Giống lúa cho vùng đất khó
Trạm Khuyến nông- lâm- ngư huyện Phú Vang (TT- Huế) phối hợp với xã Vinh Hà tổ chức hội nghị đánh giá khảo nghiệm giống lúa mới vụ ĐX 2013. Kết quả cho thấy nhiều giống năng suất cao, chống chịu tốt trên vùng đất này.
Giống lúa thơm RVT vượt trội so với giống truyền thống
Phú Vang là huyện trọng điểm lúa, với tổng diện tích gieo cấy hàng năm gần 12.000 ha, năng suất bình quân 5 năm qua 57 tạ/ha, sản lượng đạt trên 65.000 tấn. Giống lúa truyền thống đang sử dụng hiện nay ở các xã Vinh Hà, Phú Thanh, Phú An như 13/2, KD, X21, Khang Dân 18… chất lượng gạo chưa cao và nhiễm bệnh đạo ôn lá, rầy, cổ bông.
Ông Nguyễn Văn Tưởng, Trạm trưởng Trạm KNLN Phú Vang cho biết: “Để khắc phục những nhược điểm của giống lúa truyền thống, trạm đã phối hợp với các xã khảo nghiệm giống RVT, Khang dân đột biến, TBR 45, Hưng Dân với quy mô 5 ha; bố trí trên 3 điểm là vùng đất cát ở xã Vinh Hà, vùng đất thịt trung bình ở xã Phú Thanh và Phú An”.
Qua quá trình khảo nghiệm cho thấy, RVT là giống lúa thơm do có khả năng chống đổ tốt, chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính, khả năng thích ứng rộng. Đây là giống lúa nhập nội và tuyển chọn của Cty CP Giống cây trồng Trung ương. Cây cao từ 100 -110 cm, phiến lá đứng, đẻ nhánh khá, khóm gọn, tiềm năng năng suất từ 70 - 75 tạ/ha, chất lượng gạo tốt. Đặc biệt, giá thành 8.000 đ/kg, trong khi Khang dân 18 chỉ 6.000 đ/kg, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Ông Trần Thanh Sơn, xã viên HTXNN Vinh Hà tham gia trồng giống lúa trình diễn phấn khởi cho biết: “Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ HTX, tui nhận 20 kg giống RVT trồng trên 4 sào, lúa phát triển, chống đổ tốt, chống chịu cao với một số bệnh như đạo ôn, khô vằn, bạc lá.
Bằng chứng kiểm nghiệm khá rõ là vừa qua, trên địa bàn TT- Huế, nhất là ở vùng Quảng Điền có gió to, lốc xoáy, hàng trăm ha lúa đã bị gãy đổ. Thế nhưng, 1 ha lúa RVT trình diễn tại ruộng ở địa phương thì hoàn toàn “vô sự”. Chúng tôi rất tin tưởng vào giống lúa này”.
Đối với giống lúa Khang dân đột biến, quá trình khảo nghiệm 1 ha ở xã Vinh Hà cũng cho thấy, cây cao từ 100 - 115 cm, phiến lá đứng, đẻ nhánh trung bình, cây cứng hơn Khang dân 18, năng suất bình quân 60 - 65 tạ/ha, khả năng chống đổ khá, nhiễm khô vằn nhẹ, kháng vừa rầy nâu, phạm vi thích ứng rộng.
Ngoài ra, giống Hưng Dân, TBR 45 cũng đạt được những kết quả khả quan, như chống chịu sâu bệnh và đổ ngã tốt, có năng suất tương đương Khang dân 18 nên phù hợp điều kiện SX và thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào trong khâu thu hoạch, vì thế được bà con đón nhận.
“Đề nghị UBND huyện hỗ trợ tiếp tục khảo nghiệm các giống lúa mới thêm một vài vụ nữa để rút ra kết luận đầy đủ hơn. Trước mắt, từ kết quả đạt được, tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương mà đưa vào khảo nghiệm trên diện rộng, để thăm dò đưa vào cơ cấu giống lúa của huyện, thay thế dần giống Khang dân 18 bị nhiễm nặng đạo ôn cổ bông”, ông Nguyễn Văn Tưởng kiến nghị.
Dẫn chúng tôi ra ruộng đang trong thời gian khảo nghiệm, ông Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện, chính quyền các xã và các HTXNN Vinh Hà, Phú Thanh 1, 2 đã tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vật tư, thủy lợi... để các hộ triển khai thực hiện. Phía trạm cũng đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện, Trạm BVTV cử cán bộ theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển và các yếu tốt cấu thành năng suất; chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Các giống lúa cũng bố trí trên nhiều chân đất khác nhau để có sự chọn lựa phù hợp. Hy vọng những giống lúa mới này có thể tạo nên một diện mạo mới cho nông nghiệp Phú Vang”.
Ông Tôn Thất Kim Ngân, GĐ Cty CP Giống cây trồng TƯ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đơn vị cung ứng lúa giống khảo nghiệm ở Phú Vang cho biết: “Trước khi về Phú Vang các giống lúa mới đã được khảo nghiệm ở nhiều địa phương khác trong tỉnh TT- Huế và đạt kết quả khả quan.
Tuy nhiên, giống mới đòi hỏi đầu tư thâm canh cao, mới cho năng suất cao nên cần bố trí trên chân đất canh tác dày, nhiều bùn. Xã Vinh Hà ở vùng đầm phá ven biển thì chỉ cần phun sâu bệnh 1 lần; các xã Phú An, Phú Thanh thì phun từ 2 - 3 lần”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ