Giải độc hàng ngày cho cơ thể với cây Thì là
Sự tích về cây thì là hiếu thảo
Ngày xưa, xưa lắm rồi, cây cỏ chưa có tên chi cả. Một hôm, ông Trời tập hợp tất cả các loài lại, ban cho mỗi loài một cái tên. Thôi thì, các loại cây giành nhau đến trước để được đặt tên theo đúng ý của mình muốn.
Có cây thì dịu dàng toả hương, đòi được gọi là Lan, có cây lại õng ẹo múa nhịp nhàng, xin được đặt là Tóc Tiên, có cây lại hiên ngang đi đến, được gọi là Thông. Các loại rau cỏ cũng vậy, cũng chen chúc nhau, nài nỉ những cái tên thật đẹp như Quế, Dấp Cá, Tía Tô, Húng… Cho đến cuối ngày, khi ông Trời đã mệt, có một cây nho nhỏ vội vàng chạy đến, chỉ xin tên gì cũng được.
Cây đó xin lỗi ông Trời đã đến trễ, vì nó phải chăm sóc bà của nó đang bị bệnh. Ông Trời thấy lòng hiếu thảo của nó thì cảm động lắm nên không phạt nó, nhưng ông không nghĩ ra được tên gì khác, cho nên ông ngập ngừng:
– Tên của con là… thì là…thì là…
Nhành cây nghe vậy, mừng quá hét toáng lên:
– Ôi tôi có tên rồi ! Tôi là Thì Là!
Nó vui quá nên vội vàng cám ơn ông Trời rồi chạy nhanh về nhà khoe bà của nó, và để xem sức khỏe của bà. Nó nào biết đâu rằng chữ “thì là” không phải là tên ông Trời dự định đặt cho, mà là sự ngập ngừng chưa nghĩ ra được cái tên cho nó.
Từ đó, muôn loài gọi nó là cây Thì Là, hay là Thìa Là. Tuy rằng cái tên đó rất bình dân, nhưng không một loài nào dám chế giễu, bởi vì lòng hiếu thảo của nó đã hơn tất cả các loại cây khác rồi.
Cây thuốc giải độc hàng ngày
Thì là có tên khoa học là Anethum graveolens, được trồng và sử dụng như một loại thuốc và gia vị từ hàng nghìn năm nay ở khắp các nước trên thế giới. Khoa học hiện đại tìm thấy trong thì là nhiều chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể như các chất khoáng K, Ca, Mg, Fe, các loại vitamin như A, D, C, B12… và nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe. Tinh dầu chiết xuất từ thì là có tính kháng khuẩn tốt.
Theo Đông y, lá thì là có mùi thơm hăng hắc, hơi đắng có vị cay, tính ấm, không độc dùng để bổ thận, mạnh tỳ, tiêu trướng, chữa đau bụng, đau răng, kích thích sự bài tiết nước tiểu, gia tăng lượng nước tiểu thải ra, nhờ đó làm giảm các cơn đau quặn do rối loạn đường tiết niệu như viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận và giúp cải thiện hoạt động của dạ dày…
Do vậy thì là vẫn được dùng để giải độc cho cơ thể, bổ sung vào các món ăn để hỗ trợ đường tiêu hóa. Thường xuyên ăn thì là còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, hạn chế nguy cơ gây ung thư. Ngoài ra có thể dùng trong việc chống ho, chữa cảm cám và cảm lạnh…
Một số bài thuốc từ thì là
Chữa rối loạn tiêu hóa: Ăn lá thìa là nấu chín mỗi ngày giúp tiêu hóa tốt và chống táo bón. Với trẻ em, dùng 1 – 2 muỗng nước sắc lá thìa là trộn vào thức ăn sẽ ngừa được chứng rối loạn tiêu hóa và giúp trẻ ngủ ngon giấc. Tinh dầu thìa là trích từ sự chưng cất hạt, được dùng trong trường hợp đầy bụng, nấc cụt, ợ chua thừa axit trong dạ dày và chứng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa.
Chữa tiêu chảy và kiết lỵ: Chất dầu trong hạt thìa là rất hữu hiệu để chữa chứng no hơi, đầy bụng. Lấy hạt thìa là chiên trong một lượng tối thiểu bơ, cùng với đồng lượng hạt của cây cỏ cari (fenugreek), hỗn hợp này được xem như một loại thuốc đặc hiệu chữa bệnh tiêu chảy và lỵ trực trùng cấp tính. Để đạt hiệu quả tối đa có thể nướng hạt cho vàng rồi nghiền thành bột trộn chung với sữa đặc hoặc kem sữa, dùng 2 – 3 lần trong ngày.
Giúp hơi thở thơm tho: Nhiều tài liệu có ghi chép rằng người La Mã xưa vẫn nhai hạt thì là giúp cho hơi thở thơm tho. Hạt thìa là có đặc tính làm phân hóa hơi trong dạ dày, nhai 5 – 7 hạt thìa là mỗi ngày.
Chứng mất ngủ: Ăn canh rau thìa là vào bữa tối hoặc hãm nước hạt thìa là uống thay nước trước giờ ngủ, đêm sẽ ngủ ngon giấc.
Chữa bệnh đường hô hấp: Khi bị cảm lạnh, cúm hoặc viêm cuống phổi, dùng khoảng 60g hạt thìa là chế trong nước sôi, lọc lấy nước hòa với mật ong, chia ba lần uống trong ngày.
Chữa mụn nhọt sưng tấy: Giã nát lá thìa là tươi thành khối nhão rồi đắp lên mụn nhọt đã chín bị vỡ ra có máu. Có thể trộn chung một ít bột nghệ rồi đắp lên các chỗ ung loét có mủ, tác dụng làm lành rất nhanh. Lá thìa là đun trong dầu vừng được điều chế thành một dạng thuốc dầu để bôi làm giảm đau trong trường hợp đau và sưng ở các khớp.
Chữa rối loạn kinh nguyệt: Thìa là có tác dụng kích thích và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nó làm giảm đau trong các trường hợp đau bụng kinh ở thiếu nữ và trong các trường hợp bế kinh gây ra bởi thiếu máu, cảm lạnh hoặc do có thai. Dùng 60g dịch chiết lá thìa là trộn chung với 1 muỗng nước ép rau cần tây, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa thiếu sữa: nấu canh hoặc hãm hạt thì là với nước sôi để uống. Lưu ý, phụ nữ mang thai không nên sử dụng nhiều thì là vì trong thì là có chứa số lượng lớn các chất kích thích tử cung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ