Tin nông nghiệp Giống đậu tương Đ9 kháng gỉ sắt

Giống đậu tương Đ9 kháng gỉ sắt

Tác giả Hải Tiến, ngày đăng 23/04/2020

Giống đậu tương Đ9 kháng gỉ sắt

Đậu tương Đ9 đã được Bộ NN-PTNT công nhận, cho sản xuất thử tại quyết định số 337/QĐ-TT-CLT ngày 16/10/2019.

Giống đậu tương Đ9 sinh trưởng, phát triển tốt.

Nguồn gốc

Giống đậu tương Đ9 do TS. Dương Xuân Tú, TS. Nguyễn Văn Lâm, TS. Nguyễn Văn Khởi, ThS. Lê Huy Nghĩa, ThS. Nguyễn Thị Hường, TS. Nguyễn Thanh Tuấn (Viện Cây Lương thực và cây thực phẩm) chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính, kết hợp dùng chỉ thị phân tử chọn kiểu gen kháng bệnh gỉ sắt từ tổ hợp lai TL7 x ĐT2000. 

Đặc tính

Thời gian sinh trưởng 85-90 ngày (vụ Đông), 95-100 ngày (vụ Xuân và Hè). Nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại chính (cuốn lá, đục quả, sương mai, phấn trắng...). Kháng cao với bệnh gỉ sắt. Khối lượng 1.000 hạt lớn (175 gram). Hạt đẹp, màu vàng sáng. Tiềm năng năng suất cao (20,0 - 28,0 tạ/ha). Thích hợp gieo trồng 3 vụ/năm (Xuân, Hè và Đông) tại các tỉnh phía Bắc.

Quy trình kỹ thuật

Thời vụ: Vụ Xuân gieo từ 05 -15/2; vụ Hè gieo 25/5- 05/6; vụ Đông gieo 15-25/9.

Đất trồng đậu tương vụ Xuân và Hè cần cày bừa kỹ, thu dọn sạch cỏ, lên luống rộng 90-100cm, cao 20-25cm, rãnh thoát nước rộng 20-25cm, sau tiến hành rạch hàng gieo hạt. Mật độ gieo 25-30 cây/m2.

Đậu tương Đông trồng trên đất 2 vụ lúa có thể không làm đất, hoặc làm đất tối thiểu (dùng cày chia ruộng thành luống rộng 2,5-3,0m tạo các rãnh thoát nước, phòng mưa úng), sau đó sạ hoặc gieo giống vào gốc rạ (cần rút nước ruộng lúa trước thu hoạch 7-10 ngày để thuận tiện cho gieo, sạ). Mật độ gieo 35-40 cây/m2.

Yêu cầu hạt giống phải thuần nhất, kích cỡ đồng đều, không dị dạng, không sâu mọt, tỷ lệ nẩy mầm >85%; lượng giống gieo vụ Xuân và Hè từ 55-60kg/ha, vụ Đông 70-80kg/ha; cần xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm Rovral 50WP để phòng chết cây con.

Cách gieo: Đối với đậu tương trồng vụ Xuân và Hè, rạch hàng sâu 15cm, bón lót vào rãnh, dùng đất nhỏ phủ phân dày 5cm, sau gieo hạt vào rãnh, rồi dùng hỗn hợp đất bột và mùn hữu cơ phủ kín hạt, có thể dùng rơm rạ phủ kín mặt luống để tránh cỏ dại, giữ ẩm đất. Đối với đậu tương trồng vụ Đông có thể gieo hạt theo 2 cách:

Cách 1: Dùng tay hoặc bàn chân gạt nghiêng gốc rạ, tra 1-2 hạt đậu vào khe giữa đất và gốc rạ, sao cho mỗi gốc rạ có 1-2 cây đậu, sau đó sử dụng hỗn hợp phân chuồng mục + lân + đất bột khô phủ kín hạt, hoặc cắt rạ rải đều trên mặt ruộng.

Cách 2: Với ruộng đủ ẩm dùng tay gieo đều hạt đậu trên ruộng (gieo 2-3 lần để tăng độ đồng đều). Với đất ướt sụt bùn, phải làm rãnh thoát hết nước ruộng, rồi mới ném nhẹ tay cho hạt đậu không chìm sâu trong bùn.

- Phân bón cho 1ha đậu tương: 1.000kg phân hữu cơ vi sinh + 62kg urê + 560kg lân supe + 160kg kali. Bón lót toàn bộ phân lân và phân hữu cơ +1/2 lượng đạm và 1/2 kali. Bón hết số phân còn lại khi cây có 1-2 lá thật, kết hợp vun xới). Xới phá váng khi cây có 1-2 lá thật. Xới vun gốc khi cây 4-5 lá. Duy trì độ ẩm đất vườn ở mức 65-70% sức giữ ẩm đồng ruộng.

Đặc biệt đảm bảo đủ nước vào các thời kỳ ra hoa, quả non và quả vào chắc nhưng không được để ruộng bị úng nước. Bón thêm phân qua lá (Komix hoặc Diệp lục tố) để kích thích cây phát triển nhanh.

- Phòng trừ sâu bệnh: Dùng một trong các thuốc: Padan 50EC, Regent, Dipterex, Vitasheell, Supermor, ofatox, Trebon, Perant (trừ sâu ăn lá, sâu đục thân, đục quả). Newkasura 16.6BTN, Viroxyl 58BTN, Manage 5WP, Viben–C50HP, Daconil (trừ bệnh phấn trắng, thối rễ, lở cổ rễ), phun sớm khi bệnh chớm xuất hiện.

- Thu hoạch đậu vào ngày khô ráo, cắt cả cây khi bộ lá trên cây chuyển màu vàng và 2/3 số quả già chuyển màu vàng nâu xám. Hạt đậu dùng làm giống cần phơi trên nia, bạt, không phơi trực tiếp trên nền gạch, xi măng, khi độ ẩm hạt giảm còn 12% đưa vào bảo quản ở nơi khô ráo.


Biến chất thải thức ăn thành phân sinh học Biến chất thải thức ăn thành phân sinh… Giải pháp khắc phục bệnh vàng cao do ngộ độc phèn nhôm Giải pháp khắc phục bệnh vàng cao do…