Mô hình kinh tế Giúp nông sản Việt vào siêu thị kết nối siêu thị doanh nghiệp nông dân

Giúp nông sản Việt vào siêu thị kết nối siêu thị doanh nghiệp nông dân

Ngày đăng 17/09/2015

Giúp nông sản Việt vào siêu thị kết nối siêu thị doanh nghiệp nông dân

Kết nối siêu thị - doanh nghiệp - nông dân

Thời gian qua, một số siêu thị và doanh nghiệp ở Hà Nội đã về các địa phương để tìm hiểu và hợp tác tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực.

Cụ thể, tại Hải Dương, các siêu thị Fivimart, Sapomart, Co.opmart, Công ty cổ phần sản xuất thương mại An Việt, Công ty cổ phần rau sạch Hà Nội đã tìm hiểu và hợp tác tiêu thụ ổi Thanh Hà, na Chí Linh, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, cà rốt Cẩm Giàng, dưa lê Gia Lộc...

Để các sản phẩm của nông dân vào được siêu thị, cần thay đổi cách thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của các ngành để nông dân tiếp cận kênh phân phối này.

Thời gian tới, kênh tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp và hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao chính là hệ thống bán lẻ tại siêu thị. Do đó, Sở Công Thương Hải Dương sẽ chủ động định hướng sản xuất cho nông dân, tạo các sản phẩm nông sản đạt chuẩn về an toàn vệ sinh, xây dựng mối liên kết để một số thương nhân kinh doanh nông sản chủ lực đưa hàng vào các siêu thị lớn như Metro, Co.opmart, BigC, Hapro...

“Ngoài việc quan tâm đến hiệu quả liên kết hàng hóa từ nơi sản xuất đến siêu thị, nông sản Việt Nam cần phải chú trọng đến chất lượng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”. Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Về phía các siêu thị, bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Công ty cổ phần Nhất Nam (chủ siêu thị Fivimart đã về Hải Dương để phối hợp tiêu thụ nông sản) cho biết, siêu thị đã và đang thu mua và bán nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương như gạo, đậu, đỗ, lạc, vừng, hành tỏi, cà rốt… Năm 2015, siêu thị đã tiêu thụ thêm vải thiều. Dự kiến trong thời gian tới, siêu thị sẽ đưa sản phẩm gà đồi Chí Linh, cá lồng nuôi trên sông Kinh Thầy vào hệ thống. 

Còn Công ty CP Siêu thị VinMart (Tập đoàn Vingroup), với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong nước, đã liên kết với các nhà cung cấp tại nhiều địa phương để thu mua nguồn hàng, đặc biệt là nông sản Đà Lạt. Bên cạnh đó, VinMart đang xây dựng Dự án liên kết với các địa phương trên cả nước về các sản phẩm trái cây vùng miền.

Dự án này được sự hỗ trợ rất kịp thời từ Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành trong vai trò trung gian kết nối. Trái cây đặc sản được VinMart trực tiếp thu mua tận gốc từ các hộ nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp… và tổ chức mạng lưới vận chuyển đến các tỉnh thành khác để tiêu thụ.

Siêu thị Big C cũng có nhiều chính sách ưu tiên hợp tác thu mua với các hợp tác xã, hội nông dân. Doanh nghiệp còn làm việc với Sở Công Thương các tỉnh để tìm kiếm và kết nối với các nhà sản xuất nông sản địa phương, giới thiệu họ với các hợp tác xã, hội nông dân để giúp họ tiêu thụ hàng hóa.

Thay đổi cách sản xuất

Để có được những sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các siêu thị, nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại hội chợ hàng thực phẩm Hàn Quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Yoo Chong Sik, Phó Chủ tịch Cục Xúc tiến xuất khẩu và công nghiệp thực phẩm Hàn Quốc đã chia sẻ với phóng viên Tin Tức những kinh nghiệm tại đất nước mình.

Theo đó, ở Hàn Quốc, sản phẩm nông nghiệp đều đạt tiêu chuẩn của các siêu thị bởi quy trình kỹ thuật sản xuất rất hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, việc đưa nông sản vào siêu thị là việc rất bình thường như các mặt hàng tiêu dùng khác.

“Tại thị trường Việt Nam, có thể quy định hàng vào siêu thị ngặt nghèo, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, chất lượng và đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là yếu tố quyết định nông sản có thể nhập vào siêu thị”, ông Yoo chia sẻ. 

Theo Sở NN & PTNT Hải Dương, mặt hàng rau, củ, quả ở đây ít được chứng nhận VietGAP, trong khi đây là “giấy thông hành” cho nông sản vào được siêu thị. Nếu làm được việc này, siêu thị Fivimart cam kết sẵn sàng ký hợp đồng với địa phương để đưa nông sản vào tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cũng mong muốn song song với nỗ lực của doanh nghiệp thì người nông dân cũng cần tiếp tục tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng VietGAP.

Công ty CP Siêu thị VinMart với chuỗi phân phối trái cây đặc sản vùng miền cũng rất quan tâm đến chất lượng hàng hóa. Nông sản Đà Lạt được VinMart đặc biệt chú trọng từ khâu thu mua tại nguồn, xây dựng kho trung chuyển để đảm bảo giữ được độ tươi nguyên của nông sản đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, VinMart đã tích cực hỗ trợ nông dân hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đào tạo các kỹ năng nuôi trồng đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.

Đại diện siêu thị Big C cho biết, các đơn vị muốn đưa hàng vào siêu thị phải thỏa mãn những điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì, thị hiếu người tiêu dùng; trong đó ưu tiên hàng hóa mang tính chất đặc thù địa phương.

“Đối với những nhà sản xuất mới có quy mô vừa và nhỏ, chúng tôi có chính sách ưu tiên trưng bày ở khu vực người tiêu dùng dễ nhận thấy.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức những chương trình bán hàng không lợi nhuận để giúp nông dân tiêu thụ nông sản như chương trình bán dưa hấu miền Trung, hành tây Đà Lạt (tháng 4/2015), vải thiều (tháng 6/2015)”, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng siêu thị Big C cho hay.

Hiện nay, nhiều siêu thị như Saigon Co.op, Big C… đã công khai quy trình hàng hóa vào siêu thị và được áp dụng cho tất cả đối tượng doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp muốn được bày bán hang hóa trong siêu thị sẽ tìm hiểu quy trình chào hàng được đăng tải công khai trên website, sau đó sẽ triển khai theo nhu cầu.


Hạt cà phê cõng 17 khoản thu kiến nghị giao đất về địa phương Hạt cà phê cõng 17 khoản thu kiến… Cứu cánh nuôi tôm nuôi trải bạt Cứu cánh nuôi tôm nuôi trải bạt