Mô hình kinh tế Giống Đậu Phụng Mới Cho Vùng Cát

Giống Đậu Phụng Mới Cho Vùng Cát

Ngày đăng 18/07/2013

Giống Đậu Phụng Mới Cho Vùng Cát

Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh (Trung tâm KN - KN tỉnh) đã tiến hành thử nghiệm giống đậu phụng mới tại thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Kết quả bước đầu cho thấy, giống đậu phụng mới cho năng suất cao, có thể nhân rộng mô hình.

Với sự khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt là đối với những vùng không chủ động nước tưới trong mùa khô thì cây đậu phụng vẫn là sự lựa chọn hiệu quả nhất, bởi giống cây trồng này không cần tốn quá nhiều nước tưới nhưng lại cho hiệu quả cao hơn làm lúa. Vì vậy, việc thí nghiệm để nhân giống đậu phụng mới và tạo mô hình chuyển đổi có hiệu quả cho cây đậu phụng là hết sức cần thiết.

Được sự đầu tư, hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm KN - KN tỉnh đã tiến hành xây dựng mô hình sản xuất đậu phụng hè tại thôn Nghĩa Hòa. Theo đó, có 110 hộ được chọn để tham gia được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật như cách lên luống, làm đất, bón phân, cân đối từng thời kỳ sinh trưởng. Sau hơn 2 tháng triển khai, 7ha giống đậu phụng L23 đã cho kết quả rất khả quan.

Theo báo cáo của Trung tâm KN - KN tỉnh, mặc dù chi phí đầu tư cho giống đậu phụng L23 cao hơn so với giống đại trà truyền thống của nông dân nhưng lại có tổng thu gấp 1,4 lần. Về lãi ròng, giống L23 mang lại hiệu quả cao hơn gấp 2,7 lần so với giống truyền thống.

Ông Phan Thanh Tứ, một nông dân tham gia mô hình, cho biết: “So với giống đậu phụng trước đây thì giống mới này đem lại hiệu quả cao hơn, ít sâu bệnh, trái lại nhiều và ít bị chết yểu”.

Theo ông Võ Xuân Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nam, địa phương chủ yếu là vùng đất cát, hệ thống thủy lợi chưa phát triển, không thể chủ động nguồn nước tưới cho lúa trong mùa khô. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đối với những giống cây có thể không cần nước tưới nhiều như cây đậu phụng là hết sức cần thiết.

Theo ông Tùng, toàn xã có 217ha chuyên trồng đậu phụng. Tuy nhiên, với giống truyền thống thì hiệu quả vẫn chưa cao, sâu bệnh nhiều nên đời sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. “Đất ở đây được chia làm 3 vụ trong năm xen kẽ nhau.

Ở vụ đông xuân, thời tiết thuận lợi, đảm bảo được nước tưới thì người dân làm lúa, đến xuân hè thiếu nước thì chuyển đổi sang trồng đậu, và hè thu lại làm lúa, cứ thế xoay vòng. Sắp tới, với hiệu quả từ giống mới L23 mang lại và sự hỗ trợ từ Trung tâm KN - KN tỉnh, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng một vùng chuyên canh để trồng đậu, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân” - ông Tùng cho biết thêm.

Nhiều người dân thôn Nghĩa Hòa rất phấn khởi khi đưa giống đậu phụng mới có năng suất cao vào canh tác bởi đã tạo ra hướng đi mới, cải thiện thu nhập trên những vùng đất chuyên canh không chủ động nước tưới. Bà Mai Thị Ánh Tuyết (một người dân địa phương) hồ hởi: “Ở đây người ta gọi cây đậu phụng là cây 3 lợi.

Dùng dầu ăn được ép từ đậu phụng sẽ tốt cho sức khỏe, đó là cái lợi thứ nhất; hiệu quả kinh tế mà nó mang lại cho nông dân cũng cao hơn nhiều so với làm lúa, lại tốn ít thời gian chăm sóc, đó là cái lợi thứ hai; thân của cây đậu được dùng làm thức ăn cho bò, đỡ bớt kinh phí thức ăn cho gia súc, đó là cái lợi thứ ba. Chính vì vậy nên chúng tôi rất phấn khởi khi được chọn để làm thí điểm cho giống mới của Trung tâm KN - KN tỉnh”.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Lợi - cán bộ Phòng Kỹ thuật thông tin (Trung tâm KN - KN tỉnh), với những lợi ích kinh tế đã được kiểm chứng, việc phát triển, mở rộng mô hình giống đậu phụng mới này sẽ rất cần thiết đối với những vùng không thể chủ động nước tưới vào mùa khô.


Mô Hình “Công Nghệ Sinh Thái” Mang Lại Hiệu Quả Mô Hình “Công Nghệ Sinh Thái” Mang Lại… Ngành Chăn Nuôi Cần Ngăn Ngừa Bùng Phát Dịch Bệnh Ngành Chăn Nuôi Cần Ngăn Ngừa Bùng Phát…