Mô hình kinh tế Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt!

Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt!

Ngày đăng 07/09/2015

Giải quyết ô nhiễm từ hoạt động chế biến và nuôi trồng thủy sản cần giải pháp căn cơ và quyết liệt!

BR-VT cần tập trung vào việc quy hoạch khu nuôi thủy sản lồng bè để tổ chức nuôi trồng một cách bài bản và dễ quản lý.

Nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.

Ô nhiễm kéo dài Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 244 cơ sở hoạt động liên quan đến lĩnh vực gia công, sơ chế, chế biến hải sản, tập trung tại các khu vực như xã Tân Hải (huyện Tân Thành), Cửa Lấp (phường 12, TP. Vũng Tàu) và các xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh (huyện Long Điền); xã Lộc An (huyện Đất Đỏ)…

Trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng ô nhiễm ở khu chế biến hải sản xã Tân Hải (huyện Tân Thành). Xã Tân Hải hiện có 22 cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động, trong đó có 14 cơ sở xả nước thải trực tiếp vào đầm tiếp nhận trước cống xả số 6. Từ năm 2008 trở về trước, các cơ sở chế biến hải sản khu vực này chủ yếu xử lý nước thải bằng các phương pháp lắng lọc sơ bộ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Năm 2009, các ngành của tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đến nay 22 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường tại đầm chứa nước trước cống xả số 6 vẫn chưa được khắc phục.

Do bị ô nhiễm nặng nên nước thải từ đầm theo các pha triều xuống chảy qua cống xả số 6 ra sông Rạch Ván và đổ vào sông Chà Và, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong khu vực và hoạt động nuôi cá lồng bè phía hạ lưu sông Chà Và. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ tác động lớn đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản tại khu vực hạ lưu.

Theo kết quả kiểm tra và đánh giá của Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), nguồn nước sông Chà Và bị ô nhiễm chủ yếu bắt nguồn từ nước xả thải của các nhà máy chế biến thủy sản tại xã Tân Hải, từ hoạt động khai thác cát tại cửa Vịnh Gành Rái và do ô nhiễm môi trường cục bộ tại các vùng nuôi (thức ăn thừa, chất thải sinh hoạt do các hộ nuôi thực hiện phương pháp nuôi chưa hợp lý, khoa học, các lồng bè phát triển nhanh, tự phát, tập trung dày đặc).

Đề xuất các giải pháp lâu dài

PGS -TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kiêm Trưởng khoa Môi trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, BR-VT là tỉnh ven biển có nền kinh tế phát triển với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực như du lịch, cảng biển, đánh bắt, khai thác và chế biến thủy sản…

Trong đó, ngành chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mạnh của BR-VT. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần tập trung vào việc quy hoạch khu nuôi thủy sản lồng bè. Đây là việc làm cần thiết để tổ chức vùng nuôi thủy sản một cách bài bản, hiệu quả và để cơ quan chức năng dễ quản lý.

Bên cạnh đó, sớm triển khai di dời các cơ sở chế biến thủy sản đến các khu chế biến thủy sản tập trung theo lộ trình quy hoạch chế biến thủy sản của tỉnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, BR-VT cần cương quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; buộc tháo dỡ các cơ sở chế biến thủy sản phát sinh mới chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 nhà máy chế biến bột cá, trong đó huyện Tân Thành có 10 nhà máy, huyện Đất Đỏ có 4 nhà máy và TP. Bà Rịa có 1 nhà máy. Các đơn vị sản xuất bột cá mỗi ngày thải ra khoảng 1.000 tấn nước thải gây ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm khí thải, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong lĩnh vực chế biến hải sản và nuôi trồng thủy sản, việc chế biến bột cá có tác động xấu đến môi trường xung quanh và sức khỏe cộng đồng. “Bài toán về tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường lâu dài mà Sở TN-MT đang tính đến là dừng toàn bộ hoạt động sản xuất bột cá của 15 cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu các chính sách giúp các cơ sở này chuyển đổi công năng, đồng thời hỗ trợ di dời vào cụm chế biến hải sản tập trung” - bà Lê Thị Công nói.

Bên cạnh các giải pháp di dời các cơ sở chế biến hải sản vào khu tập trung; quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản, theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học TN-MT TP.

Hồ Chí Minh, một trong những giải pháp căn cơ mà BR-VT phải tính đến là phải bổ sung biên chế cán bộ chuyên trách về lĩnh vực TN-MT ở cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã) để bảo đảm đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp được quy định của Luật bảo vệ môi trường.


8 tháng khai thác trên 33.500 tấn thủy sản 8 tháng khai thác trên 33.500 tấn thủy… Dấu ấn từ một mô hình kinh tế Dấu ấn từ một mô hình kinh tế