Mô hình kinh tế Gừng Núi Đá Loài Cây Quý Hiếm

Gừng Núi Đá Loài Cây Quý Hiếm

Ngày đăng 22/01/2014

Gừng Núi Đá Loài Cây Quý Hiếm

Gừng đá là loài cây quý hiếm của Bắc Kạn. Tuy nhiên việc khai thác ồ ạt ngoài tự nhiên, trồng manh mún đã khiến giống gừng này đứng trước nguy cơ bị thoái hóa. Thử nghiệm khoa học thành công trong việc trồng gừng đá mở ra hướng bảo tồn và phát triển kinh tế từ giống cây quý này.

Không ít người dân Bắc Kạn không lạ gì với việc xuyên rừng núi đá kiếm gừng đá. Những búi gừng cheo leo vách đá, khi bán có giá cao, vì thế càng bị khai thác mạnh. Việc trồng loại cây này cũng được nhiều người dân thực hiện nhưng vẫn còn manh mún.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu bảo tồn, phục tráng cây gừng đá. Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam là đơn vị phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn thực hiện dự án với nội dung “Nghiên cứu đánh giá, nhân nhanh giống và kỹ thuật trồng gừng đá Bắc Kạn”.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn cho biết, nghiên cứu nhân giống gừng đá có tính chất đặc sản khu vực, không chỉ bảo tồn phát triển nguồn gen gừng bản địa mà còn có thể khai thác tiềm năng của chúng phục vụ công tác chọn tạo giống gừng mới trong tương lai và phát triển kinh tế.

Cây gừng đá đã được xếp vào nhóm giống cây thực phẩm quý hiếm cần được bảo tồn theo Quyết định 80/2005/QĐ- BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2005. Giá bán 01 kg gừng đá hiện tại từ 500.000 - 800.000đ là cơ sở để tin rằng đây là một tiềm năng phát triển kinh tế rất khả thi.

Sở Khoa học và Công nghệ cùng Viện Di truyền nông nghiệp đã tiến hành điều tra tình hình sản xuất gừng đá tại Liêm Thủy và Xuân Dương (Na Rì). Tại mỗi xã lựa chọn 50 hộ dân tham gia mô hình trồng gừng đá. Từ đó, tiến hành đánh giá kiểu hình, kiểu gen; nhân nhanh giống gừng đá bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật (Invitro).

Qua 01 năm triển khai, dự án đã hoàn thành điều tra, khảo sát tình hình sản xuất giống gừng đá tại xã Liêm Thủy và Xuân Dương; đánh giá, chọn lọc các cá thể gừng đá trên đồng ruộng; nhân giống thành công giống gừng đá Bắc Kạn bằng phương pháp Invitro; phân tích các thành phần chính của giống gừng đá Bắc Kạn nhằm đánh giá giá trị nguồn gen của giống tại vùng nghiên cứu.

Mô hình trồng 500m2 diện tích gừng tại núi đá trong đó 200m2 trồng từ củ của địa phương và 300m2 trồng từ cây nuôi cấy bằng phương pháp Invitro cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt. Chiều cao cây trồng từ cây nuôi cấy mô đạt 15 - 18 cm, được 8 - 10 lá và đã đẻ 3 - 5 nhánh. Gừng trồng từ củ của địa phương cây sinh trưởng phát triển tốt, mỗi khóm từ 6 - 10 nhánh.

Theo đánh giá của dự án, hiện tại nhu cầu về sản xuất gừng đá làm dược liệu và thực phẩm rất cao, cung không đủ cầu. Giống được triển khai không những phục vụ nhu cầu cho riêng Bắc Kạn mà còn cho các vùng miền núi có điều kiện sinh thái tương tự. Về lâu dài, với tiềm năng cũng như sự chủ động về nguồn giống thì tính toán xây dựng thị trường tiêu thụ để đưa cây gừng đá trở thành đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao là điều cần thiết và hết sức khả thi.


Giá Cao Nhưng Lúa Ít Giá Cao Nhưng Lúa Ít Nông Dân Rầu Lòng Vì Giá Rau Rẻ Nông Dân Rầu Lòng Vì Giá Rau Rẻ