Giống lúa TBR97 thể hiện nhiều ưu điểm trên chân đất nghèo dinh dưỡng
Giống lúa TBR97 có khả năng thích ứng tốt, đạt năng suất và chống chịu sâu bệnh hơn so với các giống truyền thống trên chân đất pha cát ở Quảng Ngãi.
Giống lúa TBR97 thích ứng tốt, sinh trưởng khỏe và đạt năng suất trên chân đất pha cát, nghèo dinh dưỡng. Ảnh: L.K.
Những năm qua, các giống lúa của Cty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed đã cho thấy hiệu quả ở nhiều địa phương khác nhau, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Với chất lượng nguồn giống tốt, sinh trưởng phát triển khỏe, phù hợp với nhiều chân đất cũng như năng suất cao, giống lúa của ThaiBinh Seed đã từng bước tạo được lòng tin của nông dân trong tỉnh. Từ đó, diện tích lúa sử dụng giống của Tập đoàn này mỗi năm lại được mở rộng.
Ngoài những giống đã có thương hiệu từ lâu của đơn vị như TBR1, TBR225, BC15 thì trong vài năm trở lại đây, giống lúa TBR97 đang cho thấy được sự triển vọng khi qua các mô hình trình diễn đạt được thành công như mong đợi. Tại tỉnh Quảng Ngãi, lúa TBR97 đã được Cty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với nhiều địa phương thực hiện các mô hình trình diễn và đều được người dân cũng như ngành chức năng đánh giá cao.
Để tiếp tục khẳng định những ưu điểm của giống tại tỉnh Quảng Ngãi, vụ đông xuân 2021 – 2022, Cty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung Tây Nguyên phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phổ Cường (thị xã Đức Phổ) triển khai mô hình trình diễn giống lúa TBR97 tại cánh đồng Bàu, thôn Nga Mân. Mô hình triển khai trên diện tích 1ha với 9 hộ dân tham gia.
Mục đích của mô hình nhằm đánh giá tính thích nghi, tiềm năng năng suất, chất lượng của giống lúa trong điều kiện canh tác ở xã Phổ Cường nói riêng và thị xã Đức Phổ nói chung. Từ đó làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống lúa gieo trồng trên địa bàn của thị xã, của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; từng bước đưa giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.
Trong buổi tham quan, đánh giá mô hình vừa được tổ chức mới đây, lão nông Trần Thanh Sơn (71 tuổi, trú thôn Nga Mân, xã Phổ Cường) cho biết, vụ vừa qua gia đình ông tham gia mô hình trình diễn giống lúa TBR97 với diện tích 5 sào. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của giống, ông Sơn nhận thấy giống lúa này thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Cây lúa sinh trưởng khỏe, năng suất đạt.
“Ưu điểm của giống này so với các giống lúa khác mà trước đây tôi thường sử dụng là cây có chiều cao trung bình, cứng cây nên vào thời điểm lúa trổ mặc dù gặp gió nhưng không bị đổ ngã. Bông lúa cũng rất ít hạt lép. Ngoài ra, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên ruộng lúa nhà tôi không thấy nhiễm sâu bệnh hại gì đáng kể. Năng suất ước tính đạt trên 60 tạ/ha, có thể nói là thuộc vào những giống lúa năng suất cao nhất mà nhà tôi từng sử dụng”, ông Sơn chia sẻ.
Theo bà con nông dân địa phương, so với những vùng sản xuất lúa khác ở trong và ngoài xã thì cánh đồng thực hiện mô hình giống lúa TBR97 lần này có chất đất không được tốt, thổ nhưỡng chủ yếu là đất pha cát, không có phù sa bồi đắp. Mặc dù điều kiện đất đai không được thuận lợi như vậy nhưng giống lúa TBR97 vẫn sinh trưởng phát triển rất tốt, đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó giám đốc HTX Phổ Cường cho biết, dù đây là lần đầu tiên bà con trong xã biết đến giống lúa TBR97 nhưng qua vụ sản xuất vừa qua cho thấy giống rất phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương. Nếu như các giống truyền thống người dân hay sử dụng năng suất chỉ đạt từ 55 – 60 tạ/ha thì giống TBR97 cho năng suất cao hơn (từ 60 – 65 tạ/ha).
"Đây là giống rất có tiềm năng. Vừa qua, nhận thấy hiệu quả từ mô hình giống TBR97 mang lại, nhiều hộ dân xung quanh đã đăng ký mua hết lượng giống trong mô hình để sản xuất cho vụ hè thu tới. Theo nhận định, trong vụ đông xuân tiếp, diện tích đồng ruộng trên địa bàn sử dụng giống TBR97 sẽ mở rộng ra rất nhiều”, ông Hào nói.
Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, giống TBR97 là giống lúa có khả năng chống chịu và sinh trưởng, phát triển tốt ở trên mọi tầng đất. Tuy nhiên, cần phải chú ý đầu tư thâm canh cho phù hợp. “Giống TBR97 qua trình diễn nhiều vụ ở các huyện của tỉnh như Bình Sơn, Sơn Tịnh cho thấy khả năng phát triển cũng như tiềm năng cho năng suất khá cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tương đối tốt. Chúng ta nên tiếp tục làm thực hiện mô hình trình diễn ở nhiều chân đất khác nhau từ đó làm cơ sở để khuyến cáo nông dân áp dụng vào đại trà”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ