Mô hình kinh tế Gian Nan Thử Sức

Gian Nan Thử Sức

Ngày đăng 16/07/2014

Gian Nan Thử Sức

Có thể nói, 2014 được xem là năm nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế tỉnh ta. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011- 2013 đạt thấp so với mục tiêu kế hoạch, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hạn chế, nợ đọng trong xây dựng cơ bản nhiều…

Song, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành Trung ương cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, chúng ta cơ bản hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm, các loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê... đều có kết quả phát triển tích cực. Trong ảnh: Nông dân xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng thu hái cà phê. Ảnh: P.V

Duy trì tốc độ tăng trưởng

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn song kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được sự phát triển, đúng hướng, tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,18%, là mức tăng khá so với bình quân chung của cả nước (5,18%).

Trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,92%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,29%; dịch vụ tăng 10,42%. Tổng thu ngân sách địa phương tăng 8,74%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 5,36% so với cùng kỳ và tăng 1,79% so với tháng 12/2013.

Có thể thấy rằng: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014 (8,18%) cao hơn cùng kỳ năm 2013 (7,58%); xu hướng tăng này là tín hiệu khả quan để tỉnh ta phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm cao hơn năm trước (năm 2013 đạt 8,55%; mục tiêu năm 2014 đạt 9,52%). Điều đó càng ý nghĩa hơn khi so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành: nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Trong đó, tăng trưởng GDP của nhóm ngành dịch vụ vừa cao hơn cùng kỳ năm trước, vừa cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, thể hiện đây là xu hướng tích cực, phù hợp với thời kỳ mở cửa, hội nhập hiện nay.

Cùng với đó, chỉ số giá cả hàng hóa tăng không cao (bình quân 6 tháng tăng 5,36% so với cùng kỳ năm 2013) trong khi lượng hàng hóa và dịch vụ vẫn đạt mức tăng khá (8,47%) đã cho thấy dấu hiệu phát triển tích cực của thị trường 6 tháng đầu năm.

Một chuyển biến tích cực thời gian qua là tỉnh ta tiếp tục tăng cường công tác quảng bá như: Xây dựng các tài liệu, ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh, xây dựng trang thông tin điện tử, danh mục đầu tư. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến; trong đó năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 tăng 20 bậc lên vị trí 43 đã góp phần cải thiện môi trường, thu hút đầu tư.

6 tháng đầu năm, tỉnh đã chấp nhận 4 chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh 3 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.632 tỷ đồng (gồm: thủy điện Nậm Mức, thủy điện Lông Tạo, thủy điện Sông Mã 3); đã có 47 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 107,18 tỷ đồng; 8 hợp tác xã thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6,6 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thế mạnh của tỉnh là kinh tế nông nghiệp, vụ đông xuân 2013 - 2014, diện tích gieo cấy đạt 8.475,75ha (tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 100,65% kế hoạch); năng suất bình quân đạt 59,77 tạ/ha (tăng 4,71 tạ/ha); sản lượng ước đạt 50.658,5 tấn (tăng 5.168 tấn). Các loại cây lương thực khác, cây công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản đều có kết quả phát triển tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm đã có thêm 26 xã phê duyệt quy hoạch chung, nâng tổng số xã đã phê duyệt quy hoạch nông thôn mới lên 91/116 xã (đạt 78,44%); có 8/116 xã phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới (đạt 6,9%).

Thực hiện Đề án 79, đã có 3 điểm bản cơ bản thi công hoàn thành các công trình hạ tầng và tổ chức di chuyển sắp xếp được 47 hộ dân đến nơi ở mới.

Trong bối cảnh phải căng sức tập trung phát triển KT - XH, tỉnh ta tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức trên 50 hoạt động, sự kiện chào mừng, góp phần làm nên thành công của Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 60 năm Chiến  thắng Điện Biên Phủ.

Sự kiện chính trị này góp phần tăng lượng khách du lịch đến Điện Biên, đạt 263,4 nghìn lượt (tăng 38,6% cùng kỳ năm 2013 và đạt 59,86% kế hoạch năm); doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 315,5 tỷ đồng (tăng 51,6%).

Tiếp tục chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm

Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, định hướng và thể chế hóa của HĐND, điều hành quản lý của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế; trong đó, kinh tế tuy tăng trưởng ở mức khá (8,18%) nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.

Điều đó cũng có nghĩa, để hoàn thành mục tiêu cả năm 2014 đạt tăng trưởng 9,52%, trong 6 tháng cuối năm phải đạt 10,86%. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi 6 tháng còn lại là thời gian nước rút để các cấp, các ngành hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2014 và tạo đà quan trọng hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch của cả nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong điều kiện dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn.

Bởi vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trước hết cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch; chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách đồng thời kiểm soát chi, tiết kiệm, chống lãng phí; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên tu sửa các công trình thủy lợi, phòng chống mưa lũ năm 2014 đồng thời chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ đông xuân 2014 - 2015, tích cực áp dụng KHCN, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ các đối tượng chính sách; nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Một trong những nguyên nhân khiến mức tăng trưởng kinh tế chậm xuất phát từ tình trạng khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù Chính phủ và tỉnh đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp có đứng vững, phục hồi, lớn mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng thu ngân sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Do đó, phải đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, tiếp cận vốn, giải phóng mặt bằng... 

Để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chúng ta phải có nguồn lực. Thế nhưng, nguồn lực nên bắt nguồn từ đâu? Trước hết, phải từ tư duy sáng tạo, đổi mới. Các cấp, các ngành, mỗi tập thể, cá nhân đổi mới tư duy trên tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Mạnh dạn đổi mới nhưng không phiêu lưu; sáng tạo nhưng không viển vông; nói đi đôi với làm chứ không hô khẩu hiệu, trên tinh thần bám sát đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sáng tạo, đổi mới chúng ta mới có thể khơi dậy và phát huy được những nguồn lực nội tại và thu hút đầu tư.


Nuôi Cá Tra Bán Nội Địa Nuôi Cá Tra Bán Nội Địa Nâm N’đir, Đồng Bào Dao Nỗ Lực Vươn Lên Làm Giàu Nâm N’đir, Đồng Bào Dao Nỗ Lực Vươn…