Giàu từ cây lúa
Đang thời điểm thu hoạch lúa đông xuân nên ba anh em họ Đặng rất tất bật với việc đồng áng. Đó chính là lý do mà rất nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới gặp được các anh.
“Ai bảo trồng lúa không giàu?”
Đó là câu nói của ba anh em họ khi chúng tôi nhắc đến chuyện nhiều người thường nghĩ rằng, trồng lúa chỉ may ra đủ ăn, chứ khó có thể làm giàu. Với ba anh em họ Đặng ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong thì suy nghĩ ấy hoàn toàn ngược lại. Họ cho rằng, nếu đầu tư bài bản, cần cù, chịu khó thì nghề trồng lúa không chỉ thoát được nghèo, mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu. Cả ba anh em họ Đặng đều xuất thân từ con nhà nông “chính hiệu”. Bố mẹ tuy đông con, lại nghèo nhưng nhờ trồng lúa đã nuôi anh em họ khôn lớn, nên người.
“Thời còn đi học, buổi đến trường, buổi theo bố mẹ phụ giúp công việc đồng áng. Hồi đó, chưa có máy móc cơ giới, từ khâu làm đất, gieo cấy, đến thu hoạch đều bằng tay. Vào cuối vụ hè thu cũng là lúc mùa mưa lũ sắp đến, mọi người phải tất bật chạy đua với thời gian... Gian khổ là thế, nhưng đến khi lúa chín đầy đồng cho thu hoạch, đưa về nhà thì sướng lắm! Năm tháng trôi qua, nghề trồng lúa đã “ăn sâu” vào máu thịt của anh em tôi từ lúc nào chẳng hay”, anh Đặng Duy Phán tâm sự. Cũng vì mê lúa mà các anh Đặng Duy Phán, Đặng Duy Phú, Đặng Duy Trung quyết nối nghiệp cha ông. Anh Phán kể: “Bố mẹ bảo, nghề nào cũng là nghề, miễn sao làm ăn chân chính, sống có ích cho gia đình, xã hội”.
Sau khi lập gia đình, bố mẹ cho các anh ra riêng. Các anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp ruộng, gia đình cho thêm mỗi người được trên dưới 10 sào. Anh Đặng Duy Phú tự tin: “Trai trẻ, sức khỏe dồi dào thì làm 10 sào ruộng chẳng ăn thua gì.
Mỗi vụ lúa, tôi phải đi đấu thêm ruộng của xã để làm. Nhiều vụ lúa, tôi đấu đến 1 tạ/sào, ai cũng bảo là ngông, đấu ruộng như thế thì làm sao có lãi. Nhưng tôi tính toán cả rồi, nếu biết cần cù, chịu khó, bỏ công sức ra làm thì trồng lúa chắc chắn có lãi. Nghề trồng lúa lấy công làm lãi là lẽ tất nhiên. Mà nghề nào cũng vậy, phải bỏ công sức lao động mới có được tiền, chứ riêng gì trồng lúa”.
Trong khi nhiều người dân trồng lúa phải đi thuê từ việc cày, cấy đến thu hoạch thì anh em họ chủ yếu tự bỏ công sức để làm. Mỗi hộ làm trên dưới hai mẫu lúa, hầu như không thuê một nhân công nào phụ giúp, đúng nghĩa với nghề trồng lúa là lấy công làm lãi. Anh Đặng Duy Phú nhẩm tính, cứ mỗi sào ruộng đấu thu hoạch 3,5 - 4 tạ (giá hiện nay khoảng 650 ngàn đồng), bán được trên 2 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí từ giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, cả tiền đấu ruộng cũng lãi được trên 1 triệu đồng.
Còn nếu của mình thì thu nhập cao hơn. Tích cóp vốn từ nghề trồng lúa, ba anh em quyết định mua sắm máy cày, máy gặt lúa (các loại máy thông thường) để giải phóng sức lao động và làm dịch vụ thuê cho người dân địa phương. Từ đó, nghề trồng lúa không còn vất vả như trước, dịch vụ cày thuê, thu hoạch lúa còn tạo thêm thu nhập... Từ ngày lập gia đình với hai bàn tay trắng, đến nay ba anh em đã thoát được nghèo, có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng. Hộ nào cũng xây được nhà kiên cố, trị giá mỗi nhà trên dưới 500 triệu đồng.
Quyết chí vươn lên
Anh Đặng Duy Phán khoe: “Từ nghề trồng lúa, anh em tôi không chỉ xây được nhà kiên cố khang trang, mà còn tích cóp, có điều kiện để mua sắm hai máy gặt đập liên hợp trị giá gần 1,5 tỷ đồng”. Cách đây mấy năm, xem ti vi nghe thông tin Nhà nước có chủ trương cho nông dân vay vốn ưu đãi để mua sắm máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, ba anh em nghĩ ngay đến việc mua sắm máy gặt đập liên hợp. Xem ti vi hôm trước, hôm sau anh em họ đến các ngân hàng tìm hiểu thông tin, các thủ tục vay vốn. Được ngân hàng nhiệt tình hướng dẫn, chỉ chưa đầy nửa tháng, anh em họ tậu một máy gặt đập liên hợp trị giá trên 700 triệu đồng, trong đó vốn tự có từ tích lũy, mượn người thân được một nửa, còn lại là vốn vay ngân hàng.
Khi chúng tôi hỏi, bỏ ra số tiền lớn liệu có trả nổi không? Anh Đặng Duy Phán trả lời, anh em tôi bàn bạc kỹ mới quyết định đầu tư. Làm gì cũng phải cất nhắc kỹ, đầu tư kinh doanh mà không tính đến lời lãi thì có nước “ra đê mà ở”... Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp cũng sướng lắm. Người chỉ biết việc lái máy gặt, còn máy tự tách hạt. Người ngồi phía sau cầm bao hứng lúa, khi đầy bao thì cho máy chở lên bờ để người dân thuận tiện đưa lúa về nhà phơi...
Nói xong, anh Phán làm một phép tính nhẩm: “Thu hoạch thuê mỗi sào khoảng 130 - 140 ngàn đồng, mỗi ha từ 2,6 triệu đến 2,8 triệu đồng. Chỉ cần nhận thu hoạch 50 ha mỗi vụ, doanh thu 260 triệu đến 280 triệu đồng... Chỉ trong vòng hai năm, anh em tôi đã trả xong nợ”.
Thấy rõ dịch vụ thu hoạch lúa có lãi, ba anh em bàn bạc tiếp tục vay ngân hàng, mua sắm thêm một máy gặt đập liên hợp nữa. Chiếc máy này cũng trị giá trên 700 triệu đồng. Có được trong tay hai máy, ba anh em không chỉ nhận hợp đồng thu hoạch tại địa phương, mà còn ở một số xã lân cận và cả các tỉnh khác nữa. Mấy vụ lúa vừa qua, nông dân một số địa phương ở các tỉnh Thái Bình, Hà Tây vào tận địa phương thuê máy của anh em họ ra gặt lúa chạy lũ.
Anh Đặng Duy Trung nói: “Nhận hợp đồng ở địa phương thu hoạch còn chưa xuể, nhưng thấy người ta tận ngoài Bắc vào thuê gặt chạy lũ mà không ra thì tội quá! Nghĩ vậy, anh em tôi đồng ý. Phía “đối tác” tự thuê xe tải cỡ lớn vào chở máy ra gặt... Mấy chục ngày ở Thái Bình, Hà Tây, anh tôi được bà con đối xử rất tình cảm, bố trí nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Ngoài trả công gặt mỗi sào từ 150 ngàn đến 170 ngàn đồng, còn được bà con mời cơm nữa chứ...”.
“Vụ đông xuân này, nông dân một số địa phương ở Thái Bình, Hà Tây lại điện thoại vào mời ra gặt, nhưng do nhận hợp đồng ở địa phương quá nhiều nên anh em tôi hẹn họ trong vụ hè thu sẽ ra gặt chạy lũ”.
Ông Nguyễn Văn Đáng, Trưởng thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX Hương Trà) nhận xét, ba anh em Đặng Duy Phán, Đặng Duy Phú, Đặng Duy Trung là những nhân tố điển hình ở địa phương luôn có ý thức nỗ lực, quyết chí làm giàu. Họ mạnh dạn vay vốn mua sắm máy móc cơ giới, không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn giúp người dân địa phương hạn chế sức lao động trong sản xuất lúa, giảm nguy cơ rủi ro thiệt hại do mưa lũ...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ