Mô hình kinh tế Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu? Cần có sự am hiểu về đất và nguồn dinh dưỡng

Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu? Cần có sự am hiểu về đất và nguồn dinh dưỡng

Ngày đăng 26/10/2015

Giải pháp nào phát triển bền vững ngành hồ tiêu? Cần có sự am hiểu về đất và nguồn dinh dưỡng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Chơn thì Tây Nguyên và Đông Nam bộ là vùng hồ tiêu trọng điểm của cả nước (diện tích chiếm trên 50% so với cả nước), vì đây là 2 vùng sinh thái nông nghiệp có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu so với các vùng sinh thái nông nghiệp khác.

 

Một số hộ dân sử dụng sản phẩm phân vi sinh để bón cho vườn tiêu của gia đình.

Vì lợi ích trước mắt, việc phát triển diện tích hồ tiêu một cách ồ ạt và tự phát, thiếu sự quy hoạch hợp lý và chiến lược lâu dài, thì các hệ lụy tiêu cực chắc chắn sẽ xảy ra-không chỉ riêng cho người trồng tiêu, mà còn ảnh hưởng xấu đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển về kinh tế-xã hội của quốc gia.

Trước thực trạng trên, ông cũng đã có một số khuyến cáo cụ thể.

Trước tiên, đối với cấp quản lý nhà nước, đặc biệt là cấp chính quyền địa phương ở những vùng trồng hồ tiêu lớn, cần có những chính sách và biện pháp mạnh, đủ tính răn đe nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện về kinh tế-xã hội hiện tại của người trồng hồ tiêu, nhằm quản lý chặt chẽ và ngăn ngừa việc phát triển diện tích hồ tiêu như hiện nay.

Còn nữa, cần những chính sách phù hợp và khuyến cáo nông dân không nên chặt cây trồng khác (ví dụ như cây cao su) để trồng hồ tiêu.

“Nếu chúng ta thực hiện tốt những điều này, tôi tin rằng cây hồ tiêu trong tương lai sẽ không như trường hợp của cây cao su hôm nay”-ông Chơn nói.

Với người trồng hồ tiêu, không vì cái lợi trước mắt mà liều mình trong “canh bạc” trồng hồ tiêu.

Chi phí đầu tư cho cây tiêu là rất lớn, hồ tiêu là cây lâu năm, cũng phải cần 3 - 5 năm mới cho năng suất và thu hồi vốn đầu tư.

Hơn nữa, hiện có không ít người trồng tiêu còn mù mờ trong các biện pháp canh tác như: nguồn giống tốt, sạch bệnh và năng suất cao; cần thấu hiểu các đặc tính về đất, dinh dưỡng trong đất và nhu cầu dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây tiêu, cần có đủ nguồn nước tưới trong mùa khô, biện pháp bảo vệ đất và duy trì sức sản xuất của đất, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hợp lý, phòng ngừa các loại nấm gây bệnh nan giải cho cây hồ tiêu như hiện nay là bệnh chết nhanh, chết chậm.

Về mối quan hệ trong chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững, Tiến sĩ Chơn cho biết: Trong chuỗi sản xuất một mặt hàng nông sản nào, từ lâu chúng ta đã có quan điểm liên kết 3 nhà: Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông.

Sau này là sự liên kết 4 nhà, đó là thêm nhà doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản xuất các mặt hàng nông sản.

Là doanh nghiệp, việc đặt lợi nhuận trong kinh doanh lên hàng đầu là điều tất yếu.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đặt lợi nhuận doanh nghiệp cùng với lợi ích, thu nhập của nông dân thì đây là mối quan hệ lợi nhuận hoàn hảo và bền vững.

Cũng theo Tiến sĩ Chơn thì nhu cầu phân bón cho ngành sản xuất trồng trọt ở Việt Nam ngày càng cao.

Diện tích hồ tiêu phát triển đột biến và người trồng tiêu sẵn sàng đầu tư cao, theo đó nhu cầu phân bón cho cây hồ tiêu cũng tăng.

Hiện trên thị trường tồn tại song song 2 loại hình doanh nghiệp phân bón: phân bón đảm bảo chất lượng tốt và phân bón không đảm bảo chất lượng và thành phần dinh dưỡng (chưa kể các loại hình phân bón giả với giá rẻ hơn nhiều so với các loại phân bón có chất lượng tốt).

“Tôi xin lấy ví dụ một vài doanh nghiệp phân bón lớn, có chất lượng tốt hiện đang có mặt ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ như: Bình Điền, Tiến Nông, Năm Sao…

Sản phẩm phân bón chất lượng tốt trước tiên cần hội đủ các yếu tố như: có nguồn nguyên liệu sản xuất phân tốt và đảm bảo đúng thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì;

Quy trình sản xuất phân hiện đại và ứng dụng công nghệ cao, có hội đồng khoa học cố vấn chuyên môn về đất và phân bón và có quá trình nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đến đồng ruộng của từng sản phẩm phân bón mới trước khi đưa ra thị trường.

Doanh nghiệp phân bón có chất lượng tốt, thường tạo ra các sản phẩm phân bón phối hợp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng phù hợp cho từng đợt bón phân với từng loại cây trồng.

Đồng thời cần kết hợp với các cơ quan truyền thông và nhà khoa học để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các kỹ thuật canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.

Từ vấn đề này, theo tôi chúng ta nên có mối liên kết 5 nhà, đó là thêm nhà truyền thông”-Tiến sĩ Chơn khẳng định.


Đắk Lắk có 23 đơn vị tham gia đánh giá chứng nhận UTZ Đắk Lắk có 23 đơn vị tham gia… Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh vụ 2015-2016 giá mua mía tối đa là 1.040.000 đồng/tấn 10 CCS Nhà máy đường Biên Hoà Tây Ninh vụ…