Tin nông nghiệp Hai dòng chim bồ câu pháp nuôi thành công ở nhiều địa phương

Hai dòng chim bồ câu pháp nuôi thành công ở nhiều địa phương

Tác giả Phương Nguyễn, ngày đăng 30/01/2018

Hai dòng chim bồ câu pháp nuôi thành công ở nhiều địa phương

Các nhà khoa học của Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu tập tính sinh sống và cho ra sản xuất đại trà hai dòng chim bồ câu Pháp (VN1) nhập nội.

Một trại nuôi bồ câu Pháp ở Bắc Giang

- Dòng chim bồ câu Pháp Titan còn gọi là dòng bồ câu “siêu nặng”, được nhập nội từ Pháp vào Việt Nam tháng 5/1998. Con giống có đặc điểm hình thái chân ngắn, vai nở. Màu sắc lông đa dạng (trắng, đốm, xám, nâu), trong đó, màu xám chiếm 20%, trắng chiếm 12%, nâu 12% và đốm (4%). Chim trống có thân hình dài 19cm, cao 31cm. Chim mái dài 16,5cm, cao 28,5cm. Chim mới nở có khối lượng trung bình 17gram/con, 28 ngày tuổi nặng 647gram, 6 tháng tuổi đạt 677gram, 1 năm tuổi (chim sinh sản) 691gram/con. Chim sinh sản đẻ 12 - 13 chim non/cặp (trống, mái). Khoảng cách trung bình giữa 2 lứa đẻ 40 ngày. Tỷ lệ nở/tổng trứng đạt 66 - 72%. Tỷ lệ nuôi sống đạt 94 - 96%.

- Dòng chim bồ câu Pháp Mimas còn gọi dòng bồ câu "siêu lợi", nhập nội từ Pháp vào Việt Nam tháng 5/1998. Con giống có đặc điểm hình thái là vai nở, chân ngắn, chân đỏ hồng, lông màu trắng đồng nhất. Chim trống có thân hình dài 18cm, cao 28cm. Chim mái dài 16cm, cao 27cm. Chim mới nở đạt khối lượng trung bình 16gram/con, 28 ngày tuổi nặng 582 - 585gram, 6 tháng tuổi đạt 653gram, 1 năm tuổi (chim sinh sản) 690gram/con. Chim sinh sản đẻ 16 - 17 chim non/cặp (trống, mái). Khoảng cách trung bình giữa 2 lứa đẻ là 35 - 40 ngày. Tỷ lệ nở/tổng trứng đạt 76 -82%. Tỷ lệ nuôi sống từ 93 - 98%.

- Hướng sử dụng và kỹ thuật chăn nuôi:

Chim bồ câu bố mẹ được chọn làm giống phải đạt các yêu cầu sau: Lanh lợi, khỏe mạnh, lông mượt, lông bụng dày, mỏ xẻ, không có bệnh và không khuyết tật. Con trống to hơn, đầu thô, khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp và đã có phản xạ gù mái. Con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng. Nên chọn mua chim đã được ghép đôi. Một cặp bồ câu có thể sinh sản trong 5 năm, nhưng sau 3 năm đẻ, khả năng sinh sản giảm, nên thay chim bố mẹ mới.

Thức ăn cho chim có thể dùng ngô, đậu xanh, thóc… Ngoài ra chim còn có thể tự tìm kiếm những thức ăn trong tự nhiên (nếu không nuôi nhốt). Nên cho chim ăn vào giờ đã quy định để tạo thói quen, thông thường 1 ngày cho chim ăn 2 lần vào 7 - 8 giờ sáng và 2 - 3 giờ chiều. Thức ăn cho chim nhỏ là gạo xay trộn, chim bồ câu đã trưởng thành thì thức ăn là thóc trộn với ngô hay các hạt khác xay vỡ, có thể trộn thêm cám gà khoảng 20 - 30%.

Bồ câu nuôi nhốt rất cần chất khoáng, đặc biệt là muối ăn, do đó phải bổ sung thường xuyên vào các máng ăn riêng cho chim ăn tự do. Thức ăn khoáng bổ sung được trộn theo công thức: Khoáng Premix 85%, muối ăn 5%, sỏi nhỏ 5%. Nước rất cần thiết cho chim bồ câu. Một cặp chim tiêu thụ trung bình 200ml nước mỗi ngày, có thể tăng lên 300ml vào các ngày nắng nóng, ít nhất cũng cần 150ml trong các ngày lạnh. Chim bồ câu thường nhúng mỏ vào nước trong suốt thời gian chúng uống nước, vì vậy cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bình uống, máng ăn và chuống trại, để tránh phát sinh lây lan các mầm bệnh.

Các địa phương đã nuôi thành công phổ biến 2 dòng chim bồ câu Pháp nói trên là Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Sơn La, Nghệ An, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh…


Bất ngờ về hiệu quả của mô hình trồng chuối xen canh sầu riêng Bất ngờ về hiệu quả của mô hình… Kỹ thuật nuôi Chim bồ câu Pháp kiếm tiền triệu cực đơn giản Kỹ thuật nuôi Chim bồ câu Pháp kiếm…