Mô hình kinh tế Giải Pháp Nâng Cao Uy Tín Thương Hiệu Cam Sành Hà Giang

Giải Pháp Nâng Cao Uy Tín Thương Hiệu Cam Sành Hà Giang

Ngày đăng 05/06/2014

Giải Pháp Nâng Cao Uy Tín Thương Hiệu Cam Sành Hà Giang

Cam sành là loài cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, cây cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Tính đến thời điểm cuối năm 2013 tổng diện tích cam sành cho thu hoạch đạt trên 11.000 ha và sản lượng ước đạt 11.500 tấn, trong đó huyện Bắc Quang có diện tích cam sành lớn nhất tỉnh.

Bình quân mỗi ha cam sành cho thu nhập từ 350 – 400 triệu đồng/năm. Vì vậy cây cam sành đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH tại những vùng trồng cam trong tỉnh. Nhưng trong những năm qua do dịch bệnh gây hại và do các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, chăm sóc, nhân giống... của người nông dân không phù hợp đã làm suy thoái nhanh chóng các vườn cam.

Những tác động thiếu cơ sởkhoa học không những làm giảm năng suất mà còn làm giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của thương hiệu “cam sành Hà Giang” trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các giải pháp về kỹ thuật trồng trọt

Chỉ được trồng mới bằng các giống cam sạch bệnh từ những vườn nhân giống đạt tiêu chuẩn. “Cây sạch bệnh” là chúng ta nhấn mạnh và tập chung vào 2 bệnh trên cam sành có tính chất lây lan nhanh, mang tính huỷ diệt vườn cam mà hiện nay trên thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị, đó là bệnh vàng lá gân xanh (Greening) và bệnh tàn lụi (Tristeja).

Đối với những vườn cam đang kinh doanh (đang cho thu hoạch quả) cần phải dựa vào năng suất, chất lượng và mẫu mã quả để có biện pháp bón phân cho cân đối và hợp lý. Ví dụ nếu bón thừa đạm quả cam sẽ có vỏ dầy, chín muộn, có vị chua thì cần phải giảm bón đạm.

Nếu quả chua nhiều xơ, khi chín có mầu xám tối là biểu hiện của hiện tượng thiếu lân thì cần tăng lượng phân lân bón trong vụ tới. Nếu đất thiếu can xi và man gan thì vỏ quả sần sùi, khi chín xuất hiện các đốm mầu xanh xen kẽ mầu vàng... thì cần bón thêm phân hoặc phun phân bón lá có hàm lượng can xi và ma gan cao hơn so với các vườn khác.

Bên cạnh đó, nếu đất trồng cam bị chua sẽ hạn chế khả năng hấp thụ các nguyên tố vi lượng trong đất, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, chất lượng và mẫu mã quả thì cần bón bổ sung vôi bột nhằm làm giảm độ chua của đất và tăng hàm lượng can xi cho cây...

Một định hướng có ý nghĩa quan trọng là cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm rải vụ chín của cây cam sành, kéo dài thời gian thu hoạch từ 3 - 4 tháng. Đó là tác động các biện pháp kỹ thuật (như chế độ tưới nước, bón phân, tác động cơ lý vào phần rễ...) làm cho cam ra hoa và chín rải vụ (biện pháp này đã được áp dụng thành công ở một số vùng trồng cam trong nước như tại Nghệ An và Đồng bằng sông Cửu Long...).

Không được dùng hoá chất để ức chế cho cây cam ra hoa và chín muộn, vì biện pháp này đã bộc lộ những mặt bất cập tại một số tỉnh trồng cam.

Công tác bảo vệ thực vật trên cây cam sành

Các loài dịch hại trên cây cam sành không những ảnh hưởng tới năng suất mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới mẫu mã và chất lượng quả của cây cam sành.

Các nhóm côn trùng chích hút (như bọ xít xanh vai nhọn, rầy chổng cánh, các loài rệp muội, rệp sáp...), nhất là bọ xít xanh vai nhọn khi hại quả sẽ gây rụng hàng loạt; các loài nhện (nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng) khi hại quả sẽ làm vỏ quả sần sùi hoặc xám đen, khi chín mầu của vỏ quả không đồng nhất, thường có vị chua làm giảm mẫu mã và chất lượng quả. Các loài rệp khi hại quả non làm quả phát triển dị dạng, không đạt tiêu chuẩn khi bán và xuất khẩu.

Ngoài ra, trong công tác bảo vệ thực vật trên cây cam sành cần đặc biệt chú ý tới rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh (Greening) do vi khuẩn và rệp muội là môi giới lan truyền bệnh tàn lụi (Tristeja) do virus.

Hai loại bệnh này có tính lây lan nhanh chóng và mang tính huỷ diệt vườn cam mà hiện nay trên thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị. Vì vậy vấn đề phòng trừ triệt để rầy chổng cánh và rệp muội cần ưu tiên đặt lên hàng đầu ở những vùng trồng cam đã xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh và bệnh tàn lụi.

Đối với những vùng trồng cam đã xuất hiện bệnh vàng lá gân xanh và bệnh tàn lụi cần phải có biện pháp mạnh, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả để người trồng cam phải chặt bỏ và tiêu huỷ những cây cam bị bệnh vàng lá gân xanh và bệnh tàn lụi nhằm loại bỏ nguồn bệnh tránh lây lan sang các vườn cam khác.

Bên cạnh đó, đối với những vườn cam đang kinh doanh (đang thu quả) nếu phát hiện những cây bị bệnh vàng lá gân xanh cần kịp thời cắt cành bệnh tiêu huỷ và có biện pháp hữu hiệu để diệt trừ rầy chổng cánh không cho tiếp xúc với cây bệnh; biện pháp này đòi hỏi có sự tham mưu và trực tiếp tham gia của cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật.

Mặt khác để hạn chế dư lượng của các loại hoá chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm cam sành, cần phải tuân thủ nghiêm nghặt thời gian cách ly đối với từng loại thuốc khi tiến hành phòng trừ sâu bệnh hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc nhanh phân huỷ, ít ảnh hưởng tới sản phẩm, con người và môi trường.

Cần triển khai rộng rãi các biện pháp dùng bẫy bả để dẫn dụ và tiêu diệt sâu hại nhằm hạn chế tới mức thấp nhất quá trình tiếp xúc của quả cam với các loại hoá chất trừ sâu bệnh (nhất là từ giai đoạn cam bước vào giai đoạn chín sinh lý từ tháng 9 dương lịch). Nghiêm cấm việc dùng các loại hoá chất để bảo quản cam sau thu hoạch dưới mọi hình thức.

Đây chính là một biện pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cam sành Hà Giang của Việt Nam cạnh tranh với cam của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực do dư lượng của các loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong quả.

Chỉ khi các giải pháp về kỹ thuật nêu được thực hiện đồng bộ và hiệu quả thì cam sành của Hà Giang không chỉ là loài cây ăn quả mang tính đặc sản của tỉnh mà còn chiếm ưu thế trên thị trường trong nước và Quốc tế. Và chỉ khi đó cam sành Hà Giang mới xứng tầm là cây mũi nhọn, cây chủ đạo trong phát triển kinh tế, cây làm giầu của người dân trồng cam.


Khoai Lang Và Nông Sản Rớt Giá Do Tin Đồn Khoai Lang Và Nông Sản Rớt Giá Do… Hiệu Quả Mô Hình Gieo Mạ Tập Trung Tại Xã Bằng Lang Hiệu Quả Mô Hình Gieo Mạ Tập Trung…