Hà Tĩnh: Làm Giàu Từ Nuôi Vẹm Xanh
Anh Nguyễn Tiến Dũng ở xóm Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư nuôi vẹm xanh trên 2 ha mặt nước tại vùng cửa Sót. Nếu có dịp ghé thăm mô hình nuôi vẹm của gia đình anh, mọi người hẳn sẽ bất ngờ khi ngắm những dây lưới xoay tròn từng lớp vẹm xanh. Để có được kết quả thành công như hôm nay, gia đình anh đã dồn hết vốn liếng, công sức và trải qua rất nhiều gian khổ.
Anh Dũng cho biết: Trước đây anh làm nghề đi biển. Sau bao năm ra khơi, vào lộng, vật lộn với sóng gió nhưng cuộc sống gia đình chỉ đủ miếng cơm manh áo. Nhiều lần tính tới chuyện chuyển nghề nên anh đã tìm hiểu, học hỏi cách làm kinh tế từ nhiều người ở các địa phương khác. Tháng 6/2007, anh quyết định đến với nghề nuôi vẹm xanh. Với số vốn ban đầu 50 triệu đồng, anh đầu tư đổ cọc bê tông, kết dây lưới làm hệ thống nuôi vẹm xanh ngay tại cửa lạch. Bước đầu, anh nhận thấy đây là hướng làm ăn phù hợp bởi vị trí cửa lạch là nơi giao nhau giữa nước sông và biển nên lượng thức ăn tự nhiên rất phong phú, đặc biệt có thực vật phù du là nguồn thức ăn rất tốt cho vẹm phát triển.
Trong vòng 2 tháng liên tục tiến hành công việc xây dựng, khu vực nuôi đã hoàn thành với 70 cọc bê tông, 100 cọc gỗ, 240 dây thừng bằng lưới. Ngoài ra, anh còn sắm một số thiết bị cần thiết: 1 thuyền máy 15CV, máy thổi khí, kính lặn, găng tay chống hà... Được sự hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ ngành thuỷ sản, anh mua 2.000 kg vẹm giống ở Thái Bình, cỡ 900 con/kg về thả nuôi. Để tận dụng diện tích mặt bãi và kết hợp công chăm sóc, anh thả thêm 500 kg ngao giống, cỡ 500 con/kg. Đây là hình thức nuôi biển, lợi dụng con nước thuỷ triều lên xuống hằng ngày đưa nguồn phù du từ sông ra biển nên lượng thức ăn tự nhiên được cung cấp đầy đủ, môi trường nước luôn được thay đổi, không bị ô nhiễm. Đó là điều kiện lý tưởng cho vẹm xanh phát triển.
Công việc chính sau khi thả giống là quản lý, bảo vệ, ngoài ra còn phải thường xuyên lặn xuống kiểm tra dây lưới. Khi vẹm con lớn dần thì dây nuôi vẹm sát đáy chùng xuống sẽ bị phù sa bồi lấp và phải nâng lên kịp thời. Đặc biệt, vào mùa bão lụt phải theo dõi dự báo thời tiết để chủ động di dời những dây vẹm có nguy cơ vùi lấp trước khi mưa to, gió lớn. Tuy công việc có lúc gian nan, vất vả nhưng bù lại sau những lần kiểm tra, thấy vẹm lớn nhanh khiến anh rất phấn khởi và thêm lòng tin vào công việc mình đang làm.
Sau gần một năm chăm sóc, bảo vệ, vào mùa hè này, thấy vẹm đã đạt tiêu chuẩn thương phẩm, anh thu hoạch để bán. Vẹm lớn khá đều, cỡ 35 - 40 con/kg. Nếu nuôi tiếp, vẹm có thể lớn hơn và giá bán cao hơn nhưng anh tính toán lấy ngắn nuôi dài, phải thu hồi vốn để trả nợ và tiếp tục đầu tư mở rộng giàn nuôi. Đến cuối tháng 5/2008, anh Dũng thu được 30 tấn vẹm xanh, 5 tấn ngao, chưa tính số lượng vẹm con để lại nuôi tiếp vụ sau.
Hiệu quả kinh tế từ mô hình này của anh như sau:
Tổng chi: 164 triệu đồng, bao gồm: + Cọc, dây, thuyền, máy, dụng cụ: 78 triệu đồng
+ Vẹm giống: 2.000 kg x 20.000 đồng/kg = 40 triệu đồng + Ngao giống: 500 kg x 18.000 đồng/kg = 9 triệu đồng
+ Công chăm sóc, quản lý: 1 triệu đồng/tháng x 12 tháng = 12 triệu đồng + Chi phí thu hoạch: 20 triệu đồng
+ Dầu, nhớt: 3 triệu đồng + Chi khác: 2 triệu đồng
Tổng thu: 345 triệu đồng, trong đó:
+ Vẹm thịt: 30.000 kg x 10.000 đồng/kg = 300 triệu đồng + Ngao thịt: 5.000 kg x 9.000 đồng/kg = 45 triệu đồng
Lợi nhuận: 181 triệu đồng
Những kết quả thu được cho thấy, đây là một mô hình nuôi nhuyễn thể đạt hiệu quả kinh tế cao, không những mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình mà còn có ý nghĩa bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ