Tin nông nghiệp Giải pháp giúp dân đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Giải pháp giúp dân đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Tác giả Thanh Xuân (ghi), ngày đăng 25/02/2016

Giải pháp giúp dân đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn

GS-TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Xây dựng các đập ngăn mặn

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá ở mức nghiêm trọng theo tôi là do nguồn nước ngọt đang ngày càng thiếu hụt, không đủ để đẩy mặn ra. Ở hầu hết các tỉnh duyên hải miền Trung đến Tây Nguyên và ĐBSCL hầu hết là không có các hồ chứa nên cứ mưa xuống là nước trôi đi hết.

Trong khi đó, trên hệ thống sông lớn là sông Mekong các công trình đập thuỷ điện được xây dựng hàng loạt, người ta ngăn lại hàng tỷ m3 nước nên không còn nước đẩy mặn. Do đó, cần phải có nghiên cứu, đánh giá lại xem nguồn nước về ĐBSCL có còn được như trước đây không hay đã giảm mạnh.

Đồng thời, cần phải đánh giá lại khả năng đáp ứng nguồn nước đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nói chung; đánh giá lại nhu cầu tiêu thụ nước; đánh giá lại các chỉ tiêu thiết kế của các hệ thống thuỷ nông; đánh giá lại các tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước từ đó đưa ra các kịch bản sản xuất tương ứng với các điều kiện đáp ứng nhu cầu nước bao gồm đưa ra thứ tự ưu tiên phân bổ nước trong điều kiện thiếu nước, đặc biệt đối với các vùng khó khăn. Đồng thời, xây dựng cơ cấu cây trồng tương ứng với mức độ cấp nước của từng vùng, bố trí lại mùa vụ theo đặc điểm nguồn nước của từng vùng…

Về lâu dài, cần đầu tư các dự án xây dựng đập ngăn mặn, trữ ngọt trên dòng chính sông Mekong để phục vụ sản xuất dân sinh có hiệu quả; trong sản xuất nông nghiệp cần xác định rõ những vùng phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi triển khai tái cơ cấu nông nghiệp…

Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Nơi nào thiếu nước nên trồng cây dài ngày

Theo thống kê của các địa phương, các tỉnh ven biển ở ĐBSCL do chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn hàng năm và tác động của biến đổi khí hậu nên năm nay tình hình xâm nhập mặn tiếp tục nghiêm trọng. Do đó, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển trong năm 2016 khoảng 339.234ha, chiếm 35,69% diện tích xuống giống của vùng ven biển và chiếm 22% diện tích xuống giống lúa đông xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL.

 Để chủ động cho sản xuất, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị các địa phương phải tận dụng tối đa tích nước vào các ao, hồ, kênh, mương, nơi nào có khả năng tích được nước là phải tích trữ. Đặc biệt là khu vực miền Trung, nhiều vùng không có nước thì không nên trồng lúa nữa mà chuyển đổi sang các cây trồng khác cho hiệu quả.

Các nơi hoàn toàn không có nước nên trồng cây dài ngày, có bộ rễ sâu, hạn nhất thời không ảnh hưởng nhiều lắm tới cây dài ngày. Đặc biệt là cây ngô, hiện vẫn được xếp vào cây lương thực, năng suất cao và sử dụng ít nước được Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương lựa chọn.

GS - TS Trương đình Dụ - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam: Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước

Để chống hạn, giải pháp tình thế là phải chủ động tận dụng tất cả những nơi nào có thể xây dựng được các đập, hồ, các công trình tích trữ nước đều phải tận dụng để xây dựng ngăn nước lại. Kể cả những hồ có dung tích 1.000m3 nếu có điều kiện cũng xây dựng, như kinh nghiệm ở Israel người ta còn xây dựng cả những bể nhỏ chứa nước và các giải pháp tưới tiết kiệm nên họ còn có thể trồng nhiều loại cây thành công trên sa mạc.

Về lâu dài, đối với các vùng có điều kiện trồng cây cần tăng cường thảm thực vật để giữ nước lại, không để sa mạc hoá lan rộng khiến cho tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, cần tiến tới xây dựng các công trình ngăn mặn ở cửa sông, vừa đảm bảo ngăn nước biển vào mùa khô nhưng cũng phải đảm bảo thoát lũ về mùa mưa. Ngoài ra, cần ứng dụng các giải pháp khác như công nghệ tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ lợi (Bộ NNPTNT): Kết hợp nhiều giải pháp

Từ thực tế tình hình hạn hán gay gắt diễn ra năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung kinh phí để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ (tỉnh Ninh Thuận, dung tích trữ hơn 200 triệu m3) và một số công trình thuỷ lợi khác ở các tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hoà. Trong đó, giai đoạn 1 của hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ có nhiệm vụ tưới cho 6.800ha đất canh tác, dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào năm 2017.

Đồng thời, hàng loạt các đập thuỷ lợi khác cũng được triển khai như hệ thống thuỷ lợi Đồng Mít (Bình Định), hồ Mỹ Lâm (Phú Yên), hồ Đồng Điền (Khánh Hoà), hệ thống thuỷ lợi sông Luỹ (Bình Thuận)…

Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng đưa ra giải pháp xây dựng đường dẫn để kết lối các hồ chứa lại với nhau nhằm đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các cây trồng chịu hạn và ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước với mục tiêu đến năm 2017 sẽ có 200.000ha và năm 2020 có 500.000ha cây trồng cạn được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước.


Cư Jut, Đăk Nông mót nước cứu cây, nguy cơ thiếu đói do hạn Cư Jut, Đăk Nông mót nước cứu cây,… Quảng Trị xây dựng nông thôn mới gặt hái sự hài lòng của dân Quảng Trị xây dựng nông thôn mới gặt…