Giao Thông Khó Khăn - Hàng Nông Sản Ở Kỳ Sơn Bị Ép Giá
Khi tiết trời chuyển sang đông cũng là lúc “chợ di động” thu mua nông sản ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) nhộn nhịp. Những mặt hàng như ngô, bí xanh, khoai sọ, gừng… theo dòng xe vận tải đi khắp vùng miền đất nước, thậm chí còn xuất bán sang cả các nước châu Âu. Tuy nhiên, do khó khăn về giao thông, các mặt hàng nông sản đang bị tư thương ép giá.
Mùa này về rẻo cao Kỳ Sơn, chúng tôi gặp khá nhiều “chợ di động” thu mua nông sản nằm ở dọc QL7 tấp nập cả ngày lẫn đêm. Tại các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Thị trấn Mường Xén đều có các điểm thu mua ngô và bí, gừng… ô tô vận tải lớn nhỏ thu mua hàng vào ra liên tục. Tại đây, nhiều người dân ở các xã gần Thị trấn Mường Xén như Hữu Lập, Tà Cạ, Hữu Kiệm… tự “thồ” hàng nông sản ra bán trực tiếp cho đại lý để đỡ khâu thuê vận chuyển, môi giới trung gian.
Bản Cánh, xã Tà Cạ đang mùa thu hoạch ngô, bí. Thủy điện Bản Cánh nước dâng ngập lút trong khi cây cầu bắc qua sông chưa thi công xong, nhiều dân bản phải dùng phao bơi qua sông để thu hoạch ngô. Anh La Văn Hùng ở bản Cánh, nói: “Mỗi chuyến vận chuyển bằng phao cũng được 50 kg ngô bắp, thu hoạch được từng nào chúng tôi chở bằng xe máy ra các điểm thu mua ở Thị trấn Mường Xén bán ngay. Nếu mình vận chuyển ra cũng bán được 3.000 đồng/kg ngô bắp, nếu họ vào thu mua thì bị ép giá, chỉ trả 2.200 - 2.500 đồng/kg. Anh Hùng nhẩm tính: “Nhà tôi thu hoạch được khoảng 1 tấn ngô, nếu tự chở ra bán sẽ được 30 triệu đồng, nếu để tư thương vào mua thì bị “ép” mất từ 8 - 10 triệu đồng, trong khi chi phí mình tự chở chỉ mất trên 1 triệu đồng”. Ông Vừ Nả Chá - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ tâm sự: Toàn xã có trên 250 ngô, mấy năm nay thấy được giá trị từ cây ngô, bà con đã đầu tư chăm sóc nên năng suất khá cao, đạt trên 5 tấn ngô bắp/ha. Đến thời điểm này xã thu hoạch trên 90% diện tích, nhiều bà con đã phơi ngô bắp khô chờ giá vì đầu vụ tư thương trả giá 3000 đồng/kg, cuối vụ tư thương lại ép giá chỉ còn 2.500 đồng/kg, giá như vậy là quá rẻ nên nhiều bà con chưa bán.
Men theo con đường dốc lầy lội, chúng tôi tiếp tục đi vào xã Mường Típ. Tuyến đường này được đánh giá khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn, nhiều đoạn núi bị sạt lở nên đi lại rất vất vả. Đoạn qua bản Vang Phao, Xốp Típ bị sạt lở cô lập hơn 10 ngày vừa qua. Anh Cụt Đường ở bản Xốp Tít chia sẻ: “Năm nay làm được khoảng 1,2 tấn ngô và gần 80 kg bí xanh nhưng không thể vận chuyển ra điểm thu mua được vì đường bị sạt lở. Mọi năm thu hoạch ngô để ven đường dùng xe máy chở về nhà thì nay phải mang vác “cắt rừng” tránh điểm sạt lở để đưa về nhà. Xe ô tô vận tải cũng rất ít vào thu mua, nếu có vào thì trả giá cũng rất rẻ. Do bí tiền tôi mới bán 7 tạ ngô giá 2.200 đồng/kg, số lượng còn lại chưa dám bán, đang chờ trời khô ráo đường dễ đi hi vọng tư thương sẽ nâng giá”.
Chúng tôi đi dọc các bản Ta Đo, Na My, Phà Nọi… thấy cuộc sống bà con rất khó khăn thiếu thốn đủ bề. Ông Lương Xuân Liễu –Trưởng bản Ta Đo buồn bã, bản có 91 hộ dân thì có 81 hộ nghèo, bản cũng làm được khoảng 5 ha ngô nhưng bà con chưa bán vì ngô quá rẻ. Ông Phò Dậu - Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ than thở: Toàn xã Mường Típ gieo trồng khoảng trên 120 ha ngô, năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ha, đến nay số lượng ngô trong dân chỉ mới bán được trên 40%. Tại các xã Hữu Kiệm, Hữu Lập mặc dù gần với trục QL7 nhưng vẫn bị các tư thương ép giá. Còn anh Bùi Minh Thọ một tiểu thương quê Đức Thọ - Hà Tĩnh, tâm sự: “Do đường khó đi nên xe to chúng tôi không thể vào bản thu mua mà phụ thuộc từ các hộ dân dùng xe tải nhỏ vào gom hàng, nhưng họ bán giá khá “rát” 3.000 đ/kg ngô bắp. Có khi chúng tôi còn bị “ép” giá cao hơn nếu không mua thì bán cho xe khác”.
Bên cạnh đó là các mặt hàng bí xanh, khoai sọ ở Kỳ Sơn lại rất khó tiêu thụ, mặt hàng này tuyệt nhiên không thấy tư thương dùng xe vận tải thu mua như ngô mà chủ yếu tiêu thụ tại chợ Thị trấn Mường Xén. Chúng tôi ra chợ Thị trấn Mường Xén thấy ngổn ngang hàng. Hỏi giá được biết, khoai sọ giá khá cao 18.000 đồng/kg, bí xanh giá từ 8.000-10.000 đồng/kg. Chị Vi Thị Hường đon đả mời khách mua khoai sọ nhưng rất ít người mua. Chị Hường cho hay: Nhập về hơn 100 kg khoai sọ và bí nhưng chỉ bán được bí, còn khoai sọ trước đây nhiều người đi công tác dưới xuôi hay mua, nay họ không mua vì chê ăn sượng. Chính vì thế, một số đại lý như đại lý thu mua khoai sọ Bích Liên ở Thị trấn Mường Xén năm nay đã phải chuyển sang thu mua bí xanh.
Ông Hạ Gà Nênh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn nói thêm: Trước đây khoai sọ là mặt hàng đặc sản được khách hàng rất ưa chuộng, có thời khan hàng tư thương vào tận nơi để thu mua nhưng nay thì khác. Tây Sơn có trên 30 ha khoai sọ trồng rải rác ở các bản Đống Trên, Đống Dưới và Lữ Thành… do khó tiêu thụ nên xã không dám tăng diện tích. Nguyên nhân khó tiêu thụ là khoai sọ có đặc tính trồng ở đất nguyên thổ, những vạt rừng vừa đốt xong là trồng thì khoai ăn thơm và bùi, nếu trồng ở vùng đất đã sử dụng qua 3-4 mùa rẫy trồng lúa thì khoai không có chất tinh bột, ăn sượng. Một số người dân đã dùng các loại phân bón để tác động nhưng khoai vẫn không ngon như trước đây.
Khác với ngô, bí, gừng Kỳ Sơn đầu ra khá ổn định. Chị Vi Thị May ở xã Na Loi thuê người chở hàng gừng ra tận xã Lưu Kiền (Tương Dương) để bán, cho hay: Nếu chở ra tận nơi thì bán được từ 6.000 - 6.300 đồng/kg gừng, nếu tư thương mua chỉ được giá 5.000-5.500 đồng/kg. Tại điểm thu mua gừng ở xã Lưu Kiền, ông Nguyễn Cường - chủ thu mua người Hà Nội cho biết thêm: “Có tháng thuận lợi chúng tôi mua được 12 xe vận tải loại trên 20 tấn. Mua lại từ các xe nhỏ chúng tôi yêu cầu phải bỏ vào rổ sàng lại đất đá cho sạch đẹp sau đó đưa về Hà Nội chế biến và bán sang thị trường Châu Âu”. Tại thị trấn Mường Xén hiện cũng có HTX dịch vụ nông nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đầu tư các thiết bị sơ chế gừng, đây cũng là tín hiệu vui cho người trồng gừng ở Kỳ Sơn vì trồng gừng không còn phải lo đầu ra.
Ông Nguyễn Đình Trị - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Kỳ Sơn hiện có trên 3.000 ha ngô, năng suất bình quân 40 tạ/ha, trên 750 ha gừng và hơn 200 ha khoai sọ, 180 ha bí xanh trồng xen lúa rẫy… Đối với các loại nông sản ngô, gừng đều được Nhà nước hỗ trợ 80% giá giống. Thấy được giá trị từ các loại cây nông sản này mang lại, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên bà con chú trọng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất ngày càng tăng. Tuy nhiên, làm sao để nâng cấp hệ thống giao thông giúp việc đi lại cũng như lưu thông hàng hóa được thuận lợi là mong ước của người dân Kỳ Sơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ