Gỡ khó cho sầu riêng Đồng Nai
Đứng trước thực trạng diện tích sầu riêng đang ngày càng phát triển, song đa phần trồng rải rác, thiếu quy hoạch, đầu ra bấp bênh, tỉnh Đồng Nai đang gấp rút đề ra các biện pháp giải quyết nhanh và hiệu quả cho loài cây chủ lực này, nhằm tìm ra hướng tiêu thụ bền vững.
Thực trạng khó khăn
Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh Đồng Nai có 3.865 ha sầu riêng, sản lượng bình quân đạt gần 28.000 tấn/năm.
Trong số 8 mặt hàng cây ăn trái và cây công nghiệp tại Đồng Nai, sầu riêng được xem như là một trong những loại cây đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân. Loại cây này cũng được trồng nhiều ở các huyện, thị xã như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Long Khánh, Long Thành… và nhanh chóng trở thành một trong những cây trồng chủ lực.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có tới hơn 60% diện tích sầu riêng của tỉnh nằm ngoài vùng quy hoạch chuyên canh tập trung. Tình trạng này đang khiến các huyện, xã gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch lại các vùng sầu riêng, nhằm xây dựng các mô hình thâm canh để làm cơ sở hình thành cánh đồng mẫu lớn sau này.
Chính do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung khiến việc ứng dụng các tiến bộ KHKT gặp nhiều khó khăn. Điều này lý giải vì sao, trong số các mặt hàng nông sản được chứng nhận VietGAP và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, lại không hề có tên trái sầu riêng. Dự án sầu riêng VietGAP vẫn còn đang trong quá trình triển khai tại xã Xuân Định, thị xã Long Khánh, nhưng chỉ với quy mô khiêm tốn chừng 15 ha, trong khi tổng diện tích sầu riêng toàn thị xã Long Khánh là 1.134,3ha.
Đặc biệt, tình trạng tiêu thụ sầu riêng lúc thuận, lúc khó luôn là vấn đề nan giải của tỉnh. Tính đến tháng 6 năm 2015, gần như toàn bộ sản lượng sầu riêng Đồng Nai phải tiêu thụ qua thương lái, mặc dù vẫn có không ít DN trái cây “đóng đô” tại tỉnh. Nguyên nhân của việc này là do Đồng Nai chưa có bất kỳ HTX sầu riêng nào đứng ra làm cầu nối giữa DN với nông dân.
Giải pháp tiêu thụ sầu riêng?
Theo ông Phan Minh Báu, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai: “Hiện nay, cần phải giải quyết được vấn đề tiêu thụ cho bà con nông dân, không thể cứ bán qua thương lái mãi được”. Ông cho biết, để giải quyết tình trạng này, việc trước tiên là xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, để từ đó phát triển thành cánh đồng mẫu lớn.
Có như vậy thì việc áp dụng KHKT vào sản xuất mới dễ thực hiện, chất lượng sản phẩm qua đó mới có thể được giám sát kỹ càng, đảm bảo chất lượng. Tiếp đến, nên thành lập các HTX chịu trách nhiệm tìm đầu ra cho bà con nông dân. Tuy nhiên, ông Báu cũng lưu ý: “Các HTX thành lập ra phải thực chất, phải biết làm tốt trách nhiệm của mình trong việc tìm DN tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân”.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Long, đại diện Cty CP phát triển Sinh học (DONA-TECHNO) cho biết: “Do không có HTX nào đứng ra ký kết hợp đồng thu mua, nên không ít lần bản thân DN đã tự đi xuống ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân, song đều bị phá vỡ.
Nguyên nhân khi vào vụ thu hoạch sầu riêng, các thương lái vào vườn trả giá cao hơn, nông dân nhận thấy lợi nhuận trước mắt đã bán toàn bộ trái đẹp, to cho thương lái, chỉ để lại những trái kém chất lượng, nhỏ cho DN chúng tôi dù hợp đồng đã ký rồi”.
Ông Long cũng như nhiều DN mong muốn tỉnh Đồng Nai sớm có những HTX sầu riêng được tổ chức một cách quy mô, bài bản, hoạt động thức chất. “Nếu có HTX sầu riêng đủ mạnh và uy tín, DONA-TECHNO cũng như các DN khác chắc chắn sẽ mạnh dạn đầu tư, ký kết hợp đồng tiêu thụ sầu riêng cũng như các loại trái cây khác cho bà con nông dân”, ông Long nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ