Giảm lượng giống gieo sạ, tăng năng suất và lợi nhuận cho người trồng lúa
Cơ giới hóa trong canh tác lúa, đặc biệt là ứng dụng gieo cấy bằng máy đang được ngành nông nghiệp hỗ trợ và khuyến cáo nông dân áp dụng.
Ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa để trong khâu gieo sạ, sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững và đạt hiệu quả cao, ngày 8/6, tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tọa đàm “Ứng dụng cơ giới hóa để giảm lượng gieo sạ trong sản xuất lúa”.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đến từ Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đều cho rằng hiện nay, cơ giới hóa trong canh tác lúa, đặc biệt là ứng dụng vào khâu gieo cấy đang được ngành nông nghiệp hỗ trợ và khuyến cáo nông dân áp dụng. Cơ giới hóa khâu gieo cấy, không chỉ góp phần gia tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa, mà còn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn của cả nước. Qua khảo sát thực tế, lượng giống gieo bình quân khoảng 150 kg/ha, nhu cầu lượng giống hàng năm gần 600 nghìn tấn/vụ cho khoảng 4 - 4,2 triệu ha.
Hiện nông dân đã nhận thức được lợi ích của các chương trình khuyến cáo của ngành nông nghiệp về vấn đề sử dụng lượng giống trong gieo sạ. Ông Đoan so sánh, năm 2015, lượng giống gieo sạ dưới 100 kg/ha chỉ dưới 5%, lượng giống gieo sạ 100 – 150 kg/ha chiếm khoảng 35 – 40% và còn lại gieo sạ trên 150 kg/ha, thậm chí có những địa phương sử dụng đến 250 – 300 kg, nhất là cả tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Qua 4 năm sau thực hiện chương trình giảm lượng giống gieo sạ, đến năm 2019, lượng giống gieo sạ từ 80 – 100 kg chiếm khoảng 10 – 15%, lượng giống gieo sạ 100 – 150 kg chiếm 50 – 70%, gieo sạ trên 150 kg/ha đã giảm đáng kể.
Theo ông Đoan, nếu sử dụng khoảng 80 kg/ha, nông dân có điều kiện sử dụng giống lúa có chất lượng cao ở cấp xác nhận từ 70% trở lên, chi phí đầu tư giảm từ 3 – 4 triệu/ha, lợi nhuận tăng thêm 5 – 6 triệu đồng/ha. Thêm vào đó, nếu gieo trồng đúng mật độ sẽ giúp cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao và năng suất ổn định; từ đó, hạt lúa đồng đều hơn, chi phí sản xuất giảm, khả năng cạnh tranh cao hơn.
Việc ứng dụng máy cấy, máy sạ hàng có thể giảm 60 – 70% lượng giống, giảm 15 – 20% phân bón, giảm 30 – 40% thuốc BVTV, tăng năng suất 10 – 12% (tương đương 5 – 7 tạ/ha).
Ông Ngô Văn Đây, Phó Văn phòng Thường trực tại Nam bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cơ giới hóa sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu xuống giống chỉ đạt 5%. Trong thời gian gần đây, có nhiều sản phẩm cơ giới có thể hỗ trợ trong việc gieo sạ lúa như máy cấy, thiết bị bay không người lái, bình phun xịt tự động, máy sạ hàng…
Việc ứng dụng cơ giới như máy cấy, máy sạ hàng có thể giảm được khoảng 60 – 70% khối lượng giống, giảm 15 – 20% phân bón, giảm 30 – 40% thuốc BVTV, tăng năng suất 10 – 12% (tương đương 5 – 7 tạ/ha). Đặc biệt, việc cấy lúa bằng máy sẽ góp phần tăng khả năng chống chịu với điều kiện khí hậu cực đoan như hiện nay.
“Hiện nông dân ưu tiên lựa chọn các giống lúa ngắn ngày, nhưng khi sử dụng máy cấy cần chọn giống có thời gian sinh trưởng trên 95 ngày. Mặt khác, mạ cấy lý tưởng là 10 – 13 ngày tuổi, bình quân khay mạ sử dụng từ 180 – 200 gram lúa. Mật độ cấy từ theo giống lúa và điều kiện thâm canh nhưng cần đảm bảo bụi cách bụi trên hàng từ 16 - 18 cm trở lên, 18 - 25 khóm/m2. Bón phân tuân thủ “nặng đầu, nhẹ cuối”, 70% lượng đạm tập trung lúa ở giai đoạn từ 12 – 20 ngày tuổi sau cấy” ông Đây lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ