Giúp cây nhãn phục hồi mở cửa thị trường tiềm năng rải vụ theo thị trường
Sản phẩm của HTX Nhãn tiêu da bò Tân Hạnh hiện đã có doanh nghiệp đặt vấn đề hợp đồng tiêu thụ xuất khẩu.
Liên kết rải vụ
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trong năm 2014 sản xuất và tiêu thụ trái nhãn còn nhiều bấp bênh, giá nhãn chính vụ luôn ở mức thấp. Riêng vụ nghịch thường năng suất thấp hơn nhưng giá lại cao, lợi nhuận tăng.
Hiện đa số nông dân đã thực hiện khá bài bản về biện pháp xử lý ra hoa rải vụ trên cây nhãn, thực tế sản xuất trong năm 2014 - 2015 cho thấy nhãn được xử lý ra hoa và thu hoạch rải đều các tháng ở tất cả các địa phương trồng nhãn ở ĐBSCL.
Rải vụ thu hoạch được xem là giải pháp tạo sản lượng cây nhãn ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường để thực hiện các biện pháp điều phối, tổ chức sản xuất hợp lý.
Theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh, diện tích cây nhãn trong thời kỳ cho sản phẩm là 25.626ha, với sản lượng 271.153 tấn. Trong đó, Vĩnh Long 6.085ha, Tiền Giang 6.060ha, Bến Tre 3.936ha, Đồng Tháp 4.268ha, Cần Thơ 1.842ha và Sóc Trăng 3.435ha. Cơ cấu giống nhãn trồng phổ biến ở 6 tỉnh là: tiêu da bò chiếm 70%, còn lại là các giống khác như Idor, xuồng cơm vàng…
Tuy nhiên, thách thức hiện nay hầu hết diện tích nhãn tiêu da bò của các tỉnh đều bị tái nhiễm trở lại, các vườn nhãn phục hồi khá hiếm mà nông dân chủ yếu đốn bỏ trồng giống nhãn khác hoặc giống cây khác.
Trong khi đó, kỹ thuật rải vụ trên cây nhãn đã được các nhà vườn 6 tỉnh thực hiện khá lâu. Vụ nhãn chính thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9, còn rải vụ (vụ nghịch) thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3.
Thực tế, trái nhãn mùa nghịch có giá cao (nhãn tiêu da bò 10.000 - 15.000 đ/kg, Idor 28.000 đ/kg…), còn mùa thuận giá rẻ hơn, khoảng 7.000 đ/kg. Không chỉ các nhà quản lý ngành nông nghiệp mà hiện nhiều nhà vườn cũng đã nhận thức tầm quan trọng liên kết rải vụ.
Chẳng hạn, tại Hợp tác xã (HTX) Nhãn tiêu da bò Tân Hạnh (Long Hồ) nhờ sự đồng lòng thực hiện các giải pháp đồng loạt phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn khá hiệu quả. Đến nay, theo Chủ nhiệm HTX Từ Hữu Huệ, các thành viên cũng đã sản xuất theo hướng VietGAP, tiến tới liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nhãn xuất khẩu.
Để tạo đồng thuận, theo ông Từ Hữu Huệ: “Phải có sự đồng tình của các hội viên, phân công thời gian sản xuất mới có đảm bảo sản lượng nhãn cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện chúng tôi đã thỏa thuận bước đầu với hội viên có thể sản xuất rải vụ thu hoạch 2- 3/năm”.
Tiềm năng xuất khẩu lớn
Yêu cầu hiện nay là các nhà vườn liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm để thành lập các tổ hợp tác, HTX để làm đầu mối ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ HTX Nhãn tiêu da bò Tân Hạnh cho thấy, thành lập từ tháng 4/2015, HTX đã lọt vào “tầm ngắm” của một doanh nghiệp xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề liên kết tiêu thụ nhãn xuất khẩu.
Theo ông Từ Hữu Huệ: “Hiện các hội viên đã sản xuất nhãn theo VietGAP, nên đối với yêu cầu của doanh nghiệp về bao trái, làm sạch sản phẩm (không nhiễm phân, thuốc…) sẽ không khó. Với giá doanh nghiệp đưa ra 60.000 đ/kg sản phẩm đạt yêu cầu, chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích nông dân sản xuất sản phẩm tốt”.
Còn anh Tâm- hội viên HTX, hiện có 45 gốc nhãn cho năng suất khoảng 5 tấn/năm, so sánh với giá nhãn hiện tại 10.000 đ/kg, khi nhãn xuất khẩu được sẽ tăng gấp 6 lần. Tuy yêu cầu khắt khe hơn, nghiêm ngặt hơn, nhưng “tụi tui có kỹ thuật rồi, cũng không khó làm theo quy trình”- anh Tâm bảo.
TS. Nguyễn Hữu Đạt- Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2- cho biết thị trường trái nhãn mở cửa cuối 2014 với lô đầu tiên được vào Mỹ cuối tháng 12. Đến nay, Việt Nam đã xuất gần 300 tấn hàng bằng đường hàng không và đường biển.
Giá nhãn Việt Nam qua Mỹ rất cao, tương đương giá nhãn ngon nhất của Mỹ ở tại Florida, khoảng 18 USD/kg tại thị trường Mỹ. Khẳng định “xuất khẩu nhãn còn tiềm năng rất lớn”- TS. Nguyễn Hữu Đạt cũng đánh giá cao khả năng trồng rải vụ, cũng như phẩm chất nhãn Việt Nam đã được thị trường Mỹ chấp nhận.
“Vừa rồi chúng ta vừa xuất lô nhãn đầu tiên của Hưng Yên và doanh nghiệp đánh giá bước đầu nhãn Hưng Yên rất ngon. Theo tôi biết, chúng ta có rất nhiều giống nhãn ngon khác nhau khắp các vùng miền. Mới bắt đầu xuất khẩu nhãn 7 tháng thôi mà đã xuất được cả bằng hàng không và đường biển thành công, tôi cho rằng nhãn rất nhiều triển vọng xuất khẩu thời gian sắp tới”- TS. Nguyễn Hữu Đạt dự báo đầy lạc quan”.
TS. Nguyễn Hữu Đạt- Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2
Chúng tôi rất mong ngoài những giống nhãn đã xuất đi Mỹ, cần xuất nhiều giống khác nữa. Như xuồng cơm vàng, tuy khó bảo quản nhưng rất ngon. Có thể cùng với sự phát triển công nghệ bảo quản, kinh nghiệm xuất hàng của doanh nghiệp, chúng ta sẽ đưa được nhiều giống nhãn ngon khác sang Mỹ làm cho quả nhãn phong phú hơn tại thị trường Mỹ.
So với một số vùng chúng tôi nghiên cứu để chuẩn bị cấp mã số, thì nhãn ở Vĩnh Long rất đa dạng, rất ngon. Theo tôi, nếu có sự liên kết tốt doanh nghiệp thì nhãn Vĩnh Long cũng sẽ đi sang Mỹ thành công như các tỉnh khác.
Theo tôi, các vùng phải duy trì canh tác VietGAP, không sử dụng các nhóm thuốc thị trường Mỹ và các thị trường khó tính không còn sử dụng nữa. Canh tác đúng quy trình để cho ra sản phẩm thật ngon, có thời gian bảo quản dài, thu hái cẩn thận. Như vậy chất lượng tại điểm đến sẽ được bảo trì và chúng ta giữ được thương hiệu nhãn ngon ở ĐBSCL.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Trồng trọt về việc chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch trên cây ăn quả, nhóm sản xuất rải vụ thu hoạch nhãn được thành lập gồm 6 tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Vĩnh Long. Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long được phân công điều hành.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ