Tin nông nghiệp Giải pháp của người chăn nuôi trong bão giá thức ăn chăn nuôi

Giải pháp của người chăn nuôi trong bão giá thức ăn chăn nuôi

Tác giả Ngân Huyền, ngày đăng 14/04/2022

Giải pháp của người chăn nuôi trong bão giá thức ăn chăn nuôi

Do đó, việc thắt chặt chi phí đầu tư, cắt giảm đàn, sử dụng phế phẩm nông nghiệp... đang là lựa chọn của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Từ cuối năm 2020 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã có 10 lần điều chỉnh giá liên tiếp, tăng khoảng 40%. Một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng là do nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, khoảng 80% các loại nguyên liệu như lúa mì, ngô, đậu tương,... phải nhập khẩu. Giá của hầu hết các loại nguyên liệu này tăng cao do các khu vực trồng nguyên liệu trên thế giới ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, dịch Covid-19... Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng, dầu tăng và thiếu tàu vận tải biển, container... Hiện nay, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt khoảng 12.500 đồng đến gần 13.000 đồng/kg. Giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt khoảng 12.300 đồng/kg.

Hiện trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ chăn nuôi theo quy mô trang trại, tập trung còn thấp, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ. Toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi, trong đó trang trại quy mô nhỏ chiếm 78,3%, trang trại quy mô vừa 19,5%, trang trại quy mô lớn chỉ chiếm 2,2%. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm từ 65 - 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Vì vậy, khi giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, nhất là người chăn nuôi lợn, gia cầm, chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp; trong khi đó, giá lợn hơi và gia cầm thịt không tăng. Trước thực trạng này, người chăn nuôi đang xoay sở tìm cách thích ứng phù hợp để giảm thiểu chi phí, rủi ro.

Nhờ sản xuất thức ăn viên khô từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương nên ông Trần Văn Hoạt, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) vẫn duy trì được quy mô đàn gà từ 1.000 - 2.000 con/lứa. Ông Hoạt cho biết: Năm 2017, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, tôi được tham gia mô hình “Sản xuất thức ăn viên khô tự chế từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương cho chăn nuôi gia cầm thương phẩm”. Khi sử dụng thức ăn viên khô tự chế có thể giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg thức ăn so với thức ăn công nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, thức ăn do gia đình tự sản xuất bảo đảm chất lượng kết hợp với nuôi gà thả vườn thay vì nuôi nhốt nên gà có chất lượng thịt thơm ngon, xuất bán được giá và được thị trường ưa chuộng; trong giai đoạn “bão giá” thức ăn chăn nuôi hiện nay, gia đình tôi tránh được cảnh giảm đàn, trống chuồng. Nhờ áp dụng quy trình nuôi bằng thức ăn khô gia đình tự chế nên sau khi trừ tất cả chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng/lứa. Năm 2021, gia đình tôi nuôi 2 lứa gà thịt thương phẩm đã bán và thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay nhưng với ông Nguyễn Văn Bắc, xã Liên Giang (Đông Hưng) chưa khi nào người chăn nuôi bị dồn vào thế khó như hiện tại. Giá thức ăn chăn nuôi tính đến nay đã tăng liên tiếp. Còn tính từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 này, giá cám 3 lần điều chỉnh tăng. Theo đó, cứ khoảng nửa tháng doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi báo tăng giá một lần. Ông Bắc cho biết: Để hướng tới chăn nuôi bền vững, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín theo hình thức công nghiệp. Trung bình mỗi ngày, lợn nái tiêu tốn khoảng 2,5kg cám/con; lợn thịt tiêu tốn từ 1 - 5kg cám/con tùy theo tuổi lợn. Một tháng gia đình tôi mất khoảng 8 - 9 tấn cám. Với giá lợn hơi 55.000 đồng/kg, tôi chịu lỗ khoảng 10.000 đồng/kg. Đây là mức lỗ khi trang trại của tôi tự túc được con giống, còn các hộ chăn nuôi phải mua cả con giống thì mức lỗ còn cao hơn. Không thể để trống chuồng, lứa tới tôi dự định giảm đàn để bớt lỗ đồng thời hy vọng giá lợn sẽ tăng lên để người chăn nuôi có thu nhập.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi chọn cách giảm đàn để hạn chế thua lỗ.

Đối với người chăn nuôi lợn, bên cạnh việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thì tâm lý còn lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ nuôi cầm chừng, không tăng đàn để tránh thua lỗ... Trước khó khăn đó, người chăn nuôi đã chủ động giảm đàn và đang hướng đến thành lập các tổ hợp tác, HTX, phát triển chuỗi liên kết để bảo đảm sản lượng tiêu thụ cũng như ổn định giá bán; đồng thời, tiếp cận với các quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Các hộ chăn nuôi lợn thực hiện tái đàn theo mô hình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất.

Dự kiến giá thức ăn chăn nuôi thời gian tới vẫn tiếp tục tăng, vì vậy bên cạnh sự chủ động của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cập nhật thông tin cho người dân về tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi; trên cơ sở quy hoạch các vùng chăn nuôi, khuyến khích người dân phát triển các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến để tạo nên sự ổn định về giá cả, sản phẩm và tạo thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để hướng dẫn người dân sử dụng cám gạo, ngô, sắn, các loại cây làm thức ăn cho gia súc để tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ, giảm tỷ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp.


Hướng tới sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái Hướng tới sản phẩm OCOP gắn với du… Làm giàu từ thửa ruộng hẹp Làm giàu từ thửa ruộng hẹp