Giữ Uy Tín Để Phát Triển Bền Vững Cây Cam Sành
Có thể nói, dù không phải là năm được đánh giá cao về sản lượng, nhưng giá cả và mức độ tiêu thụ mùa cam 2013 đã làm hài lòng người trồng cam. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trung bình giá cam mùa 2013 đạt từ 18.000 – 20.000đ/kg; giá bán của trái cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt từ 23.000 – 25.000đ/kg.
Cam sành được giá, đó là tín hiệu vui đối với vùng cam, đặc biệt là đối với những địa phương có diện tích cam lớn. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui được giá, vấn đề giữ uy tín về chất lượng sản phẩm cam sành vẫn là điều cần phải được đặt lên hàng đầu để tránh không gặp phải khó khăn khi chúng ta tiếp tục mở rộng sản xuất.
Trong cuộc họp triển khai Chương trình phục hồi cam sành và phát triển cây chanh leo năm 2014 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề giữ gìn uy tín về chất lượng, hình ảnh trái cam sành Hà Giang.
Như chúng ta đã biết, có một thời kỳ vì nhiều lý do khác nhau, trái cam sành Hà Giang đã gặp nhiều khó khăn, khiến diện tích cam toàn tỉnh bị suy giảm nghiêm trọng. Vì lợi nhuận, một bộ phận người dân đã sử dụng các biện pháp tiêu cực để lưu giữ trái cam, thúc ép trái cam phát triển theo ý muốn của mình để chờ thời điểm, chờ giá.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cho sự sinh trưởng của cây cam bị biến đổi, chất lượng cam suy giảm, uy tín cam sành Hà Giang bị ảnh hưởng. Từ đó, chính người sản xuất phải ghánh chịu hậu quả khi trái cam mất giá.
Từ thực tế đã từng diễn ra, ông Hoàng Văn Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang cho biết: Xã có diện tích cam, quýt trên 437ha, do đó, đầu ra sản phẩm sẽ là mối lo của cả cấp ủy, chính quyền và người trồng cam. Nếu cam mất giá, không tiêu thụ được sẽ là hậu quả rất lớn đối với người trồng.
Không chỉ nêu lên những vấn đề về xử lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm trái cam tiêu cực của một số hộ trồng cam trước đây, ông Hoàng Văn Nhiên cũng nêu lên một dự báo và thậm chí là cảnh báo cho năm 2014, đó là cam sành sẽ đạt sản lượng tốt. Với sản lượng lớn, một bộ phận người trồng sẽ tính đến vấn đề ủ cam để bán dần, xử lý để cam không chín cùng lúc, hoặc có hộ sử dụng chế phẩm để sản lượng cam năm nào cũng cao như năm nào.
Ngay vụ cam năm 2013, qua tìm hiểu thị trường, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh sản phẩm chủ đạo là những trái cam có mẫu mã, chất lượng đẹp tự nhiên nhờ được sản xuất đảm bảo chất lượng, vẫn còn 2 loại trái cam sành có hình thức vô cùng đối lập nhau, đó là một loại trái cam mà người dân Hà Giang vẫn thường gọi là cam mã mật, tuy quả nhỏ, hình thức xấu nhưng rất ngọt và thơm.
Loại còn lại có hình thức rất bắt mắt, nhưng nhìn không thật màu, vị chua, nhạt hơn so với các trái cam bình thường, một số quả cam trên vỏ và lá còn tồn dư lượng một loại bột màu trắng (chưa rõ là chất gì) còn sót lại...
Trong khi chúng ta đang tiếp tục mở rộng diện tích cam sành ở 3 địa bàn Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình, cùng với đó là sự cạnh tranh của một số vùng cam trong cả nước thì vấn đề đảm bảo chất lương, uy tín và hương vị đặc thù, truyền thống của sản phẩm cam sành càng là vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài xử lý nghiêm đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất cam sành; đảm bảo môi trường vùng trồng cam... Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sản xuất, bảo vệ trái cam sành một cách tốt hơn trong các năm tiếp theo. Đối với vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nếu chúng ta sử dụng theo tiêu chuẩn “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng lúc và đúng cách) thì sẽ không có vấn đề gì.
Đến thăm vườn cam sành của hộ anh Phạm Văn Công, thôn Hồng Thái, xã Việt Hồng (Bắc Quang) được biết năm nay tuy không được mùa, nhưng gia đình anh Công đã thành công với vườn cam hơn 2,5ha nhờ được giá. Có được kết quả đó là nhờ sản phẩm cam có hình thức đẹp và sản phẩm chất lượng.
Được biết, vườn cam của gia đình anh Công đã và đang áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, theo anh Công cho biết, điều quan trọng là ý thức của người sản xuất, cần phải làm đúng lương tâm nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng để phát triển lâu dài. Từ đó, trái cam của gia đình anh Công tự hào khi được nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị đặt mua về làm quà biếu trong mùa cam 2013 vừa qua...
Có thể nói, với sự quan tâm về chất lượng, sản lượng; thời gian qua tỉnh và các địa phương trồng cam đã tích cực chỉ đạo không chỉ mở rộng các diện tích cam nói chung mà còn mở rộng xây dựng các diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ nhu cầu tiêu dùng cũng như xu thế sản xuất nông nghiệp, có thể khẳng định sản phẩm chất lượng sẽ quyết định đến sản xuất hiệu quả và bền vững.
Qua đó, để tiếp tục củng cố hình ảnh cam sành Hà Giang, chúng ta cần tuyên truyền về sản xuất cam đảm bảo quy trình kỹ thuật; tuyên truyền giúp người tiêu dùng phân biệt mẫu mã, chất lượng trái cam sành đảm bảo chất lượng cũng như từ chối sản phẩm thiếu chất lượng.
Cùng với đó, cần có dự báo, phát triển các diện tích cam một cách có quy hoạch, kế hoạch theo nhu cầu thị trường. Cuối cùng, chúng tôi xin nhấn mạnh đến sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đó là, cần có sự chủ động, quyết tâm cao của các huyện, các địa phương trong việc phát triển cây cam.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ