loại cây vào trồng thử ở các địa phương với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn chưa tìm được loại cây thích hợp. Trồng thử, thử trồng, không hiệu quả lại phá nhổ, chặt đốn đã trở thành điệp khúc trong quá trình thử nghiệm cây trồng phù hợp.

Người dân các huyện, thị cứ nhìn nhau học tập, thấy xã bạn, huyện bạn có cây trồng gì mới thì cũng đua nhau trồng. Còn nhớ, việc mở rộng diện tích trồng trẩu, keo lai đã gần như trở thành phong trào thi đua trong toàn tỉnh bởi khi đó trẩu được thu mua với giá cao. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi cây trẩu bắt đầu có thể thu hoạch được thì không có nơi nào thu mua, bao tiêu sản phẩm. Vì thế, cây trẩu lại bị đốn hạ, chặt phá để tiếp tục thử nghiệm loại cây mới.

Cách đây hơn chục năm, cây quế cũng được đưa vào thử nghiệm với hy vọng là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện Tuần Giáo. Thế nhưng khi quế rợp bóng đồi, vỏ quế có thể tách để xuất bán thì lại không biết bán cho ai, bán ở đâu?! Lúc ấy, có đốn hạ quế làm củi cũng không xong khi mà khói quế làm cay mắt và cay cả lòng không ít người dân đâm lao theo cây quế.

Chính vì kiểu trồng theo phong trào đã khiến không ít người dân thường xuyên gặp cảnh được mùa rớt giá khi bị tư thương ép giá. Điển hình nhất cho loại cây trồng kiểu này đó là cà phê. Vựa cà phê Mường Ảng đã giúp bao gia đình trở thành tỉ phú. Vịn vào đó, diện tích cà phê cứ tăng dần đặc biệt là cà phê dân doanh.

Người ít vốn thì góp lại mua đất, thuê người trồng cà phê; người nhiều vốn vừa phát triển diện tích cà phê vừa đầu tư thu mua cà phê tươi. Nhưng bởi không có một quy trình khép kín, cây cà phê lại phải đầu tư cao, chăm sóc kỹ, chế biến sâu nên cà phê cũng thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá, sản lượng tăng mà thu nhập không tăng

Cơ quan chuyên môn cũng thử nghiệm

Định hướng các loại cây trồng cho người dân chính là ngành nông nghiệp. Với nhiều đơn vị chức năng: từ nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật cho tới khuyến nông, khuyến lâm, ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế từ nông - lâm nghiệp cho bà con học tập.

Tuy vậy, nhiều mô hình chỉ thành công ở giai đoạn triển khai còn việc nhân rộng mô hình lại quá khó. Không ít mô hình khuyến nông, khuyến lâm được triển khai khá hiệu quả nhưng khi cán bộ khuyến nông về thì dự án cũng theo về bởi trình độ kỹ thuật của người dân hạn chế, vốn đầu tư không có, chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.

Do diện tích đồi núi trên địa bàn tỉnh có độ dốc lớn nên nhiều dự án hỗ trợ của Nhà nước cũng như các tổ chức nước ngoài đã chú trọng triển khai các mô hình trồng trọt trên đất dốc. Khi triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật bám cơ sở, cầm tay chỉ việc cho bà con nhưng chỉ 2 - 3 vụ sau khi dự án hỗ trợ kết thúc thì việc nhân rộng mô hình cũng đành dậm chân tại chỗ vì bà con trình độ hạn chế nên khó nhớ, khó tiếp cận kỹ thuật sản xuất và quan trọng hơn là không còn sự hỗ trợ về giống, vốn, phân bón.

Cây bông lai ở Điện Biên Đông, cây ngô ở huyện Điện Biên rồi cây sắn, cây sa nhân ở nhiều địa phương khác cũng thường chỉ hiệu quả khi triển khai mô hình. Mới đây nhất, cây chuối tiêu hồng được đưa vào trồng thử nghiệm ở một số địa phương và cho thấy đây là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của nhiều địa phương. Từ mô hình thử nghiệm ở huyện Điện Biên, giờ đây cây chuối tiêu hồng đã xuất hiện ở nhiều huyện, như: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Nhé.

Tuy nhiên, đến khi chuối cho thu hoạch lại khó tiêu thụ. Chỉ vì thấy dễ trồng, không ít bà con đã đưa cây chuối vào cả diện tích vùng sâu, vùng xa để trồng đến khi thu hoạch không có tư thương vào mua cũng không thể vận chuyển đi bán bởi đường sá khó khăn. Vậy là, đầu ra trở thành lực cản lớn cho việc mở rộng diện tích cây chuối tiêu hồng.

Giải bài toán đầu ra

Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình khi triển khai hàng loạt mô hình với nhiều loại cây được thử nghiệm. Nhưng cũng vì thế mà trước một rừng mô hình thử nghiệm ấy bà con lại không biết chọn cho mình loại cây gì cho phù hợp?! Chính vì khó xác định nên người dân thường chọn cây trồng theo cảm tính, kiểu như thấy xã kia trồng hiệu quả thì xã mình, bản mình cũng trồng. Cán bộ nông nghiệp cơ sở lại chưa định hướng được cho người dân trồng cây gì ở địa bàn đó thật hiệu quả.

Thiếu sự định hướng lại không có đầu ra ổn định nên người dân cứ loay hoay với điệp khúc trồng - chặt, chặt trồng, được mùa rớt giá. Đem băn khoăn về việc đầu ra của các loại cây trồng trao đổi với một cán bộ nông nghiệp thì được chia sẻ: trên cơ sở mô hình thử nghiệm, ngành nông nghiệp xác định những cây trồng nào phù hợp với khu vực thổ nhưỡng nào để khuyến khích người dân trồng, còn việc lo đầu ra cho loại cây trồng ấy thì không thể chắc chắn!

Với phần lớn bà con dân tộc thiểu số, họ chỉ trồng những cây trồng có kỹ thuật đơn giản, đầu tư vốn, giống ít. Vì vậy, không ít mô hình cây trồng trên đất dốc khá hiệu quả nhưng khi kết thúc dự án thì mô hình cũng không thể nhân rộng.

Từ thực tế trên cho thấy, đầu ra đang là lời giải thuyết phục hơn cả cho việc xác định loại cây trồng phù hợp. Từ trồng rừng cho tới trồng cây công nghiệp, cây lương thực đều phụ thuộc nhiều vào đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, khi nghiên cứu loại cây trồng phù hợp cần song song với việc tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, để việc phát triển cây trồng thật sự xóa đói giảm nghèo cho người dân.


Để Phát Triển Bền Vững Cà Phê Mường Ảng Để Phát Triển Bền Vững Cà Phê Mường… Phát Triển Chăn Nuôi Tạo Sản Phẩm Hàng Hoá Phát Triển Chăn Nuôi Tạo Sản Phẩm Hàng…