Hai điểm sáng trong tiêu thụ nông sản chính vụ
Sản lượng lớn hoa quả cần tiêu thụ
Các loại trái cây đang và sẽ vào chính vụ thu hoạch như: vải thiều, nhãn, thanh long, bưởi, xoài, mít… Tại miền Bắc, có 2 sản phẩm có sản lượng lớn gồm: vải thiều ở Bắc Giang (khoảng 180.000 tấn), ở Hải Dương (hơn 60.000 tấn) và 100.000 tấn nhãn ở Sơn La (thu hoạch từ tháng 7). Tại các tỉnh phía Nam, 6 tháng đầu năm 2022, đã tiêu thụ ước đạt 3,3 triệu tấn; 6 tháng cuối năm ước 4,1 triệu tấn cần được tiêu thụ.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm gần 57% thị phần trái cây. Việc, nước này vẫn áp dụng chính sách zero Covid đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng kéo theo việc gia tăng các biện pháp kiểm dịch, gây ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, làm chậm tiến độ xuất khẩu. Mặt khác, với Lệnh 248 và Lệnh 249, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, trong đó tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Gần đây, chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, đã tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái cây; năng lực chế biến còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu tươi, do vậy, nếu xuất khẩu gặp khó, sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ trong nước.
Theo ông Jiang Hui Tong, thương nhân Trung Quốc, hiện nhu cầu tiêu dùng vải thiều tại thị trường nước này khá lớn. Tuy nhiên, việc thông quan tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đang gặp khó khăn. Ông mong muốn, tỉnh Bắc Giang làm việc với Hải quan Trung Quốc để ưu tiên vải thiều thông quan, nếu kéo dài, không chỉ tăng chi phí cho doanh nghiệp thu mua mà còn ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Đối với tiêu thụ nội địa, đại diện HTX Nông nghiệp Hồng Xuân (Lục Ngạn - Bắc Giang) đề nghị, các cơ quan chức năng hỗ trợ kết nối với các siêu thị lớn, doanh nghiệp chế biến để tăng lượng tiêu thụ cho người dân. Cùng với đó, địa phương quan tâm hỗ trợ các HTX chuyển đổi đất vườn sang xây dựng kho, xưởng bảo quản, chế biến.
Trong khi đó, bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc Siêu thị GO! Bắc Giang cho biết, hiện các DN, HTX mới đưa vải thiều vào siêu thị dưới dạng đóng gói thô nên khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, doanh nghiệp, HTX cần tính toán, đóng gói với nhiều mức khối lượng khác nhau và vận chuyển bằng xe lạnh để giữ mã cũng như chất lượng sản phẩm.
Điểm sáng nhìn từ Bắc Giang, Sơn La
Năm 2022, Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ vải trong mọi tình huống có thể xảy ra. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin chuyên ngành, hệ thống tổ chức ngành dọc, các đối tác và đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các địa phương phối hợp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, coi trọng khai thác tối đa thị trường trong nước, đổi mới giới thiệu sản phẩm đối với thị trường nội địa, tập trung vào các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối lớn; các nhà phân phối, hệ thống các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam; các khu công nghiệp lớn ở Bắc Giang và miền Bắc; các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn trong nuớc; các tổ chức chính trị - xã hội có mạng luới rộng lớn như: Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… để đưa sản phẩm vải thiều đến tất cả các kênh, mạng luới phân phối, tiêu thụ trong cả nước.
Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp khơi thông thị trường trong nước, ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ cho các tổ hợp tác, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, bán vải thiều trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử; phối hợp với Cục Thương mại điện tử triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: voso.vn, lazada.vn, alibaba…
Tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2022, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, tỉnh quyết tâm thực hiện phương châm “Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tiêu thụ vải thiều”; phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước; triển khai hiệu quả kênh phân phối thương mại điện tử; thực hiện linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để đảm bảo phòng, chống dịch.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, Sơn La tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản. Qua đó, sản phẩm nhãn của Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn và tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Cùng với đó, nhãn Sơn La từng bước xây dựng chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... và được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng.
Đặc biệt, Sơn La đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ nhãn, nhất là chế biến sản phẩm long nhãn. Hiện, tỉnh có trên 600 cơ sở chế biến long nhãn, sản lượng long nhãn năm 2022 ước đạt 6.000 tấn. Long nhãn Sơn La vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Á. Sản phẩm long nhãn cũng được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử như: voso, postmart, lazada, tiki, shopee, sendo.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, khẳng định, Sơn La cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản. Tỉnh sẽ chỉ đạo, huy động tối đa các nguồn lực hậu cần, hạ tầng, an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác trong suốt niên vụ năm 2022.
Những năm qua, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nhưng với cách làm bài bản, Bắc Giang và Sơn La đã không xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” hay “giải cứu”, từ đó nâng cao giá trị nông sản, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Đây là hai điểm sáng trong tiêu thụ nông sản, các địa phương khác có thể nghiên cứu học hỏi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ