Nuôi gà Giống gà quý hơn gà Đông Tảo ở Việt Nam

Giống gà quý hơn gà Đông Tảo ở Việt Nam

Tác giả Huy Khánh, ngày đăng 14/12/2018

Giống gà quý hơn gà Đông Tảo ở Việt Nam

Nói đến gà quý, hiếm, chúng ta thường nhắc tới gà Đông Tảo, gà Hồ… Tuy nhiên, có một giống gà đặc hữu của Việt Nam chưa được nhiều người biết đến, đó là gà Lạc Thủy. Điều đáng nói không chỉ người dân bình thường ít biết đến loại gà quý hiếm ở Việt Nam này mà ngay cả giới khoa học cũng mới phát hiện trong một lần đi giao gà giống ở Lạc Thủy, Hòa Bình. Ngay khi loài gà này được phát hiện, các nhà khoa học đã lập tức đưa chúng vào diện cần phải bảo tồn.

Gà Lạc Thủy 4 ngày tuổi có bộ lông trắng hồng, chưa phân biệt trống/mái. 

Có của quý trong nhà mà không biết

Tiếp chúng tôi tại Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, Viện Chăn nuôi, TS Hoàng Thanh Hải, Giám đốc trung tâm vừa từ khu nuôi bảo tồn gà Lạc Thủy về, niềm vui vẫn ánh lên trong mắt khi anh say sưa kể với chúng tôi về giống gà có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn này.

TS Hoàng Thanh Hải kể, năm 2013, trong một chuyến công tác đi giao gà giống tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, đoàn cán bộ Viện Chăn nuôi nhìn thấy một giống gà lạ, đã tồn tại từ lâu trong dân địa phương nhưng lại chưa có trong danh mục bảo tồn.

Giống gà này có đặc điểm ngoại hình khác với gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Móng, nhưng mới nhìn qua thì giống với gà Mía. Tuy nhiên qua từng giai đoạn, giống gà này có sự thay đổi và không còn giống với gà Mía nữa.

“Đây là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình và có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn”, TS Hoàng Thanh Hải cho biết thêm. Gà con 1 ngày tuổi có bộ lông đồng nhất màu trắng ngà, da vàng, mỏ và da chân màu vàng, tốc độ mọc lông nhanh, chỉ sau 1 tuần tuổi đã mọc hết lông cánh, sau 4 tuần tuổi có thể phân biệt trống, mái qua đặc điểm ngoại hình. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của giống gà này, mà không giống gà nào khác có được. Khi 4 tuần tuổi, con mái có lông trắng, hồng nhạt, con trống lông đã bắt đầu ngả màu đỏ tía. Khi trưởng thành con mái có lông màu lá chuối khô, hơi giống với gà Mía, nhưng con trống thì hoàn toàn khác, rất đẹp với bộ lông màu mận chín, đỏ tím, da chân vàng, mào đơn, dái tai dài. Không chỉ có ngoại hình đẹp mà chất lượng thịt cũng đạt đến sự tuyệt vời.

TS Hoàng Thanh Hải kể thêm: Sau khi phát hiện đây là giống gà quý, các nhà khoa học đã quyết định đặt tên cho giống gà này  theo địa danh Lạc Thủy và đề xuất đề tài khoa học bảo tồn, chọn lọc nhân giống. Chỉ đến lúc này, người dân địa phương mới biết đấy là gà quý. “Ngày 20/11 vừa qua, khi Viện Chăn nuôi kết hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Hòa Bình tổ chức hội thảo giới thiệu gà Lạc Thủy, nhiều cán bộ quản lý của tỉnh Hòa Bình mới biết đến giống gà này”, TS Hoàng Thanh Hải cười bảo: “Đúng là trong nhà có của quý mà không biết”.

Đề xuất công nhận giống gốc

TS Hoàng Thanh Hải cho hay: Khi đưa gà Lạc Thủy về nhân nuôi bảo tồn, nhiều người cũng thắc mắc, không biết liệu loài gà này chỉ có ở vùng Lạc Thủy, Hòa Bình, hay còn có ở những vùng khác, mà giống như Hòa Bình, có của mà không biết. Thực tế, qua công tác tìm kiếm thu thập nguồn gen, các nhà khoa học khẳng định, gà Lạc Thủy có nguồn gốc xa xưa ở Lạc Thủy, ngoài địa phương này ở nơi khác chưa tìm thấy.

TS Hoàng Thanh Hải cho biết thêm: Thời gian tới, Viện Chăn nuôi sẽ đánh giá khoảng cách di truyền của gà Lạc Thủy để kết luận đây là một dòng hay giống gà Việt Nam, dần dần đưa vào công nhận giống vật nuôi của Việt Nam. “Hiện chúng ta có nhiều giống gà quý như gà nòi Nam Bộ, gà Đá, gà Mía, gà Ri, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà H’_Mông, gà Tàu Vàng… nhưng chỉ có 3 giống được Nhà nước công nhận là giống gốc và được cấp kinh phí để nuôi giữ gồm: Gà Ri, gà H’Mông và gà Tàu Vàng. Nói như thế để thấy được gà Lạc Thủy có giá trị như thế nào. Nếu gà Lạc Thủy được công nhận là giống gốc thì khả năng phát triển giống gà này ra cộng đồng là rất lớn. Khi đấy, người dân sẽ có cơ hội được thưởng thức thêm một loại thịt gà mới, ngon, thơm”.

Gà trống Lạc Thủy có đặc điểm hình dáng nổi bật với mào đỏ, dái tai dài và bộ lông màu tía. 

Sẵn sàng chuyển giao giống

Chúng tôi gặp KS chăn nuôi Nguyễn Văn Tám tại khu nuôi gà Lạc Thủy 4 ngày tuổi, anh chia sẻ: Nuôi gà cũng như nuôi con mọn, khi đưa giống gà này về nuôi, mỗi ngày không dưới 4 lần anh phải đi kiểm tra xem đàn gà có đủ nhiệt độ giữ ấm không, tình hình ăn uống của chúng có đúng theo giai đoạn phát triển hay không.

Dẫn chúng tôi sang khu nuôi gà Lạc Thủy 4 tuần tuổi, nơi những con gà trống và gà mái đã có thể phân biệt rõ nhờ đặc điểm ngoại hình, KS Nguyễn Văn Tám cho biết, đến thời điểm này gà trống, mái sẽ nuôi nhốt riêng để đảm bảo chế độ ăn khác nhau. Anh Tám cho biết, phải dựa vào đặc tính của từng giống gà để theo dõi tốc độ sinh trưởng và cho chế độ ăn phù hợp. Ví dụ, với gà thịt thời gian nuôi từ 3 – 3,5 tháng có thể cho ăn vỗ béo khi vào giai đoạn thu hoạch, nhưng đối với gà đẻ thì từ tuần 11 – 20 phải hạn chế cho ăn, thường chỉ 50 – 70g/ngày. “Những ngày mới hạn chế chế độ ăn cho gà đẻ, nhìn chúng đói cứ chạy nhao nhác trong chuồng trông thương lắm, mà không làm gì được, cũng không dám cho ăn thêm”, anh Tám chia sẻ.

Các chuyên gia cho biết, hiện gà Lạc Thủy nhân, nuôi, bảo tồn ở trung tâm phát triển tốt, chất lượng đảm bảo, có thể chuyển giao giống đi nhiều tỉnh thành để phát triển.

Theo TS Hoàng Thanh Hải, mỗi ngày dù bận mấy cũng đều xuống thăm gà một vài lần, cứ thấy chúng phát triển từng ngày, trưởng thành và thay đổi theo từng giai đoạn là vui lắm. Hiện nay, Viện Chăn nuôi đang bảo tồn 24 giống vật nuôi, trong đó có 7 giống gà, là gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn (Quảng Bình), gà Kiến (Bình Định), gà Quý Phi, gà nhiều cựa, gà Lôi lam đuôi trắng, gà Xước Hà Giang.

Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, các giống gà quý của Việt Nam còn mang cả giá trị nhân văn, bởi mỗi giống gà đều gắn với những địa danh nhất định, mang theo cả văn hóa của vùng đất ấy. Chẳng hạn như gà Đông Tảo, có những con gà giá đến vài triệu đồng, cá biệt có những con to, giống đẹp, mang các đặc điểm ngoại hình điển hình của giống gà Đông Tảo có thể có giá đến cả chục triệu hay vài chục triệu đồng. Đắt như vậy không phải vì thịt của nó ngon hơn hay giá trị thương phẩm cao hơn, mà là vì bản thân giống gà đó mang nhiều ý nghĩa văn hóa, nó đại diện cho cả một vùng đất và từng là giống gà được tiến Vua, giống gà đã đi vào văn chương, sử sách…


Kỹ thuật chăn nuôi gà tây Huba thịt (Phần 1) Kỹ thuật chăn nuôi gà tây Huba thịt… Gà Tàu vàng thịt chắc thơm ngon, nuôi lớn nhanh như thổi Gà Tàu vàng thịt chắc thơm ngon, nuôi…