Mô hình kinh tế Giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng lòng tin của người dân

Giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng lòng tin của người dân

Ngày đăng 26/11/2015

Giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng lòng tin của người dân

Xung quanh các nội dung này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

Ông Trần Việt Hùng khẳng định:

Sau 3 năm thực hiện đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách (Đề án) và 2 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng CSXH (Chương trình phối hợp) đã góp phần tăng dư nợ, giảm nợ quá hạn, giảm khoảng cách giàu nghèo, tăng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước…

Ông có thể khái quát những kết quả cụ thể sau 3 năm thực hiện Đề án và 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng CSXH?

- Đề án bước đầu đã thực hiện thành công với những con số ấn tượng thể hiện ở tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31.10.2015 là 16.278 tỷ đồng, với gần 700.000 hộ còn dư nợ, tăng 4.883 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96%, trong khi tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc là 7,76%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương khu vực Tây Nguyên; xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư; phát huy sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể; lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước tăng lên.

Những kết quả rõ nét về tín dụng chính sách khu vực Tây Nguyên đã thể hiện rõ trong báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo khẳng định: Tín dụng chính sách là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.

Thưa ông, kết quả thực hiện Đề án và Chương trình phối hợp thể hiện như thế nào đối với nhận thức của người dân, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và Ngân hàng CSXH?

- Nhận thức của người dân về tín dụng chính sách được nâng lên và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác để từ đó giúp nâng cao chất lượng tín dụng và quản lý vốn vay.

Trước khi thực hiện Đề án, nợ quá hạn ở khu vực Tây Nguyên của Ngân hàng CSXH cao hơn bình quân chung của toàn quốc và tiềm ẩn nợ quá hạn có chiều hướng gia tăng.

Tổng dư nợ cho vay ở khu vực Tây Nguyên lúc đó chiếm tỷ trọng 11% dư nợ toàn quốc của Ngân hàng CSXH, trong khi đó tổng số nợ quá hạn chiếm 13,2% nợ quá hạn của toàn quốc.

Qua 3 năm thực hiện Đề án và 2 năm Chương trình phối hợp, tỷ lệ nợ quá hạn đã xuống thấp bằng bình quân chung của toàn hệ thống và giữ ổn định từ giữa năm 2014 đến nay.

Công tác phối hợp giữa các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai và chất lượng, qua đó nâng cao được trách nhiệm quản lý, giám sát sử dụng vốn vay; khách hàng đã ý thức được có vay, có trả, chấp hành khá tốt quy định nộp tiền lãi và gửi tiền tiết kiệm…

Để đạt được những kết quả đó, chắc chắn đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra?

- Có 4 kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra sau 3 năm thực hiện Đề án và 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp.

Thứ nhất là sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cấp uỷ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và đặc biệt là cấp xã.

Ban chỉ đạo yêu cầu đưa hoạt động tín dụng chính sách thành công việc thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ địa bàn…

Thứ hai, vai trò tích cực, trách nhiệm của tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác và Ban quản lý tổ TKVV trong việc bám sát cơ sở, đôn đốc người vay chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ và thường xuyên giúp đỡ hộ vay trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả.

Thứ ba, quan tâm và làm tốt việc xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan cho người dân, kịp thời, đúng chính sách quy định.

" Nhờ đẩy mạnh phối hợp giữa Ban chỉ đạo, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh trong vùng, Ngân hàng CSXH đã được quan tâm, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tính đến hết tháng 10, tổng số vốn hỗ trợ của địa phương là 974,5 tỷ đồng, bình quân mỗi tỉnh đạt 81,2 tỷ đồng.

Đây là việc làm hết sức thiết thực để tăng sức mạnh của tín dụng chính sách…” . Ông Trần Việt Hùng

Thứ tư, việc phối hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn và các hội, đoàn thể với công tác cho vay vốn của Ngân hàng CSXH là yếu tố cơ bản giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát được nghèo và trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Thưa ông, nội dung trọng tâm chương trình phối hợp giữa Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng CSXH trong thời gian tới là gì?

- Chương trình đặt trọng tâm giúp 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do Ngân hàng CSXH cung cấp.

Mục tiêu đề ra là các địa phương sẽ hỗ trợ về nguồn vốn mỗi năm thêm ít nhất 10% để đến năm 2017 toàn vùng có số dư nguồn vốn địa phương bình quân mỗi tỉnh 80 tỷ đồng.

Cùng với đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn của vùng Tây Nguyên ổn định, giảm lãi tồn đọng, và tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ TKVV, tăng số dư tiền gửi của tổ viên tổ TKVV.

Xin cảm ơn ông!


Bón lân nung chảy Lâm Thao cho lúa trên đất phèn Bón lân nung chảy Lâm Thao cho lúa… Quế Long tận dụng thế mạnh con đặc sản Quế Long tận dụng thế mạnh con đặc…