Mô hình kinh tế Giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Chà Và cần có giải pháp quyết liệt hơn

Giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Chà Và cần có giải pháp quyết liệt hơn

Ngày đăng 05/10/2015

Giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Chà Và cần có giải pháp quyết liệt hơn

Ngày 25-9 vừa qua, Viện Môi trường - Tài nguyên đã đưa ra kết luận, nguyên nhân cá nuôi trên sông Chà Và chết là do nguồn nước bị ô nhiễm. Thông tin này không mới, nhưng vì sao sau nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để?

Đoàn thanh tra kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của DNTN Tiến Đạt (xã Tân Hải, huyện Tân Thành).

Tải lượng ô nhiễm ở cống số 6 cao nhất trong 4 nhóm nguồn thải

Trước đây, Sở TN-MT xác định có 3 nguyên nhân dẫn đến cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt là do nhiễm mặn vì khai thác cát trái phép; do xả thải từ các cơ sở chế biến hải sản; do mật độ nuôi quá dày đặc và việc sử dụng nguồn thức ăn là cá tạp bị ươn thối, dễ phân hủy gây ô nhiễm và lắng đọng bên dưới.

Từ đầu năm 2014, Sở TN-MT đã đóng cửa các mỏ khai thác cát trên sông Chà Và nhưng cá vẫn tiếp tục bị chết. Chi cục Thú y tỉnh cũng công bố mẫu cá không có dấu hiệu bệnh tính trên cơ thể, không có xuất huyết và không có dấu hiệu bất thường từ nội tạng.

Tại cuộc họp tìm hiểu nguyên nhân cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết diễn ra ngày 25-9 vừa qua, Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước trên sông Chà Và.

Kết quả cho thấy, nguồn nước bị ô nhiễm từ 4 nhóm nguồn thải gồm: nước thải từ khu vực cống số 6; nước thải từ hoạt động nuôi trồng của các lồng bè; nước thải từ các ao đầm và nước thải sinh hoạt.

Trong số đó, tải lượng nước thải gây ô nhiễm từ các nhà máy chế biến hải sản ở Tân Hải thải ra ở khu vực cống số 6 chiếm tới 71,26%, cao nhất trong 4 nhóm nguồn thải.

Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy, tổng thiệt hại của người nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và từ ngày 6-9 đến nay ước tính hơn 17 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các bè nuôi trên sông Chà Và.

Tính từ năm 2008 trở lại đây, vào tháng 8 đến tháng 11 hàng năm luôn xảy ra hiện tượng cá chết.

Bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết thêm, riêng năm 2014, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Hầu hết các hộ nuôi cá bị chết chủ yếu nằm gần khu vực cống số 6.

Nhận định của hộ nuôi trồng thủy sản cũng cho thấy, hiện tượng cá chết nhanh và hàng loạt trong một thời gian ngắn như các vụ vừa qua chỉ có thể là do ô nhiễm nguồn nước.

Bởi đầu nguồn các con sông là hàng chục nhà máy, cơ sở chế biến hải sản (thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành) đang hoạt động và xả nước thải ra môi trường.

Vào mùa mưa, lượng nước mưa chảy về hạ nguồn lớn cũng là dịp các cơ sở này lợi dụng để tăng cường xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.

Bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong số 22 DN chế biến hải sản khu vực xã Tân Hải (huyện Tân Thành), hầu hết các cơ sở này đều đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải.

Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi không kiểm tra thì họ lén lút xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Bên cạnh đó, một số DN né tránh bằng cách cho nhà máy ngưng hoạt động trong ngày kiểm tra… Do đó, tình trạng ô nhiễm ở cống số 6 vẫn tồn tại trong nhiều năm qua. Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở sông Chà Và.

Do ô nhiễm nguồn nước nên cá nuôi trên sông Chà Và bị chết hàng loạt.

Sớm triển khai quy hoạch

Theo Sở TN-MT, tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu chế biến hải sản Tân Hải kéo dài trong thời gian qua đến nay chưa được khắc phục triệt để là do trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan.

Trước hết là do ý thức chấp hành quy định của pháp luật về môi trường của các DN thấp, không quan tâm đến xử lý chất thải mà chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, lợi nhuận, do đó làm cho khu vực này bị ô nhiễm kéo dài, đến nay chưa được khắc phục triệt để.

Ngoài ra, trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan: quản lý quy hoạch (chưa quy hoạch khu vực này để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, trong đó có các hạng mục đầu tư về bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn); quản lý về đất đai (chưa kịp thời ngăn chặn việc các DN sử dụng đất không đúng mục đích); quản lý, cấp phép đầu tư (chưa kiểm soát chặt chẽ tình hình đầu tư);

Quản lý về xây dựng, chính quyền địa phương (không kịp thời cương quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng không phép, dẫn đến nhiều DN tự đầu tư, xây dựng không phép tại khu vực này);

Quản lý môi trường, tài nguyên nước và lực lượng cảnh sát môi trường (việc kiểm soát xả thải chất thải của các DN còn hạn chế).

Một vấn đề khác cũng được các cơ quan chức năng lưu ý là ngoài lượng nước thải từ khu vực cống số 6 gây ô nhiễm, còn có đến 19,28% tải lượng nước thải do chính việc nuôi trồng ở các lồng bè không đúng khoa học.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, hiện số lượng nuôi thủy sản lồng bè tại khu vực sông Chà Và đã tăng lên rất nhiều, rất khó kiểm soát và phân bố dày đặc 2 bên cầu.

Nếu năm 2012 chỉ có 81 cơ sở nuôi cá lồng bè với số lượng 2.670 lồng bè thì đến năm 2013 tăng lên 119 hộ nuôi với 3.059 lồng bè và đến tháng 9-2014 đã tăng lên 193 hộ nuôi với 4.615 lồng bè.

Sự phát triển này mang tính tự phát, chưa thực sự bền vững, các hộ nuôi cũng chưa có ý thức trong việc sử dụng các hóa chất, xả thức ăn cặn bã ra môi trường.

Nhiều chuyên gia e ngại rằng, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay, trong tương lai không xa, sông Chà Và sẽ trở thành dòng sông “chết” và không thể nuôi trồng bất cứ loại thủy, hải sản nào.

Lúc đó nghề nuôi cá bè ở Long Sơn khó có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề ô nhiễm, nghề nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và sẽ khó tồn tại và phát triển. Trong ảnh: Hộ ông Hồ Thanh Hùng nuôi tôm trong lồng bè trên sông Chà Và.

Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để việc nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và phát triển một cách bền vững, hạn chế những tác động xấu ảnh hưởng đến vật nuôi.

Ngày 26-1-2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu nuôi thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đến năm 2020.

Và theo lộ trình quy hoạch chế biến thủy sản đến năm 2020 đã được phê duyệt, UBND tỉnh đang có chủ trương di dời các cơ sở chế biến hải sản tại khu vực Tân Hải về khu chế biến hải sản tập trung Gò Ông Sầm (phường 12, TP. Vũng Tàu).

Bà Lê Thị Công đề nghị, trong khi chờ quy hoạch khu chế biến hải sản tập trung ở Gò Ông Sầm, Cảnh sát môi trường cần có biện pháp trinh sát để có chứng cứ buộc cơ sở chế biến hải sản không thực hiện Luật Bảo vệ môi trường phải đóng cửa vĩnh viễn.

Ông Hồ Thanh Hùng, chủ bè nuôi thủy sản tại sông Chà Và cho biết, người dân nuôi thủy sản tại sông Chà Và đồng tình với chủ trương của tỉnh và sẵn sàng di chuyển về vùng quy hoạch để nuôi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc ô nhiễm nguồn nước, đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi có cách nuôi khoa học, bài bản vừa mang lại nguồn lợi kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.


Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ heo giống của huyện Bến Lức Long An Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ heo… Độc đáo nghề rùng cá Độc đáo nghề rùng cá