Giải Pháp Cứu Cây Điều
Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Một số giải pháp phát triển điều bền vững”.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp ở trung ương và khu vực Nam bộ cùng 240 nông dân trồng điều giỏi từ 8 tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận đến trao đổi thông tin về khoa học - kỹ thuật, giải pháp chọn giống, trồng và sản xuất điều bền vững.
Điều không còn là sự lựa chọn số một
Theo tiến sĩ Nguyễn Như Hiến, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2013 cả nước có 310 ngàn ha điều, tập trung chủ yếu ở duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, năng suất bình quân đạt 9,1 tạ/ha, sản lượng 285 ngàn tấn.
Tuy nhiên, vì điều bị đốn bỏ để trồng các loại cây khác nên trong 8 năm (2005-2013), cả nước giảm gần 123.400 ha. Trong đó, diện tích điều giảm mạnh nhất ở vùng Đông Nam bộ, riêng Bình Phước giảm gần 66 ngàn ha.
Nguyên nhân do lợi ích kinh tế từ sản xuất điều thấp và kém ổn định nên điều không đủ sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đô thị, khu du lịch, kinh tế. Do trồng ở nơi điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp, giống kém, năng suất thấp nên phải chặt bỏ.
Điển hình là dự án trồng 13 ngàn ha điều ở Binh đoàn 16 tại huyện Easup, tỉnh Đắk Lắk. Các dự án ở tỉnh Kon Tum và khu vực thủy điện huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định... kém hiệu quả, hoặc bị thiên tai tàn phá. Nguyên nhân cả nước chưa hình thành được sự liên kết hợp tác phát triển ngành điều giữa bốn nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học) nên người trồng điều luôn chịu rủi ro.
Còn doanh nghiệp thu mua, chế biến điều chỉ hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy, chưa đầu tư hợp tác hỗ trợ nông dân. Nhà nước chưa có cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất điều.
Không những vậy, năng suất điều cả nước trong những năm qua giảm mạnh. Năm 2005 bình quân đạt 1,1 tấn/ha, nay còn chưa đầy 1 tấn/ha. Các tỉnh Nam Trung bộ chỉ đạt năng suất từ 0,27 đến 0,41 tấn/ha. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì nguyên nhân là do điều trồng trên địa hình không phù hợp; tỷ lệ vườn điều già cỗi chiếm gần 30% tổng diện tích cả nước; đầu tư chăm sóc thấp, thời tiết diễn biến bất thường, sâu bệnh gây hại đã tác động xấu đến hiệu quả kinh tế của cây điều.
Tại diễn đàn, người trồng điều ở 8 tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề phun thuốc kích thích tăng trưởng, ra bông, đậu trái; chọn giống điều tốt; xử lý sâu bệnh; kỹ thuật cải tạo vườn điều, ghép điều; chính sách hỗ trợ nông dân...
Ông Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho biết, chưa có giống điều nào chống lại được hiện tượng sốc thời tiết (vùng lạnh) và phù hợp độ cao. Vì vậy tốt nhất người dân nên trồng điều trong vùng đã quy hoạch, nơi có thổ nhưỡng thuận lợi và không sử dụng giống điều trôi nổi trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Để định hướng từng vùng, Nhà nước có chủ trương giúp nông dân bằng cách quy hoạch vùng trồng, có chính sách hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật... giúp nông dân canh tác đạt hiệu quả. Thực tế ở nhiều nơi có điều kiện địa hình, chăm sóc kỹ thuật, chọn giống tốt cho năng suất cao nên hiệu quả cây điều không kém so các loại cây trồng khác.
Giải pháp cứu cây điều
Tại diễn đàn, tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu nhằm hướng đến phát triển sản xuất điều bền vững. Trước hết phải đổi mới nhận thức về phát triển ngành điều, có sự đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm ra thị trường thế giới.
Ngoài ra, một số giải pháp như: Định hướng, phân vùng sản xuất phù hợp với từng vùng, miền, khu vực; đánh giá mức độ khả thi của từng dự án; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất điều; tổ chức liên kết hợp tác sản xuất điều giữa nông hộ, trang trại; cải tạo vườn điều bằng giống mới... được đưa ra tại diễn đàn.
Bình Phước hiện có gần 140 ngàn ha điều, chiếm 45% diện tích điều cả nước. Tuy nhiên, ngành điều ở Bình Phước cũng bộc lộ nhiều hạn chế về khả năng mở rộng thị trường, giá cả, chất lượng, mẫu mã sản phẩm... nên ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của loại cây trồng chủ lực này.
Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: Việt Nam hình thành ngành điều khá đồ sộ, có giá trị trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện cây điều ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mới chỉ trồng chủ yếu theo hộ, trang trại quy mô nhỏ lẻ.
Vì vậy, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà để cùng hợp tác phát triển, mang lại lợi nhuận cao và giữ vững vùng nguyên liệu ở mỗi địa phương. Được biết, Bình Phước đã có chính sách phát triển ngành điều của tỉnh, bước đầu thực hiện đã có hiệu quả trong việc tổ chức hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Đây là một trong những giải pháp cứu cây điều cần được nhân rộng tại các địa phương khác trong vùng quy hoạch trồng điều.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, Việt Nam có 350 ngàn ha điều, trong đó diện tích thu hoạch 300 ngàn ha. Năng suất bình quân 1,5 tấn/ha; sản lượng 450 ngàn tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điều đạt 2,5 tỷ USD.
ĐƯỢC MÙA, MẤT GIÁ - NGƯỜI TRỒNG ĐIỀU BĂN KHOĂN
Với gần 60 ngàn ha, huyện Bù Đăng có diện tích điều lớn nhất tỉnh. Vụ điều năm nay được mùa, năng suất bình quân tăng, nhưng giá điều thô vẫn ở mức thấp khiến người trồng điều băn khoăn.
Gia đình bà Trần Thị Kim Chi có 3 ha điều tại thôn 5, xã Đức Liễu. Vườn điều 20 năm tuổi, giống điều chùm, hạt to. Thời điểm này điều đang chín rụng vàng gốc. Bà Chi cho biết: Năm trước năng suất khoảng 2 tấn/ha. Năm nay đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha. Mỗi ngày gia đình thu hoạch bình quân 300kg.
Gia đình bà Trịnh Thị Thủy ở thị trấn Đức Phong, có rẫy điều 5 ha ở xã Đoàn Kết. Đang là thời điểm thu rộ, hàng ngày bà thuê từ 6 đến 8 người lượm điều, có ngày thu trên 500kg.
Ông Trần Minh Hiểu, Phó trưởng Trạm trồng trọt, bảo vệ thực vật Bù Đăng cho biết: Vụ điều năm nay năng suất bình quân toàn huyện đạt từ 12 đến 13 tạ/ha. Ngoài yếu tố thời tiết thì việc chăm sóc của con người tác động rất lớn tới năng suất và chất lượng hạt điều.
Nếu như những năm trước, nhiều hộ sau khi thu hoạch không bán ngay mà tích trữ chờ được giá mới bán, thì năm nay giá điều thô bấp bênh nên phần lớn nông dân thu đến đâu bán đến đó. Đầu mùa giá bán 27 ngàn đồng/kg, nhưng nay chỉ còn khoảng 20 ngàn đồng.
Trước nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, những rủi ro về năng suất, sản lượng, đặc biệt là giá bán thấp, người trồng điều ở Bù Đăng đang rất băn khoăn, trăn trở vì chặt không nỡ mà để cũng không yên tâm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ