Tin nông nghiệp Góc nhìn của nông dân sản xuất lúa đặc sản

Góc nhìn của nông dân sản xuất lúa đặc sản

Tác giả Thúy Liễu, ngày đăng 25/11/2019

Góc nhìn của nông dân sản xuất lúa đặc sản

Phải khẳng định rằng, canh tác lúa đặc sản một thời gian dài đã góp phần tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất so với việc canh tác các giống lúa thường. Nhưng tầm 2 vụ mùa trở lại đây, do ảnh hưởng của giá cả thị trường, việc sản xuất các giống lúa đặc sản không đem về nguồn thu tốt như trước nên nông dân bắt đầu suy nghĩ đến việc chuyển đổi giống lúa nhưng vẫn đảm bảo làm các giống lúa chất lượng, có đầu ra ổn định.

Đó là lời chia sẻ chân tình của bà con nông dân khi nói đến thị trường tiêu thụ các giống lúa đặc sản mà nông dân đang thu hoạch và xuất bán.

Cánh đồng lúa đặc sản của nông dân xã Viên Bình (Trần Đề) vào vụ thu hoạch rộ. Ảnh: Thúy Liễu

Đang xem máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên đồng ruộng của gia đình, anh Quách Vũ Khanh ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình (Trần Đề) tâm tình: “Tôi làm ruộng tính đến thời điểm hiện tại là 25 năm. Ngày trước, nông dân chủ yếu canh tác lúa mùa 1 vụ/năm, sau này khi các kênh thủy lợi nội đồng tạo nguồn và có các con đập ngăn mặn, trữ ngọt nên sản xuất được 2 vụ lúa/năm thì nông dân chuyển sang làm các giống lúa thường, năng suất khá nhưng giá bán không cao. Vì vậy, để tăng thu nhập thì tầm 15 năm trở lại đây, nông dân làm giống lúa ST5 rồi dần chuyển sang các dòng lúa đặc sản, hiện tại là giống lúa RVT. Nhờ làm các giống lúa trên mà lợi nhuận sau mỗi vụ thu hoạch rất tốt, đặc biệt không phải lo khâu đầu ra, cứ đến vụ thu hoạch thương lái họ đến tận ruộng thu mua lúa".

"Nhưng trong 2 vụ mùa: Đông - Xuân (2018 - 2019) và Hè - Thu hiện tại, giá lúa đặc sản xuống thấp nên nông dân lo lắng. So cùng thời điểm, vụ Hè - Thu (năm 2018), giá lúa được thương lái thu mua 7.700 đồng/kg, cao hơn thời giá hiện nay là 5.600 đồng/kg, chênh lệch lên tới 2.200 đồng/kg, tính phần lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ năm trước tầm 2 triệu đồng/công. Còn giá hiện tại trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/công. Tôi có tổng số 27 công đất làm giống lúa RVT, năng suất lúa 6,5 tấn/ha và với mức giá thị trường thu mua như thế, vụ tới tôi sẽ chuyển đổi làm giống lúa Đài Thơm 8 nhằm đảm bảo lợi nhuận” - anh Khanh chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Quốc Phú ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình (Trần Đề) thì bộc bạch: "Làm lúa lời không nhiều nên các hộ nông dân chỉ có vài ba công đất làm lúa đặc sản trong vụ Hè - Thu này xem như thua, nông dân cũng biết tất cả do giá thị trường “năm hên năm xui”. Vì các năm trước đó, nông làm lúa đặc sản đều “trúng mánh”, giá cao ngất ngưởng 7.200 đồng - 7.700 đồng/kg, mức giá này cao hơn các giống lúa thông thường tầm 1.500 đồng - 2.000 đồng/kg. Chỉ có 2 vụ mùa qua, giá lúa đặc sản rớt xuống dưới mức 6.000 đồng/kg nên nông dân đã thật sự lo lắng".

Cũng theo lời chia sẻ của anh Phú thì anh có 10ha làm giống lúa RVT, nếu cùng thời điểm vụ mùa trước lái họ tới mua, ấn định ngày cắt là họ đến vận chuyển lúa. Nhưng năm nay, đến ngày hẹn họ kêu mình dời ngày lại tầm 5 ngày, thêm mấy ngày lúa chín nhiều hơn dẫn đến hao hụt sản lượng lúa sau thu hoạch tầm vài trăm kílôgam lúa/công, giá lúa đã thấp, lúa chín nhiều nhẹ ký nên giảm năng suất. "Tôi đang thu hoạch lúa, ước sản lượng 7 tấn/ha, với 10ha tổng sản lượng ước đạt 70 tấn, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận tầm 80 triệu - 100 triệu đồng. Tính ra, tôi đã bán lúa đặc sản ở mức giá 5.300 đồng/kg đầu vụ và vụ này là 5.400 đồng/kg, giá này tính ra nông dân thu lãi thấp nên vụ tới tôi sẽ chuyển đổi sản xuất lúa OM18 và Đài Thơm 8” - anh Phú cho biết thêm.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Thành Phước cho biết: “Trong nhiều năm qua, việc sản xuất lúa của bà con nông dân đã có chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi các giống lúa thường sang các giống lúa chất lượng cao và lúa đặc sản. Phải khẳng định rằng, trong một thời gian dài giá luôn bình ổn và giữ vững ở mức cao, đảm bảo lợi nhuận tốt cho bà con nông dân. Chúng tôi cũng đã triển khai Dự án Lúa đặc sản tại một số địa phương để trình diễn mô hình, hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa, giảm chi phí, nâng cao thu nhập, hướng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm nâng giá trị hạt lúa đạt tiêu chuẩn an toàn.

Đồng thời, tại các mô hình triển khai có sự kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ lúa đầu ra cho người dân. Tuy nhiên, cái khó của ngành chuyên môn là không thể dự báo trước giá thị trường của từng giống lúa theo từng năm nên gặp khó khăn trong việc khuyến cáo cho bà con nông dân nên hay không nên làm giống lúa gì, nhưng đứng góc độ chuyên môn khuyên nông dân là dù sản xuất bất cứ loại giống lúa nào, trước tiên hãy áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật ngành chuyên môn hướng dẫn, xuống giống đúng lịch thời vụ và tuân thủ quy hoạch vùng sản xuất lúa tại các địa phương…”.


Quy trình sản xuất bột matcha Quy trình sản xuất bột matcha Nông dân mê máy làm đất đa năng Nông dân mê máy làm đất đa năng