Giải Pháp Nào Để Bảo Vệ Mỏ Tôm Bó Củng?
Tôm Bó Củng, một loại thủy sản đặc trưng của Sông Gâm đã trở thành món ẩm thực đặc sản của người dân Bắc Mê và nhiều du khách. Hàng trăm năm qua, mỏ tôm Bó Củng đã gắn bó và giúp nhiều hộ dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nay, thủy điện về, nước dâng, hang tôm bị ngập; khai thác khoáng sản ở thượng nguồn và sạt, lở bờ sông... làm môi trường nước thay đổi nên tôm “bỏ nhà” đi hết.
Chúng tôi đến thôn Bó Củng (thị trấn Yên Phú) vào một ngày cuối tháng 2, khi nước lòng hồ của thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) đã xuống cạn để phục vụ đổ ải, gieo cấy vụ Xuân vùng hạ du, trả lại hình hài nguyên vẹn cho dòng Gâm. Không biết từ bao giờ, cái thôn nhỏ bé này có tên là Bó Củng, nhưng theo tiếng địa phương nơi đây, Bó Củng có nghĩa là “hang tôm”, hay “mỏ tôm”; điều đó minh chứng rằng mỏ tôm này đã gắn bó rất lâu đời và gần gũi với người dân nơi đây.
Nhiều người dân trong thôn trầm ngâm nhìn về phía dòng sông trăn trở rằng: Họ sinh ra đã gắn bó với nghề đánh bắt tôm; trước đây, tôm nhiều vô kể, mỗi ngày có thể bắt được cả mấy chục cân, thả đó xuống đặt là tôm vào đầy, cả làng thay phiên nhau đi bắt mà không hết. Nhưng bây giờ, đặt đó cả đêm cũng chỉ đủ cho trẻ con trong nhà cải thiện bữa ăn...
Với giá từ 300-350 ngàn đồng/kg tôm Bó Củng như hiện nay, nếu tôm nhiều như trước thì người dân Bó Củng chắc sẽ “giàu to”.
Theo quan sát của chúng tôi, nơi mà người dân gọi là mỏ tôm ấy là một khe nước ngầm nhỏ, chiều ngang chỉ lớn hơn sải tay, nước rất trong và mát, chảy quanh năm. Loài tôm đặc biệt này từ phía sông Gâm đua nhau bơi vào khe nước, người dân thay phiên nhau đánh bắt (mỗi gia đình bắt một ngày) nhưng chẳng bao giờ hết.
Nhiều người già trong thôn khi được hỏi về cái nghề đặt đó tôm này vẫn không thể lý giải được vì sao tôm vào khe nước ngầm này nhiều đến thế. Tôm Bó Củng là loại tôm đặc biệt: Có mình to nhưng càng ngắn, bé, có màu hồng, ăn rất thơm, ngon. Sông Gâm đã từng là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản quý hiếm như cá Dầm Xanh, Anh Vũ, Bỗng và cả tôm Bó Củng.
Thực tế hiện nay, các loại thủy sản này đang ngày càng hiếm và có nguy cơ biến mất. Người ta đưa ra hàng chục nguyên nhân để lý giải cho sự biến mất của các loại thủy sản quý hiếm này như: Đánh bắt tận thu khiến cho nguồn thủy sản cạn kiệt, không có biện pháp bảo tồn, phát triển; thậm chí tình trạng dùng kích điện để đánh bắt thủy sản vẫn còn xuất hiện...
Tuy nhiên, có một lý do về môi trường sinh thái mà cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận, đánh giá là từ khi công trình thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) ngăn dòng tích nước, sông Gâm (đoạn từ Na Hang đến thị trấn Yên Phú) biến thành lòng hồ, nước dâng đã làm ngập khe nước ngầm, nguồn nước ngầm trong khe bị bão hòa.
Mặt khác, tình trạng khai thác quặng ở đầu nguồn cùng với nhiều điểm sạt lở trong mùa mưa, lũ đã khiến cho sông Gâm đổi dòng chảy, môi trường nước bị thay đổi và có nguy cơ bị ô nhiễm...Loại tôm đặc biệt này nhận ra đây không còn là môi trường sống lý tưởng như trước nên “kéo nhau” bỏ đi.
Về vấn đề bảo tồn mỏ tôm Bó Củng, lãnh đạo huyện Bắc Mê và các ban, ngành liên quan đã có nhiều cuộc trao đổi, tìm giải pháp bảo vệ hang tôm Bó Củng nhưng chưa hiệu quả.
Được biết, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước cũng đã tổ chức hội thảo tại tỉnh Cao Bằng để phân tích tình hình và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực sông Lô – Gâm, đây được xem là giải pháp khả thi, hy vọng cải tạo nguồn nước, trả lại môi trường sống tự nhiên cho các loại thủy sản trên dòng Lô – Gâm.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các giải pháp này thì khí hậu, môi trường vẫn đang diễn biến phức tạp, các loài thủy sản quý hiếm ngày càng ít đi.
Bảo vệ tôm Bó Củng, bảo vệ sự đa dạng sinh học cho dòng sông Gâm cũng là để bảo vệ cuộc sống cho chính chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ