Mô hình kinh tế Giữ lượng, tăng chất, gắn kết thị trường thủy sản

Giữ lượng, tăng chất, gắn kết thị trường thủy sản

Ngày đăng 30/05/2015

Giữ lượng, tăng chất, gắn kết thị trường thủy sản

Để cụ thể hóa mục tiêu này đòi hỏi ngành nông nghiệp thành phố phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản gắn với chọn lựa đối tượng nuôi phù hợp và quy hoạch hạ tầng vùng nuôi trồng, chế biến hợp lý. Từ đó, khai thác những tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển ngành nuôi trồng, chế biến, thủy sản đáp ứng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Dần ổn định diện tích, sản lượng

Tính đến giữa tháng 5-2015, diện tích nuôi thủy sản của TP Cần Thơ là 2.597 ha, đạt 19,98% so với kế hoạch, bằng 43,33% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi cá tra 614 ha, đạt 73,54% kế hoạch, bằng 91,36% so cùng kỳ; diện tích đã thu hoạch là 161 ha với sản lượng 40.964 tấn, đạt 27,31% so kế hoạch, tăng 26,07% so cùng kỳ.

Ngành đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản. Diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn như BAP, VietGAP, GlobalGAP là 34 ha.

Người nuôi đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như làm kháng sinh đồ trong phòng trị bệnh, áp dụng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng chế phẩm vi sinh trong phòng trị bệnh, cải tạo môi trường ao nuôi. Từ đó góp phần hạn chế dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cá tra nuôi, hạ giá thành sản xuất. Mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt năng suất bình quân 200 tấn/ha.

Ngoài nuôi cá tra, tại các quận, huyện còn phát triển mạnh mô hình nuôi cá ao thâm canh với các đối tượng nuôi chính như cá lóc, cá trê, cá rô, cá thát lát... Các mô hình nuôi cá trên ruộng lúa với các loại như cá trôi Ấn, cá rô phi, cá chép…

Ngoài ra các mô hình nuôi tôm càng xanh, nuôi cá điêu hồng trong lồng bè, mô hình nuôi lươn, nuôi ếch cũng khá phát triển nhưng do đầu ra chưa ổn định nên diện tích nuôi chỉ ở mức độ nhất định. Ông Lê Văn Bon, nông dân phường Long Tuyền, quận Bình Thủy chia sẻ: "Mấy năm gần đây, việc nuôi trồng các đối tượng thủy sản gặp không ít khó khăn.

Phần do giá cả thị trường thường xuyên biến động, phần do nguồn nước sông dần bị ô nhiễm, cạn kiệt. Để chủ động đầu ra, tôi phải thường xuyên thay đổi đối tượng nuôi như cá sặc rằn, cá rô đầu vuông, cá thát lát, cá lóc tùy theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên vấn đề khó khăn vẫn là kỹ thuật nuôi và phòng ngừa dịch bệnh, hao hụt khi thời tiết diễn biến thất thường".

Theo ngành nông nghiệp thành phố, trong vài năm trở lại đây, diện tích nuôi thủy sản không xuất hiện tình trạng tăng nóng như trước. Diện tích nuôi cá tra tương đối bình ổn sau những đợt cung vượt cầu, nông dân lỗ lã. Các đối tượng nuôi khác như cá lóc hay cá rô đầu vuông cũng không còn tình trạng dội chợ khi người nuôi biết chọn lựa thời điểm thả nuôi phù hợp.

Tuy nhiên, giá trị mang lại của ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Bởi lẽ, ngành thủy sản vẫn còn nhiều điểm yếu khi chuỗi sản xuất sản phẩm thủy sản chủ lực là con cá tra vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi ngành hàng.

Sản phẩm chế biến cá tra còn đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm cá tra phi lê, chưa có các mặt hàng giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngành hàng cá rô phi, tôm càng xanh có nhiều tiềm năng phát triển song chưa được chú trọng khai thác, sản phẩm đầu ra còn bấp bênh, quy mô nuôi nhỏ lẻ với kỹ thuật nuôi còn thấp…

Tập trung vào các đối tượng chủ lực

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở thị trường trong nước sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là đối với những mặt hàng tươi sống và chế biến sẵn. Dự báo đến năm 2020, với mức tiêu thụ thủy sản ước tính tăng lên 24kg/người/năm, lượng tiêu thụ thủy sản trong nước sẽ tăng lên 2,61 triệu tấn.

Nhập khẩu thủy sản trong nước cũng sẽ tăng về sản lượng do tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cần nhập nguyên liệu để chế biến tái xuất khẩu. Ông Lê Đức Liêm, Phó Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch Thủy sản phía Nam, cho rằng: "Phát triển thủy sản của TP Cần Thơ phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ. Trong quá trình sắp xếp, tái cơ cấu ngành thủy sản, cần phải tổ chức lại phương thức sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị.

Cần lấy hiệu quả làm mục tiêu, tăng trưởng làm động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất theo quy hoạch vùng nuôi, theo từng đối tượng nuôi, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thị trường.

Ở đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, nhìn chung vùng nuôi cá tra thâm canh đòi hỏi chất lượng nguồn nước đầu vào phải tốt. Do đó, các khu nuôi cá tra thương phẩm tập trung ở các cồn và các khu nuôi ven sông Hậu. Tuy nhiên, chỉ có một số hộ nuôi, doanh nghiệp có hệ thống kênh dẫn, khu chứa bùn thải, còn đa số các ao nuôi ven sông rạch lớn đều thải nước, bùn đáy ao trực tiếp ra sông không qua xử lý, về lâu dài nếu không có hướng xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Do đó, cần ưu tiên nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng rất quan trọng để tăng cường quản lý thống nhất về quy trình kỹ thuật nuôi, tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường nguồn nước ao nuôi… Đồng thời, cần tập huấn kỹ thuật nuôi và tuyên truyền đến các hộ nuôi không sử dụng các hóa chất kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn trong quá trình nuôi cũng như phù hợp với các quy định về quản lý chất lượng cá thương phẩm khi xuất khẩu...

Hiện nay, các quận, huyện của thành phố đang có yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản. Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, địa bàn huyện phát triển mạnh về diện tích giống cá tra đáp ứng nhu cầu cá giống cho nuôi thương phẩm cùng một số đối tượng nuôi khác.

Để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, huyện cũng đang phối hợp cùng thành phố để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 thuộc địa bàn xã Thới Hưng với hoạt động chính là sản xuất giống cá tra và cá rô phi phục vụ cho thành phố và một số tỉnh lân cận. Một khi có doanh nghiệp vào đầu tư bài bản, ngành thủy sản của địa phương sẽ có bước tiến đáng kể thay vì tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, đòi hỏi phải tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ mạnh, nhất là các loại thủy sản xuất khẩu như cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh… gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, quan tâm phát triển các đối tượng thủy sản đặc canh, cá cảnh và hướng tới phát triển các sản phẩm thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái.

Song song đó, Cần Thơ cũng định hướng phát triển thành trung tâm giống thủy sản nước ngọt của vùng ĐBSCL thông qua việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trại giống thủy sản nước ngọt và xã hội hóa trong dân nhằm chủ động đáp ứng số lượng và đảm bảo chất lượng con giống cho nuôi thương phẩm. Đặc biệt, định hướng phát triển thủy sản cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với Quy hoạch Trung tâm Nghề cá vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ để tạo động lực phát triển ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của toàn vùng.


Xuất khẩu 2,4 tỷ USD thủy sản, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất Xuất khẩu 2,4 tỷ USD thủy sản, Hoa… Móng Cái (Quảng Ninh) tập trung dập dịch bệnh trên tôm nuôi Móng Cái (Quảng Ninh) tập trung dập dịch…